Gõ cửa từng nhà đồng bào thiểu số tuyên truyền bầu cử

(PLO) - Nhằm bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ cho các cử tri, đặc biệt là cử tri đồng bào dân tộc thiểu số, tại các xã vùng cao của huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng thôn về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Trưởng thôn Vũ Thị Hường (bìa trái) tuyên truyền về Luật Bầu cử bằng tiếng Dao ở Thông Châu
Trưởng thôn Vũ Thị Hường (bìa trái) tuyên truyền về Luật Bầu cử bằng tiếng Dao ở Thông Châu

Sát sao trong các hình thức tuyên truyền

Xã Húc Động huyện Bình Liêu có gần 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với 1.724 cử tri đi bỏ phiếu, tập trung đông ở các bản: Khe Vằn, Thông Châu, Sú Cáu, Khe Mó, Nà Ếch, Mõ Túc, Pò Đán, Lục Ngù, Khánh Thìn.

Với đặc thù là xã vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nhận thức của người dân còn hạn chế nên xã Húc Động đã tổ chức tuyên truyền bầu cử dưới mọi hình thức, trong mọi điều kiện hoàn cảnh khác nhau để phù hợp với khả năng tiếp thu của người dân.

Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền bằng hình thức trực quan qua hệ thống pa nô, băng rôn, khẩu hiệu tại các khu vực trung tâm xã, các điểm bầu cử, Tiểu ban Thông tin tuyên truyền đã tiến hành in, sao đĩa CD tuyên truyền bầu cử bằng tiếng Dao để phát tại các thôn: Khe Vằn, Thông Châu, Sú Cáu. Cùng với đó là tuyên truyền lồng ghép thông tin về bầu cử thông qua các hội nghị, sinh hoạt chi bộ, họp thôn, bản.

Đồng thời tuyên truyền qua hệ thống cụm loa truyền thanh cơ sở, phát các tờ rơi về Luật Bầu cử cho các hộ gia đình trên địa bàn. Với cách làm này, đến nay, hầu hết người dân là đồng bào dân tộc thiểu số tại các thôn, bản trên địa bàn xã đã nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử cũng như được tìm hiểu kỹ về các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Anh Lỷ A Nhì, thôn Thông Châu cho biết: “Được trưởng thôn tuyên truyền, vận động về bầu cử, hướng dẫn về bỏ phiếu, mỗi người phải tự mình bỏ phiếu, không được nhờ người khác bầu cử thay nên tôi và các thành viên trong gia đình sẽ sắp xếp công việc để đi bầu cử sớm vào ngày 22/5 tới theo đúng quy định”.

Bên cạnh việc thường xuyên phát các bản tin về Luật Bầu cử, quyền và nghĩa vụ của cử tri trên 7 cụm truyền thanh cơ sở, xã Húc Động còn phân công các thành viên liên quan xuống tận cơ sở để tuyên truyền cho bà con.

Ông Nình Văn Phúc – Phó Bí thư Đảng ủy xã Húc Động, Chủ tịch HĐND xã, Trưởng ban Bầu cử xã Húc Động cho biết: “ Húc Động là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện, toàn xã chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Về công tác tuyên truyền cho bầu cử, xã đã nhận được kế hoạch của cấp trên, xã đã thống nhất xây dựng kế hoạch của xã cụ thể và chi tiết theo quy định của cấp trên. Xã cũng đã tổ chức tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn xã nắm được về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Đồng thời, xã cũng đã phân công các thành viên cùng các ngành đến các thôn bản tuyên truyền cho bà con hiểu rõ và chuẩn bị tốt các địa điểm bỏ phiếu để đảm bảo đúng tiến độ theo quy định của cấp trên”.

Đợt bầu cử lần này xã Húc Động có 8 tổ bầu cử và 8 khu vực bỏ phiếu. Đến nay, toàn xã triển khai treo 2 pa nô, 4 băng rôn và nhiều khẩu hiệu tại các khu vực trung tâm.

Ở huyện Bình Liêu, công tác tuyên truyên Luật Bầu cử đang được các cán bộ đi sâu, sát vào từng hộ gia đình
Ở huyện Bình Liêu, công tác tuyên truyên Luật Bầu cử đang được các cán bộ đi sâu, sát vào từng hộ gia đình

Đi từng ngõ, gõ từng nhà

Do nhiều thôn nằm cách xa trung tâm xã như thôn Khe Vằn, Thông Châu… nên công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử của xã gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, thời điểm triển khai tuyên truyền trùng với lịch cấy của bà con, do đó người dân tại các thôn, khe, bản vùng sâu, vùng xa đang tập trung lao động, sản xuất nên việc triệu tập bà con để tuyên truyền là không hề đơn giản.

Tuy nhiên, để khắc phục khó khăn trên, hàng ngày cán bộ xã, thôn vẫn đến từng hộ dân, lựa chọn thời gian người dân có mặt ở nhà để tuyên truyền, hướng dẫn.

Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho đồng bào, không ngại khó khăn, vất vả, Trưởng thôn Thông Châu Vũ Thị Hường đã đi từng ngõ, đến gõ cửa từng nhà, có khi phải kết hợp cả tiếng Kinh và tiếng Dao để giải thích cho đồng bào hiểu rõ.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Hường cho hay: “Được giao nhiệm vụ tuyên truyền về cuộc bầu cử cho đồng bào, tôi tranh thủ thời gian đến từng nhà để nắm tâm tư, nguyện vọng cũng như giải thích những vấn đề đồng bào chưa rõ trong công tác bầu cử. Ngoài ra, tôi cùng với các cán bộ trong thôn thường xuyên tuyên truyền miệng đến bà con trong xóm thông qua những lần làm nương, làm rẫy, cấy hái. Nhờ vậy, 26 hộ và 55 cử tri đồng bào dân tộc Dao ở Thông Châu đều nhận thức được hết ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử. Bà con cũng khẳng định sẽ thực hiện nghiêm quyền và nghĩa vụ của người công dân trong ngày bầu cử vào ngày 22/5 tới đây”.

Sau khi được cán bộ thôn tuyên truyền, giải thích bằng tiếng dân tộc, bà con trong thôn rất phấn khởi. Bà Chíu Si Múi (66 tuổi, dân tộc Dao ở thôn Thông Châu) cho biết: “Nhà tôi có 5 người trong độ tuổi bầu cử theo lời dặn của trưởng thôn nên chắc chắn ngày 22/5 tới tôi cùng con cháu sẽ tham gia bầu cử đầy đủ”.

Tại hội nghị tập huấn công tác bầu cử ở địa phương, cán bộ thôn đã được hướng dẫn công tác rà soát, nắm chắc tình hình tạm trú, tạm vắng để lập danh sách cử tri chính xác. Bà Trần Thị Sửu – Bí thư chi bộ thôn Thông Châu cho biết: “Trong thôn có nhiều người đi làm ăn xa, nên ngoài tuyên truyền ở các buổi họp thôn, chúng tôi còn đến từng hộ dân để tuyên truyền cho các thành viên trong gia đình sắp xếp thời gian hợp lý, tự mình đi bỏ phiếu. Đối với những gia đình có con em đi làm ăn xa, có hộ khẩu thường trú tại thôn, chúng tôi vận động và tuyên truyền về địa phương trước ngày bầu cử để bỏ phiếu, qua đó, nắm chắc số lượng những người đi làm ăn xa, số khẩu thường trú, tạm trú để thông báo và tuyên truyền bỏ phiếu đúng luật”.

Đọc thêm