Cuối tuần qua, Đoàn công tác của Bộ Tài chính và Hiệp hội BH đã làm việc với một số tỉnh miền Trung để tháo gỡ khó khăn.
Tàu cá tiền tỷ nằm bờ
Khẳng định việc thực hiện chủ trương chính sách hỗ trợ phí BH tàu cá theo NĐ 67 trên địa bàn Nghệ An thời gian qua đã đem lại nhiều kết quả tích cực, hỗ trợ thiết thực cho nhiều hộ ngư dân vươn khơi bám biển, song ông Trần Đăng Tuấn (Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An) bày tỏ lo lắng khi việc triển khai chính sách này đang khó khăn, trong đó có vấn đề mua BH tàu cá để ngư dân ra khơi.
Đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết, một số chủ tàu thuộc diện vay vốn ngân hàng theo NĐ 67 phản ánh tình trạng các ngân hàng “yêu cầu nằm bờ” do không mua được BH, gây thiệt hại tới các chủ tàu mặc dù đã đủ các điều kiện để ra khơi. Một số trường hợp chủ tàu phản ánh công tác triển khai đền bù còn khá chậm, khiến ngư dân lo lắng.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện NĐ 67 tỉnh Bình Định phản ánh, từ tháng 8 đến nay, Bình Định đang có 28 tàu không có BH nên ngân hàng không cho ra khơi.
“Việc nằm chờ đã khiến ngư dân không khai thác được hải sản, không có tiền trả ngân hàng và việc thực hiện vươn khơi bám biển theo NĐ 67 không có hiệu quả, trong khi trên thực tế, có nhiều ngư dân thực hiện rất tốt theo đúng tinh thần của NĐ 67”, ông Phúc nói.
Ông Phúc cho biết, cách đây hai tháng, Ban Chỉ đạo cũng đã làm việc với các ngân hàng và một số DN BH để tìm cách tháo gỡ nhưng chỉ có tàu gỗ được các DN đồng ý BH, còn các tàu sắt vẫn chưa, vì đây là BH tự nguyện, không có quy định bắt buộc các DN phải bán cho ngư dân.
“Sở dĩ các DN BH e ngại là do gần đây có nhiều vụ chìm tàu không rõ nguyên nhân, chứng cứ cụ thể. Vấn đề này đã được tỉnh chỉ đạo, yêu cầu công an vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân”, ông Phúc chia sẻ.
Sợ rủi ro?
Theo ông Phúc, cái khó hiện nay là Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn không quy định chủ tàu phải mua BH trước khi ra khơi; đồng thời, BH tàu cá cũng không phải là loại hình BH bắt buộc, ngư dân có thể lựa chọn mua BH theo NĐ 67 hoặc chính sách BH khác. Mặt khác, cũng không có quy định nào của pháp luật yêu cầu chủ tàu phải mua BH cho tàu trước khi ra khơi.
Tuy nhiên, các ngân hàng cho vay đóng tàu theo NĐ 67 có lý do để lo ngại việc “mất cả chì lẫn chài” nếu tàu ra khơi không có BH. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, tổng dư nợ cho vay theo NĐ 67 đến hết quý III/2019 đã lên tới 10.500 tỷ đồng và nợ xấu đã là 33%.
Theo báo cáo của các DN BH, tính đến hết 30/9/2019 đã thực hiện BH cho trên 41 nghìn lượt tàu, trên 430 nghìn lượt thuyền viên (tại Bình Định là gần 5 nghìn lượt tàu, trên 44 nghìn lượt thuyền viên). Trong 4 năm, các DN BH đã và đang tham gia giải quyết 10.758 vụ khiếu nại, trong đó hơn 220 vụ tổn thất toàn bộ tàu chìm và có nhiều trường hợp không tìm thấy xác tàu. Tính đến 30/9/2019, tổng số tiền bồi thường là 968 tỷ đồng, chưa tính đến chi phí dự phòng bồi thường.
Trước thông tin phản ánh DN dừng bán BH, ông Phạm Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc PJICO khẳng định, PJICO không có chủ trương dừng bán BH. “Tuy nhiên, trong 4 năm thực hiện BH tàu theo NĐ 67 có 33 sự cố tổn thất thì riêng năm 2019 có tới 9 sự cố, trong đó cá biệt từ tháng 7 tới tháng 10 có 7 sự cố chìm tàu không rõ nguyên nhân. Do vậy, PJICO chỉ đạo các công ty thành viên tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá rủi ro trước khi cấp đơn BH, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, vì thế quy trình cấp đơn BH cần nhiều thời gian hơn trước đây”, ông Hải giải thích.
Đại diện PJICO cũng cho biết, đã yêu cầu PJICO Bình Định trước khi cấp đơn phải gửi hồ sơ về Tổng Công ty xem xét và hiện PJICO đã nhận được đơn xin cấp lại BH của 12/28 tàu cá vay vốn ngân hàng theo NĐ 67, còn 16 tàu hiện chưa gửi hồ sơ. “PJICO đang xem xét các hồ sơ và trong ngày 7/12 sẽ tiến hành khảo sát thực tế, hồ sơ nào đủ điều kiện sẽ được cấp đơn ngay”, ông Hải khẳng định và đề nghị các sở, ban ngành, các ngư dân chung tay tháo gỡ khó khăn cho DN bằng cách tuân thủ đúng quy định của pháp luật về thủy sản cũng như định biên chức danh, lắp đặt thiết bị hành trình; đề nghị công an vào cuộc điều tra rõ nguyên nhân chìm tàu giúp DN yên tâm triển khai BH và kịp thời bồi thường cho ngư dân khi sự cố xảy ra.
Tiếp tục triển khai chính sách bảo hiểm theo NĐ 67
Chia sẻ với khó khăn từ phía ngư dân cũng như DN BH, ông Bùi Hữu Phú, Trưởng phòng Quản lý, giám sát BH phi nhân thọ, Trưởng đoàn công tác đã yêu cầu các DN BH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan triển khai chính sách BH theo NĐ 67 theo đúng quy định; yêu cầu PJICO đẩy nhanh việc thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng thực tế của tàu trước khi cấp đơn BH, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định.
Đại diện Đoàn công tác cũng ghi nhận những đề xuất từ phía địa phương và DN BH để báo cáo với lãnh đạo Bộ Tài chính; đồng thời cho biết sẽ tiếp tục theo dõi việc thực hiện chính sách BH để chủ động xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
Đoàn công tác cũng đề nghị các địa phương và DN BH tiếp tục tăng cường tuyên truyền và phối hợp để sớm xử lý những tồn tại trên thực tiễn, nhằm thực hiện hiệu quả, bền vững các mục tiêu chính sách, đảm bảo các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của ngư dân, cân đối ngân sách nhà nước và an toàn tài chính của DN BH…