Sát hại tình địch
Ngô Thị Thúy (40 tuổi, ngụ tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội) được dẫn giải đến tòa trong một ngoại hình của một thôn nữ điển hình: Áo trắng, quần đen, mái tóc dài được buộc gọn phía sau gáy. Hình ảnh đó khiến nhiều người thoạt nhìn đều không thể hiểu được sao Thúy vẻ ngoài hiền lành mà lại có thể tàn độc ra tay giết chết vợ của người tình. Theo cáo trạng, Ngô Thị Thúy quan hệ với anh C (ngụ tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) từ năm 2012, sau khi chồng Thúy bị bệnh qua đời. Anh C vốn là bạn cùng phường buôn trâu với chồng của Thúy. Từ ngày người bạn mất, C thường hay thăm nom, hỏi han, quan tâm đến Thúy. Tình cảm nảy sinh, họ bắt đầu quan hệ bất chính với nhau.
Từ ngày C dựng lán trông trâu ngoài cánh đồng, đây thường xuyên trở thành nơi để C và Thúy lén lút hẹn hò nhau. Sau một đêm mặn nồng với nhau, Thúy giúp C chăn trâu chẳng may quần áo lấm lem nên phải đem giặt và phơi trên chiếc xe máy để trước lán. Bất ngờ, sáng hôm ấy vợ C ra lán, thấy có quần áo phụ nữ thì chị này chất vấn rồi chửi bới C khi biết đó là “quần áo của gái”. Trong lúc đó, Thúy đã kịp trốn sang lều vịt bên cạnh, nấp trong đó, Thúy nghe thấy tất cả những lời vợ C nói nên nảy sinh ý định trả thù.
Ngay chiều hôm đó, Thúy lấy viên bả chó mà C đã nhờ mua trước đó trộn vào thức ăn khiến 17 con vịt bị chết. Thúy yên tâm cầm thuốc cực độc về nhà và chờ thời cơ thuận tiện để hành động. Sau khoảng gần 3 tuần, trong một lần chuyện trò, Thúy vô tình được biết, sáng 27/5/2014 vợ C sẽ ở lán trông trâu trong lúc C về nhà dỡ lều. Ngay lập tức Thúy chớp lấy cơ hội....
Sáng 27/5/2014, Thúy đến lán thấy trong đó không có người, trên bàn có một ấm nước và một cốc thủy tinh, Thúy liền đổ hết số thuốc bả chó (đã nghiền nát) để đầu độc vợ C. Sau khi thả trâu ra đồng, vợ C quay lại lán uống nước thì uống phải cốc nước có pha bả chó của Thúy nên đã nhiễm độc và tử vong tại chỗ. Trưa cùng ngày, không thấy vợ về, gọi điện liên lạc không được, C ra lán thì phát hiện vợ đã tử vong thì vội gọi điện báo cho người nhà. Trong lúc chờ người nhà đến, Chính cầm cốc thủy tinh để trên bàn uống thì thấy có vị đắng, tê cứng ở đầu lưỡi nên nhổ ra luôn, may mắn là chỉ bị nhiễm độc nhẹ.
Vụ án đã được đưa ra xét xử lần đầu từ tháng 1/2015 nhưng HĐXX xét thấy có nhiều tình tiết cần làm rõ như có đồng phạm hay không, chưa làm rõ những vết thương thấy trên người vợ C khi tiến hành giám định pháp y. Nhưng sau mấy tháng điều tra, cơ quan điều tra không thấy có sự tiếp tay của bất kỳ ai, Thúy chỉ hành động một mình. Do vậy, Thúy vẫn chỉ có một mình ở vành móng ngựa, hứng chịu đủ mọi cay đắng, miệt thị của người nhà bị hại và cả người đàn ông mà Thúy đã lạc lòng trao gửi tất cả tình cảm của mình.
2 người bất hạnh vì 1 kẻ bạc tình
Đứng trước toà, anh C phủ nhận việc bào thai Thuý đã từng mang (nhờ bào thai này mà Thúy thoát án tử hình theo quy định của pháp luật) là của mình. Người đàn ông này còn khẳng định “nếu biết nó giết vợ tôi thì chắc chắn hôm nay nó không còn ngồi ở đây...”. Anh ta còn đề ghị toà xử đúng người, đúng tội và không xin giảm nhẹ hình phạt cho Thuý.
Trước tòa, người đàn ông là tác nhân gây nên vụ án trả lời rất dửng dưng, như thể mình là người vô can, như thể mình yêu vợ mình lắm. Anh ta trả lời “tôi chỉ quan hệ chơi bời”, trong khi trước đấy, bị cáo Thúy khẳng định: “Anh C đã hứa hẹn sẽ ở với nhau suốt đời nên bị cáo tin rằng tương lai sẽ có một mái ấm thật sự”. Bị cáo còn xưng hô vợ chồng với anh C suốt cả thời kỳ quan hệ với nhau.
Một chi tiết đáng lưu ý khiến nhiều người tin rằng những lời Thúy là có cơ sở, bởi trong buổi sáng ngày xảy ra vụ án, sau khi phát hiện vợ đã chết, anh C cũng cầm cốc nước uống nhưng khi vừa nhấp miệng vào thì thấy tê tê nơi đầu lưỡi đã vội vã phun ra và thoát chết. Trong lúc rối bời như thế, anh ta vẫn kịp gọi điện cho người tình là Thúy để nhắc nhở “xuống lán thì đừng uống nước”. Lúc khẩn yếu như thế mà anh ta vẫn nhớ tới mà nhắc nhở người tình thì khó ai tin rằng mối quan hệ giữa hai người “chỉ là chơi bời”.
Thậm chí, anh C còn tố: “Nó rất ghê gớm. Thời điểm vợ tôi phát hiện tôi có quan hệ ngoài luồng, tối nào cô ấy cũng ra lán ngủ với tôi. Nó còn gọi điện cho tôi, dọa sẽ đánh vợ tôi bầm dập. Rồi khi tôi lãng ra, không muốn quan hệ với nó, nó còn dọa tôi là rời ra không dễ thế đâu...”.
Liệu rằng với những gì anh C đưa ra để phủ nhận thì mọi người sẽ đứng về phía anh ta mà đổ mọi tội lỗi lên đầu bị cáo? Không, bởi chính đại diện cơ quan công tố khi luận tội đã cho rằng anh C cũng có một phần trách nhiệm trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này. Và luật sư chỉ định bào chữa cho Thúy cũng khẳng định, trong lúc cô đơn gặp anh C nên Thúy dễ có tình cảm, từ đó có hành động lạc lối. Và trong sự việc xảy ra với nạn nhân, với bị cáo thì rõ ràng anh chồng cũng có phần trách nhiệm.
Khi nghe đại diện công tố đề nghị mức án chung thân cho bị cáo, cha của người bị hại tranh luận rất gay gắt. Gần như ông ta còn... dọa HĐXX khi cho rằng HĐXX phải xử bị cáo ở mức án cao nhất, bởi những đứa con của bị hại bây giờ còn nhỏ (đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi), sau này chúng lớn lên thì sẽ rõ chuyện mẹ chúng bị người ta hại chết như thế nào, chúng sẽ nảy sinh thù hận và có thể sẽ tìm đến HĐXX ngày hôm nay, tìm đến bị cáo để trả thù.
Tự nhiên chúng tôi suy nghĩ, tại sao họ không nhắc nhở em trai họ khi người đàn ông ấy quan hệ bất chính với bị cáo, bất chấp việc em dâu của họ sớm tối lao động, miệt mài bên ruộng đồng để nuôi 3 đứa con? Nếu mối quan hệ ấy kịp thời được ngăn chặn thì liệu có thể xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng này? Bị cáo bị tuyên án chung thân, không biết những lời nhắc nhở của HĐXX có khiến những người trong gia đình bị hại tỉnh ngộ, để dẫn dắt 3 đứa trẻ mồ côi mẹ đi đúng hướng? Rồi đến người đàn ông bạc tình đã gián tiếp đẩy 2 người đàn bà đi qua cuộc đời mình vào bi kịch bất hạnh nhất có phút giây nào ăn năn, suy nghĩ về trách nhiệm của mình?