Góc khuất câu chuyện điều hành giá

(PLVN) - Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thanh tra giá điện. Bộ Công Thương cũng đã thành lập đoàn thanh tra về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Nhưng vấn đề có nằm ở đây?
Quyết định chi quỹ BOG khiến nhiều DN “méo mặt” vì quỹ đã âm vài trăm tỷ
Quyết định chi quỹ BOG khiến nhiều DN “méo mặt” vì quỹ đã âm vài trăm tỷ

Tiền điện tăng do đâu?

Tuần trước, chuyện trả tiền điện tháng 4 gấp rất nhiều lần tháng 3 được mang ra bàn tán như một câu chuyện nóng sốt. Nóng là bởi tháng 4 chính là tháng trả tiền điện đầu tiên sau khi chính thức tăng giá điện bình quân 8,36%. Nhiều ý kiến cho rằng, hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng gấp nhiều lần con số 8,36% như Bộ Công Thương đã công bố. Nhưng hầu hết đều không truy đến tận nguồn sự việc. Bởi tháng 4 thời tiết khô nóng hơn, điều hòa sử dụng nhiều hơn, lượng điện sử dụng tăng đồng nghĩa với việc tiền đóng nhiều hơn. 

Một số ý kiến khác lại cho rằng giá điện tăng, người dân đóng tiền điện tăng là do ngành điện đang độc quyền. Nhưng ít người biết rằng, hiện nay, điện đang được nhiều đơn vị cung ứng, sản xuất như ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn còn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam và nhiều công ty BOT khác đã và đang bán điện để EVN phân phối theo biểu giá được... quyết định từ cơ quan quản lý nhà nước sau mỗi chu kỳ kiểm tra chi phí sản xuất điện hàng năm.

Rất nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, do giá bán điện ở Việt Nam khá thấp nên các nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà đầu tư vào ngành điện trong khi để sản xuất điện, các nguyên liệu đầu vào đều phải nhập khẩu, có nghĩa là phải theo giá quốc tế. Mới năm nay, khi phải nhập than để cung cấp cho sản xuất điện, EVN đã phải chi thêm khoảng hơn 5.000 tỷ đồng để mua điện. EVN cũng phải lo số tiền chi trả do chênh lệch tỷ giá trong đầu tư, sản xuất điện. Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN từng cho biết, nếu không chi trả khoản chênh lệch tỷ giá sẽ không có nhà đầu tư nào chịu đầu tư vào ngành điện do phải sản xuất với chi phí quốc tế nhưng bán lại theo giá... Việt Nam. 

Quỹ không còn, vẫn… chi?

Cũng tuần trước, giá xăng lại tiếp tục được điều hành tăng, dù vẫn tiếp tục chi sử dụng quỹ bình ổn giá (BOG). Thông tin Liên bộ Công Thương - Tài chính cho biết, giá cơ sở xăng dầu của kỳ điều hành vừa rồi phải tăng đến hơn 1.900 đồng/lít nhưng do có quỹ BOG để chi nên giá xăng... chỉ tăng thêm gần 1.000 đồng/lít. Quyết định này của Liên bộ khiến người tiêu dùng ấm ức (vì lại bị tăng giá) còn doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu thì “méo mặt “vì lại phải tạm ứng tiền để chi cho quỹ BOG. 

“Ông anh cả” ngành xăng dầu- Petrolimex đã chính thức âm quỹ từ kỳ điều hành trước và trước kỳ điều hành mới nhất, Petrolimex báo cáo đã âm hơn 355 tỷ đồng. Các DN khác thì đã âm quỹ từ cách đây 2-3 kỳ điều hành. Gần nhất, PVOil đã báo cáo âm hơn 668 tỷ đồng. Đại diện một DN lớn trong ngành xăng dầu nói với PLVN, DN không có ý kiến gì về điều hành giá vì cho rằng các nhà điều hành giá làm thế đều có lý do của họ”. Còn “ông tổng” của một DN khác lại không ngừng lo lắng vì 6 tháng cuối năm 2018 đã lỗ vài trăm tỷ vì giá và điều hành giá thì đến nay, sau 4 tháng đầu năm 2019 vẫn tiếp tục lỗ và âm quỹ BOG, không biết sẽ phải làm gì để kéo lại khoản lỗ và bao giờ quỹ BOG mới lại… dương. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, nên bỏ quỹ BOG nhưng các nhà quản lý vẫn nhìn thấy sự hiệu quả của quỹ BOG (kìm được đà tăng giá cao) dù quỹ hiện tại không còn một đồng nào và các DN kinh doanh xăng dầu đang phải nghiến răng, gồng mình... chi quỹ. 3 kỳ điều hành gần đây giá xăng dầu đã tăng đến đến hơn 4.000 đồng/lít. Nhưng để giữ được giá này thì quỹ BOG cũng đã phải chi tổng cộng hơn 3.000 đồng/lít. 

Câu chuyện bỏ hay không bỏ quỹ BOG vẫn là tranh cãi của những chuyên gia mong muốn thị trường xăng dầu được vận hành một cách thực sự, lên xuống theo giá thế giới với các nhà quản lý muốn ổn định kinh tế vĩ mô để DN sản xuất và người tiêu dùng có mức giá phù hợp nhất. Câu chuyện giá điện cũng tương tự như vậy. Sản xuất điện với chi phí quốc tế nhưng bán giá điện lại nhìn vào mặt bằng giá ở Việt Nam cũng là sự mâu thuẫn giữa mong muốn ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường thực sự. 

Đặt giả thiết, nếu Nhà nước thả nổi, giá điện và giá xăng dầu sẽ ra sao, tăng hay giảm? Nhưng trước khi có câu trả lời, hãy thử nhìn sang các mặt hàng tiêu dùng khác, khi Nhà nước không điều hành, giá cả đang như thế nào? Vàng luôn luôn cao hơn giá thế giới vài trăm nghìn/lượng. Sữa bột trẻ em sau nhiều năm thả nổi và giá cao ngất ngưởng hơn các thị trường khác thì nay cũng đã quản lý bằng nhiều chính sách như áp giá trần hoặc phải xin ý kiến nếu tăng quá 5% mức giá đã đăng ký…

So sánh nêu trên không để nhằm mục đích mong muốn Nhà nước can thiệp điều hành nhiều mặt hàng khác vì Việt Nam vẫn đang mong muốn được các nước công nhận là nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, nói như chuyên gia Nguyễn Đình Cung, EVN không thể vừa làm tròn vai chính trị (cung cấp điện đến tất cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo của đất nước) vừa là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô và là DN nên phải kinh doanh có lãi trong điều kiện không được tự quyết giá bán lẻ... Mở rộng ra, câu chuyện điều hành giá này cũng giống hệt như vậy, luôn là mâu thuẫn không thể xóa mờ giữa ổn định kinh tế vĩ mô và cạnh tranh thực sự theo nền kinh tế thị trường. Do vậy, điều hành giá luôn là câu chuyện khó nói!

Kiểm soát CPI năm 2019 ở mức 3,6 – 3,9%

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Phó Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã ký ban hành Thông báo 364/TB-BCĐĐHG thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 28/3/2019.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp điều hành nhằm kiên quyết thực hiện mục tiêu kiểm soát CPI bình quân năm 2019 ở mức từ 3,3 – 3,9% theo kịch bản điều hành giá đã đặt ra từ đầu năm. 

Liên quan đến giá điện và giá xăng dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu  Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thế giới kết hợp với việc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu bảo đảm có dư địa cho việc bình ổn thị trường. Đồng thời chủ động có kịch bản ứng phó phù hợp nếu giá xăng dầu tăng cao để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát cũng như đảm bảo dư địa điều hành cho các tháng cuối năm. Đồng thời, Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Thống kê theo dõi, đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch chi phí đầu vào, thanh tra, kiểm tra và công khai kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định. 

Đọc thêm