“Gỡ” thẻ vàng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành thủy sản

(PLO) - Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNN) tổ chức ngày hôm qua, 4/7, một trong những nội dung được bàn thảo nhiều nhất là “gỡ” thẻ vàng cho thủy sản. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan này trong thới gian tới.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Hội nghị, ông Trần Đình Luân (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản) cho biết, 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 3.561 nghìn tấn; trong đó, sản lượng khai thác 1.767 nghìn tấn, sản lượng nuôi trồng 1.793 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 4.026 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2017, tổng sản lượng thủy sản tăng 5,7%; trong đó sản lượng khai thác tăng 5,0%, sản lượng nuôi trồng tăng 6,4% (tôm nước lợ tăng 10,7%, trong đó tôm sú tăng 5,8%, tôm thẻ tăng 14,5%; cá tra tăng 9,9%); kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng 12,9%.

Đánh giá kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, ông Luân cho rằng, kết quả sản xuất tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, với mức tăng trưởng khá, đồng bộ tăng cả về sản lượng và xuất khẩu, tạo cơ sở để hoàn thành kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, ngành thủy sản đang đứng trước bài toán khó, đó là “gỡ” thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam và đây sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của ngành từ nay đến cuối năm.

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung (Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản) cho hay, từ ngày 16-24/5, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thuỷ sản của Uỷ ban Châu Âu (Đoàn Thanh tra EC) đã sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện 9 khuyến nghị của Uỷ ban Châu Âu (EC) về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).

Qua kiểm tra thực địa tại hai địa phương Bình Định và Kiên Giang, Đoàn Thanh tra EC cho rằng tình hình thực hiện chống khai thác IUU của Việt Nam triển khai trên thực tiễn tại các địa phương còn chưa được cải thiện đáng kể.

Việc cấp chứng nhận, xác nhận sản phẩm thủy sản khai thác còn sai sót; hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp; mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm khai thác IUU còn thấp, chưa tạo được sự răn đe, chưa tương đồng với một số nước trong khu vực và quốc tế.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp cấp bách, trọng tâm như tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về thủy sản; Thành lập Ban chỉ đạo về chống khai thác IUU của Chính phủ; Hoàn thành thủ tục để gia nhập Hiệp định Biện pháp quốc gia có cảng của FAO và Hiệp định Đàn cá di cư của Liên Hợp quốc trong tháng 7.2018; Bảo đảm duy trì hệ thống giám sát Movimar thực hiện năm 2019-2020 cho khối tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên theo khuyến nghị của EC.

Để thực hiện tốt các khuyến nghị của EC, Tổng cục Thuỷ sản đề xuất với Chính phủ cho phép sử dụng nguồn kinh phí dự phòng ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thực hiện cho đầu tư nâng cấp một số cảng cá loại I để kịp thời đáp ứng yêu cầu của EC trong việc giám sát tàu cá, truy xuất nguồn gốc và quản lý khai thác. 

Đọc thêm