Góc khuất phía sau 'sao nhí' mạng xã hội

(PLVN) - Trẻ con là để được nâng niu, yêu thương, học hành và vui chơi. Nhưng tiếc thay, có những đứa trẻ từ bé đã trở thành “công cụ kiếm tiền”, bị đánh mất đi tuổi thơ tươi đẹp.
Boram, Youtuber nhí 6 tuổi người Hàn.
Boram, Youtuber nhí 6 tuổi người Hàn.

“Bầu show” của con

Mới đây, một người mẹ đã đăng ảnh con gái mới 2 tuổi đứng trước gương, tạo dáng và chụp hình tự sướng với phong cách hết sức sành điệu. Trong bài đăng, người mẹ đã cho biết con mình tự tạo dáng, tự mở máy chụp và người mẹ hoàn toàn bất ngờ khi thấy hình trong điện thoại nên khoe khoang với mọi người cho vui.

Chuyện sẽ không có gì nếu như nhiều người xem phát hiện ra, người mẹ này đã đăng bài viết này trên rất nhiều diễn đàn, nhóm khác nhau, từ dành cho phụ nữ, bà nội trợ, nhóm yêu trẻ con cho đến cả những nhóm chuyên bàn tán thị phi… 

Nhiều người cũng nhận thấy, hình ảnh được đăng tải có vẻ như không hề “tự nhiên” khi bé được ăn mặc rất xinh đẹp và trang điểm. Người xem cũng từ đó mổ xe trang cá nhân của người mẹ, nhận ra đứa trẻ hơn 2 tuổi là một “mẫu nhí”, người mẹ công khai nhận “show” cho con, tích cực cho con tham gia bất kì cuộc thi người mẫu, tài năng nhí nào từ lớn đến nhỏ. Không ít ảnh, cô bé hơn 2 tuổi được trang điểm cực kì đậm nét, gây phản cảm vì quá lạm dụng mỹ phẩm so với lứa tuổi.

Người mẹ nói trên đã gánh chịu luồng chỉ trích không nhỏ khi nhiều người nhận ra chị này hầu như đã trở thành “bầu show” cho con gái mình, đồng thời dùng nhiều cách, kể cả sắp đặt hình ảnh và đăng tải dạng “seeding” khắp các trang mạng xã hội.

Trên thực tế, hiện nay không thiếu những người mẹ như thế. Chị Kim Anh, biên tập viên một số chương trình truyền hình thực tế cho biết, có những người mẹ “quen mặt” với hầu hết các chương trình gameshow, các cuộc thi dành cho thiếu nhi như siêu mẫu nhí, tài năng âm nhạc, cuộc thi hài, thi thố kiến thức… 

Một số bà mẹ thành công trong việc đem lại ít tên tuổi cho con mình từ các cuộc thi, sau đó nhanh chóng trở thành “bầu show” của con, thu nhập vài chục triệu/tháng từ con mình. Cũng có những người mẹ, đứa trẻ chưa đủ “xuất sắc” để thành “sao”, nhưng vẫn rất kiên trì tìm kiếm cơ hội bằng cách tham gia bất cứ chương trình nào, khiến nhà sản xuất cũng phải nhẵn mặt và ngán ngẩm.

Vinh quang và nỗi niềm

Bé Tina Nguyễn là một “hot Facebooker”, sở hữu Facebook hàng triệu người theo dõi, cùng với hàng ngàn lượt yêu thích cho mỗi bài viết. Tất nhiên, cô bé độ tuổi bước vào tiểu học này không thể sử dụng Facebook, mà là cha mẹ của em. 

Ban đầu, mẹ Tina đăng những bức ảnh xinh đẹp và ngộ nghĩnh của con gái lên mạng xã hội, nhận được nhiều lời khen ngợi của mọi người. Từ đó, người mẹ này bắt đầu “chuyên nghiệp” hơn trong việc cho con ăn mặc, sắp đặt bối cảnh…

Một mẫu nhí đình đám hiện nay với cách tạo dáng rất chuyên nghiệp.
 Một mẫu nhí đình đám hiện nay với cách tạo dáng rất chuyên nghiệp. 

Vợ chồng chị cũng chi không ít tiền sắm máy ảnh, máy quay chuyên nghiệp, quần áo, phụ kiện, đồ trang điểm cho con. Những bức ảnh, video, câu chuyện… được thực hiện ở nhiều bối cảnh khác nhau. Kết quả thu được là Facebook của Tina trở nên khá có tiếng. Bé gái này cũng được nhiều nhãn hàng đặt quảng cáo sản phẩm trên Facebook của bé. 

Theo tiết lộ của mẹ bé, chị nhận số tiền từ 3 - 10 triệu đồng cho mỗi một post quảng cáo trên Facebook con mình, tùy vào yêu cầu của khách hàng. Mỗi tháng, chị nhận trung bình tầm 3-4 post quảng cáo như thế, những mùa cao điểm như Tết, Tết Thiếu nhi, Trung thu… thì tầm trên dưới chục post. Thu nhập từ hình ảnh của con là không nhỏ, nên từ một nhân viên nhân sự của công ty kinh doanh mỹ phẩm, chị đã nghỉ việc và tập trung đầu tư vào con.

Hiện, nhiều bà mẹ bỉm sữa đã rất thành công khi “đầu tư” cho hình ảnh của con trên mạng xã hội như thế. Bằng hình ảnh gia đình hạnh phúc và những đứa trẻ xinh xắn, đáng yêu, các bà mẹ này đã biến trang cá nhân của mình hoặc của con thành trang “kinh doanh hình ảnh”. Các bà mẹ này cũng có hội nhóm, hỗ trợ lẫn nhau nhằm tung hứng, tăng tương tác, liên kết giới thiệu khách hàng cho nhau…

Hiện tượng này tất nhiên không chỉ có tại Việt Nam. Trên thế giới, có không ít cô bé, cậu bé trở thành “sao nhí” trên mạng xã hội, sở hữu số lượng người theo dõi, hâm mộ không kém gì các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng và tất nhiên cũng đem lại cho phụ huynh các khoản lợi nhuận khổng lồ.

Astasia Radzinskaya, bé gái Mỹ gốc Nga là một đơn cử, dù chỉ hơn 5 tuổi, cô bé đã kiếm về hơn 18 triệu USD/năm cho cha mẹ mình nhờ những clip trên Youtube.  Hay như Boram, Youtuber nhí 6 tuổi người Hàn đã giúp bố mẹ mua căn nhà ở khu Gangnam trị giá 8 triệu USD chỉ nhờ thu nhập từ trên mạng.

Tất nhiên, sự nổi tiếng và giàu có này luôn đi kèm những đánh đổi không nhỏ, thậm chí lợi bất cập hại. Đó là việc học hành, vui chơi của đứa trẻ hầu như phải đánh đổi rất nhiều. Đó là việc con trẻ tiếp xúc quá sớm với mạng xã hội và sự hào nhoáng, nổi tiếng.

Một bà mẹ người Mỹ, có con gái 8 tuổi là “hot Youtube” kể, dù thu nhập vài ngàn USD/ tháng từ con gái, nhưng sau đó, khi nhận ra những thiệt thòi, mất mát mà con mình đang gánh chịu, khi thấy con mình trở thành đứa trẻ mất đi tuổi thơ, chị đã phải ngưng lại những gì đang làm, tìm cách “trả lại tuổi thơ” cho con. 

Trẻ con cần nổi tiếng hay hạnh phúc?

Là người lớn, sự nổi tiếng và hạnh phúc có thể đi kèm nhau. Nhưng là một đứa trẻ, thật khó để cân bằng hai yếu tố ấy. Vì đứa trẻ chưa đủ nhận thức điều gì nên hay không nên và cũng vì đứa trẻ chưa thể chủ động điều khiển mọi việc như mong muốn của mình, như người lớn. 

Tôi từng tiếp xúc với một cậu bé 9 tuổi, hai mẹ con có một kênh khá nổi trên Youtube. Điều mà tôi nhận thấy là cậu bé không thể tập trung trọn vẹn cho đời sống của mình. Cậu ít bạn bè, cũng không quan tâm mình có bạn hay không.

Mỗi một việc cậu tiếp xúc hay làm, cậu đều hỏi mẹ: Cái này hay nè mẹ, mình quay đưa lên Youtube đi. Hầu như mọi quan tâm của cậu bé đều tập trung vào kênh Youtube, nơi mà ở đó cậu bé trở thành ngôi sao, được tung hô. 

Thực ra, rất nhiều đứa trẻ nổi tiếng trên mạng xã hội cũng đã đánh mất đi những ngày tháng hồn nhiên sống đúng tuổi của mình. Đó là một điều thật khắc nghiệt, mặt trái của sự nổi tiếng. Và đáng buồn là, rất nhiều bậc cha mẹ, hoặc không nhận ra và nghĩ rằng mình đang đem con mình đến vinh quang và thành đạt, giàu có.

Hoặc có người nhận thức được, nhưng lờ đi vì món lợi quá lớn trước mắt. Và hậu quả phải đến lúc trẻ lớn lên dần, bị khiếm khuyết đi những phần quan trọng trong cuộc sống của mình thì lúc ấy, muốn thay đổi cũng đã muộn. (Chuyên viên tư vấn tâm lý Lê Anh Tuấn) N.Mai (ghi)