Gỡ “vướng” trong thực hiện quy định phân tích chính sách cho địa phương

(PLO) - Một trong những quy định đến nay vẫn luôn thu hút sự quan tâm của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 là phải phân tích chính sách trong đề nghị xây dựng VBQPPL. Quy định này đối với địa phương càng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.
Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương cho biết Bộ Tư pháp sẽ hướng dẫn về phân tích chính sách

Như “đón một cơn bão”

Theo quy định hiện hành, đối với địa phương, có 3 loại chủ thể có quyền đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh là UBND cấp tỉnh, các Ban của HĐND cấp tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp. 

Các chủ thể này căn cứ VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên, tự mình hoặc theo đề xuất của cơ quan, tổ chức, đại biểu HĐND, có trách nhiệm đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND để quy định chi tiết vấn đề được giao trong VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh. Đề nghị này được gửi đến Thường trực HĐND để xem xét, quyết định.

Bà Quế Thị Trâm Ngọc (Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An) nhắc lại, địa phương từng “đón” quy định mới về xây dựng chính sách, đánh giá tác động của chính sách như “đón một cơn bão”, rất mông lung. Nêu lên một số vướng mắc tại địa phương mình, bà Ngọc cho biết vấn đề đầu tiên là nhận thức tư duy chính sách cũ vì theo quy định mới, các ngành thấy vất vả, không muốn thực hiện nên đã vận động “ngoài lề”.

Bên cạnh đó, địa phương còn khó khăn trong xác định thủ tục hành chính sách khi xây dựng chính sách bởi chính mới chỉ là khung cơ bản, chưa có định hình cụ thể, nhiều lúc làm xong mới phát hiện là phát sinh ra thủ tục hành chính. 

Đồng thời, việc đánh giá tác động về giới hay đánh giá có phù hợp với điều ước quốc tế hay không cũng vô cùng nan giải. Đáng mừng là từ chỗ rất lạ lẫm, vừa làm vừa dò đường thì đến nay, Nghệ An đã bước đầu định ra được quy trình xây dựng chính sách theo luật định.

Theo bà Ngọc, trước việc vận động “ngoài lề” của các sở, ngành, Sở Tư pháp đã từ chối thẩm định, kiên trì giải thích cho các sở, ngành. Đây chính là kinh nghiệm của Nghệ An mà bà Ngọc mong muốn chia sẻ - đó là cần cương quyết trong thực hiện các quy định của pháp luật ngay từ đầu thì mọi việc sẽ đi vào khuôn khổ.

Liên quan đến đánh giá tác động của chính sách về thủ tục hành chính, ông Nguyễn Đức Lam (Văn phòng Quốc hội) thừa nhận khó khăn của địa phương trong vấn đề này qua quá trình làm việc thực tế. Ông Lam dẫn chứng, như Lai Châu dự kiến ban hành chính sách hỗ trợ người dân phát triển cây công nghiệp (cụ thể là cây macca) thì đã tiến hành đánh giá có cần hỗ trợ vốn cho người dân và doanh nghiệp hay không, hỗ trợ hay để người dân, doanh nghiệp tự làm sẽ tốt hơn hay không, hỗ trợ vốn hay hỗ trợ bằng các hình thức khác...

Đối với thủ tục hành chính, ban đầu nhận thấy không phải văn bản nào cũng cần quy định, nhưng rồi phát hiện hỗ trợ phát triển cây macca lại kéo theo yêu cầu phải thực hiện thủ tục để được hỗ trợ như phải có hộ khẩu tại Lai Châu thì lúc này có đánh giá về thủ tục hành chính hay không.

Ông Lam cũng hiểu băn khoăn của địa phương về đánh giá tác động với điều ước quốc tế và đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn, giải thích thêm cách tiếp cận cho địa phương.

Thiết thực xây dựng tài liệu hướng dẫn cho địa phương

Nắm bắt thực tế trên, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã giao cho Viện Khoa học pháp lý chủ trì, phối hợp với một số cơ quan, đơn vị biên soạn Sổ tay phân tích chính sách trong đề nghị xây dựng VBQPPL nhằm giúp các cán bộ, công chức xây dựng chính sách tại các cơ quan Trung ương và địa phương có thêm công cụ thực hiện nhiệm vụ tham mưu, xây dựng chính sách một cách có chất lượng.

Sau một thời gian nỗ lực, Viện vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến để hoàn thiện cuốn Sổ tay. Viện trưởng Nguyễn Văn Cương cho biết, Sổ tay được cấu trúc thành 5 chương tương ứng với những bước cơ bản của quy trình xây dựng chính sách trong đề nghị xây dựng VBQPPL gồm xây dựng nội dung chính sách, đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến trong quá trình lập đề nghị xây dựng VBQPPL, thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL…

Nhấn mạnh báo cáo đánh giá tác động của chính sách bắt buộc phải thực hiện trong hồ sơ theo quy định của Luật năm 2015 nên bà Nguyễn Thị Việt Anh (Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính) nhận định cuốn Sổ tay là tài liệu thiết thực. Đối với quy trình phân tích chính sách liên quan đến văn bản của địa phương, bà Việt Anh đặt vấn đề, văn bản của địa phương chủ yếu là triển khai văn bản cấp trên thì có cần làm hết các khâu của phân tích chính sách hay không. Từ đó, bà Việt Anh kiến nghị cần chia nhóm các văn bản nhằm bảo đảm tính khả thi.

Đến từ Sở Tư pháp tỉnh Hà  Nam, bà Chu Thị Cúc đồng quan điểm với bà Việt Anh là những văn bản chỉ để thực hiện văn bản của Trung ương thì không nên đánh giá tác động. Theo bà Cúc, chỉ văn bản có đặc thù địa phương mới cần đánh giá tác động chính sách. Chẳng hạn, Nam Định có chủ trương sáp nhập các xã và sẽ xây dựng dự thảo nghị quyết hỗ trợ các xã sáp nhập với mức hỗ trợ 120 triệu đồng thì đây sẽ là chính sách cần đánh giá tác động. Tham khảo kinh nghiệm của chuyên gia về lấy ý kiến, bà Cúc cho biết, nếu đăng tải toàn văn dự thảo nghị quyết chắc sẽ khó thu được nhiều góp ý nhưng nếu biết chia nhỏ vấn đề (xin ý kiến về mức hỗ trợ), bà Cúc tin tưởng sẽ thu được nhiều ý kiến đóng góp.

Đọc thêm