Gỡ ùn ứ trong xuất khẩu nông sản: Đề cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng

(PLVN) - Chiều 4/3, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?” với sự tham gia của những chuyên gia đầu ngành nhằm thảo luận các biện pháp tháo gỡ tình hình xuất khẩu nông sản đang ùn ứ hiện nay.
Xe ùn ứ tại cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Xe ùn ứ tại cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Thông tin trong tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà cho biết, đến sáng 4/3, lượng xe đang chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu của tỉnh là 1.400 xe, trong đó có 800 xe chở nông sản. Dự kiến từ 15/3 đến 20/4, lượng xe hoa quả nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn sẽ lên tới 2.000 xe và vẫn tiếp tục tăng khi nông sản đang vào chính vụ. UBND tỉnh đã và đang cố gắng trao đổi hàng ngày, hàng giờ với các cơ quan chức năng của phía bạn để đảm bảo quy trình thông quan, đặc biệt đối với hàng nông sản đang vào chính vụ.

Tuy nhiên, tiêu chí, điều kiện về y tế với người cũng như phương tiện hàng hóa của chúng ta và phía bạn còn quy định khác nhau, chưa thống nhất, gây khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu suất thông quan nên bà Hà lo ngại, tình trạng ùn tắc sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Bà mong các Bộ Công Thương, NN&PTNT, các cơ quan, các địa phương thúc đẩy các kênh tiêu thụ nội địa đặc biệt trong thời gian hiện nay, đẩy mạnh chế biến cũng như mở lại, khôi phục lại một số hoạt động xuất khẩu nông sản để giảm tải áp lực xuất khẩu tại các cửa khẩu Lạng Sơn, tránh thiệt hại kinh tế cho người dân, DN.

Không phủ nhận việc trao đổi mậu dịch tiểu ngạch góp phần thúc đẩy nông nghiệp thời gian qua nên DN sẽ vẫn duy trì, nhưng Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cũng chỉ ra, thời gian qua người xuất khẩu cũng gặp nhiều rủi ro khi mang hàng sang bên kia biên giới mới tính đến bán hàng. Trước tình hình trên, ông nhấn mạnh, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, việc thiết lập vùng xanh để làm hài hòa nhu cầu phòng, chống dịch cũng như các yêu cầu trong thông quan hàng hóa rất quan trọng để hỗ trợ cho DN cũng như người dân trong hoạt động xuất khẩu. Về lâu dài, DN cần tổ chức chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, uy tín mới ký hợp đồng cung ứng đều đặn, hướng tới làm ăn lớn hơn.

Đồng tình, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh cho rằng, lập các khu trung chuyển cho khách hàng Trung Quốc xem hàng (nếu cần), sau đó giao hàng. Các điểm trung chuyển không chỉ làm thủ tục hải quan, mà có thể tập trung cả tuyển chọn phân loại, đóng gói theo tiêu chuẩn của bạn… “Cách làm như hiện nay đưa hàng sang tuyển chọn phân loại, hàng tốt lấy, không đạt trả về thì tốn kém, mất chủ động giao hàng. Nên cần có các khu trung chuyển đa năng là giải pháp hỗ trợ xử lý được tồn tại hiện nay”, ông Chinh đề nghị.

Phân tích nguyên nhân ùn ứ hàng hóa nông sản ở các cửa khẩu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu quan điểm, đây là dịp cả Bộ NN&PTNT với trách nhiệm quản lý nhà nước ngành nông sản, Bộ Công Thương và Hiệp hội ngành hàng rau củ quả cùng ngồi lại để giải mã, đặt từng câu hỏi, đưa ra giải pháp và tiến độ theo yêu cầu Thủ tướng là chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Đồng thời phải có tiến độ rõ ràng, hành động nhất quán từ cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương và có sự tham gia của các Hiệp hội ngành hàng cũng như các DN xuất khẩu nông sản qua thị trường Trung Quốc.

Trong đó, theo Bộ trưởng, vai trò của Hiệp hội ngành hàng vô cùng quan trọng trong nền kinh tế thị trường, bởi Nhà nước không thể điều chỉnh nông dân sản xuất gì mà vai trò của Hiệp hội ngành hàng thông qua các thành viên của mình là những người dẫn dắt trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, cơ cấu lại thị trường. “Tôi mong rằng các Hiệp hội ngành hàng giúp cho Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại thị trường. Đây là giải pháp căn cơ và phải chấp nhận làm lại gần như là từ đầu về một hệ sinh thái, một chuỗi ngành hàng”, Bộ trưởng Hoan gửi gắm.

Đọc thêm