Gỡ khó cho những người bán hàng rong…

(PLO) - Trước “chiến dịch” quy mô, rầm rộ, nhiều địa phương đã có những kế hoạch, tuyên truyền vận động bà con kinh doanh trên hè phố từ rất sớm. Có nhiều gia đình tình nguyện tháo dỡ, bán hàng trên phần diện tích đất của mình, nhưng cũng có trường hợp mất đi nguồn thu nhập, khiến lãnh đạo địa phương  phải tìm cách để người dân không bị đẩy vào thế cùng cực. 
Hình ảnh lộn xộn, mất mỹ quan đô thị trên phố Đinh Lễ (Hà Nội)
Hình ảnh lộn xộn, mất mỹ quan đô thị trên phố Đinh Lễ (Hà Nội)

Có phương án bán hàng là cho vay vốn…

Bà Bùi Thị Hằng Nga, Chủ tịch UBND phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội bày tỏ: “Chúng tôi đang rất lo lắng sau chiến dịch dọn dẹp vỉa hè sẽ lại phình các ngõ ngách, sân chơi trên địa bàn. Rồi nhiều gia đình chính sách, neo đơn xưa này sống dựa vào hàng rong quán nước lâm cảnh khó khăn khi phải ngừng kinh doanh trên vỉa hè”.

Phường Kim Liên có trên 10 sân chơi, sân chung giữa các khu tập thể nên vấn đề người bán hàng rong tràn về các con ngõ là điều dễ nhận thấy. Và để đồng bộ mỹ quan đô thị cả hè phố và con ngõ cần phải mất một thời gian dài. Chưa kể, hiện trên địa bàn phường có 14 hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách trông chờ vào quán nước; hơn 80 hộ kinh doanh thuộc diện phải giải tỏa, tìm điểm bán hàng mới. 

Bà Nga cho biết, phường đang làm đề nghị gửi lên quận xem có cách nào giải quyết điểm bán hàng cho các hộ dân này. Họ đều là những người già phải nuôi cháu nên rất vất vả. Ngay khi có chiến dịch, UBND phường đã nhận được hơn 40 đơn đề nghị hỗ trợ và đơn xin phép được tiếp tục bán hàng trên những địa điểm hè phố từ bà con. 

“Trước mắt chúng tôi chỉ có thể mời một vài người trong độ tuổi lao động để ký hợp đồng làm bảo vệ, dân phòng; Hoặc trong tầm ảnh hưởng của mình, chúng tôi có thể giới thiệu họ đến những đơn vị khác làm việc. Còn những người già, gia đình chính sách sẽ cố gắng sắp xếp để họ tiếp tục được bán hàng ở những nơi không ảnh hưởng đến trật tự đô thị. Trên địa bàn phường không có chợ nên giải quyết được cũng là vấn đề rất khó khăn” - bà Nga chia sẻ. 

Bà Nga cho biết thêm, UBND phường đang thống kê các trường hợp bị ảnh hưởng bởi chiến dịch, giao cho các tổ chức chính trị xã hội địa phương cùng xem xét, phối hợp giải quyết để giúp họ ổn định cuộc sống sớm nhất. Phường cũng mời các gia đình lên, đề nghị họ có kế hoạch kinh doanh cụ thể, bán mặt hàng gì, ở đâu để phường xem xét cho vay vốn kinh doanh.

Không gặp nhiều khó khăn như địa bàn Kim Liên, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại rất nhanh chóng trong việc làm thông thoáng bộ mặt đô thị, do phường luôn tiến hành công tác chỉnh trang đô thị từ năm 2012. Bà Phan Thị Hải Yến, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa cho biết, đa số cư dân của phường chấp hành tốt, chỉ số ít người từ nơi khác đến thì dẹp xong lại tái phạm. 

Nói về việc vạch sơn, chỉ chừa cho người đi bộ một khoảng trống bằng 2 gang tay, bà Yến khẳng định, đó là lỗi của đơn vị đi kẻ vẽ, phường đã khắc phục, xóa vạch đã kẻ khi nhận được thông tin. “Việc cấm hoàn toàn việc để xe máy sẽ gây ảnh hưởng và khó khăn cho việc kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Quan điểm của chúng tôi là cần linh hoạt tạo điều kiện cho các gia đình kinh doanh” - bà Yến bày tỏ.

Bà khẳng định, chiến dịch này chắc chắn có gây xáo trộn, ảnh hưởng đến công việc của một số người dân nhưng không mất quá nhiều. Hoặc cũng đã đến lúc các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè phải trả lại tài sản công sau khi đã lạm dụng để kiềm lời trong một khoảng thời gian khá dài. 

Cùng quan điểm “trả lại tài sản công”, “tạo bình đẳng trong kinh doanh trên hè phố” là ý kiến của ông Trần Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công, quận Đống Đa. Ông Lâm cho biết, tuyến phố Đê La Thành, phường vận động các gia đình có cửa hàng tự động tháo dỡ, đập bỏ công trình lấn vỉa hè. Ông Lâm kỳ vọng chiến dịch này sẽ tạo sự bình đẳng trong kinh doanh tại các hộ gia đình ở phố Đê La Thành vì trước đây mạnh nhà nào nhà nấy chiếm vỉa hè để kinh doanh, nhà nào chiếm nhiều bày được nhiều, thu hút được nhiều khách hơn. 

Sẽ đề xuất các vướng mắc để TP xem xét giải quyết…

Các khu phố cổ, trung tâm Hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm cũng được chỉnh trang mạnh mẽ bởi chiến dịch. Lãnh đạo các địa bàn này rất gắt gao thực hiện “chiến dịch” của thành phố. Ông Bùi Văn Luân, Phó Chủ tịch phường Tràng Tiền cho biết, chỉ tính quý I/2017 phường đã thu được 180 triệu tiền phạt từ các hành vi đỗ xe trái phép, bán hàng rong, trông giữ xe sai quy định so với nội dung được cấp phép nhưng chủ yếu vẫn là đỗ xe trái phép và bán hàng rong. 

Tuy nhiên, những hoạt động quyết liệt thực hiện trên địa bàn Tràng Tiền khiến nhiều người dân không đồng tình vì… cứng nhắc, như đoạn phố Đinh Lễ chúng tôi đã phản ánh trong bài trước. Về vấn đề này, ông Luân bày tỏ: “TP chủ trương xe phải để sát mép tường nhà dân. Trên cơ sở nghiên cứu kiểm tra cụ thể, phòng đô thị quận đã có hướng dẫn quy định cụ thể các khu phố cổ sẽ để xe sát mép vỉa hè, còn các khu phố cũ như Đinh Lễ, Tràng Tiền thì để sát tường nhà dân. Trường hợp báo chí vừa phản ánh, chúng tôi sẽ tập hợp báo cáo để đưa ra những vướng mắc cần tháo gỡ trong các cuộc họp của TP”. 

Không rơi vào cảnh “mất mỹ quan đô thị sau dọn dẹp vỉa hè” như một vài phố trên địa bàn phường Tràng Tiền, phường Hàng Đào lại gặp khó khăn khi những người buôn bán trên khu phố này không có điểm gửi xe. Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch phường Hàng Đào cho biết, phường đang đề xuất, xin ý kiến quận, TP bố trí một điểm giao thông tĩnh để phục vụ nhu cầu kinh doanh, buôn bán của bà con. 

Ông Hải cũng cho biết, từ 20-30/3/2017, phường đã phạt 40 trường hợp đỗ xe máy sai quy định, 3 trường hợp lấn chiếm vỉa hè (2,5 triệu/trường hợp) và 5 trường hợp bán hàng rong (150.000/người). Chia sẻ về việc người dân bị giảm doanh số do không có chỗ gửi xe, ông Hải cho rằng đó là thị trường chung, không phải lỗi do thiếu chỗ để xe, bởi phường cũng đã có nhiều hội nghị tuyên truyền, bàn về phương án chỗ để xe cho các hộ kinh doanh rồi. Họ có thể tuyển thêm người làm phụ trách công việc gửi xe… 

Điều khó khăn đối với Hàng Đào chính là phải giải quyết sinh kế cho 3 hộ nghèo. Bước đầu, phường vận động để các gia đình trong cùng số nhà cho phép các hộ này mượn lối đi chung, giữa các tường nhà để cho các hộ này kinh doanh buổi tối. Đối với những người bán hàng rong thực phẩm, đồ ăn mỗi tối, phường vận động họ chuyển đổi hình thức kinh doanh để phù hợp với tình hình phát triển chung. 

“Tuy nhiên, còn một số thành phần khác cũng khiến phường lúng túng là đội ngũ sửa chữa khóa trên địa bàn. Đây là những thành phần làm lại cuộc đời, nếu gay gắt mạnh mẽ quá sẽ không tốt đối với an sinh xã hội. Nên chúng tôi đang vận động họ, khoảng 10 anh em thuê chung một cửa hàng nào đấy để đảm bảo mỹ quan đô thị, tạo điều kiện phát triển du lịch, kinh tế” - ông Hải cho biết.

Mong muốn tạo ra bộ mặt mới đô thị để phát triển du lịch kinh tế khu phố cổ không chỉ là mục tiêu của chính quyền cơ sở. Đó cũng là mong muốn của ngành du lịch. Và họ đã kỳ vọng như thế nào vào chiến dịch này? 

(Còn tiếp)

Bài 3: Diện mạo mới của du lịch phố cổ…

Đọc thêm