Game show Việt, trò chơi hai mặt

(PLVN) - Không thể phủ nhận, truyền hình thực tế đã góp phần làm thay đổi cục diện của nền giải trí, trở thành bệ phóng cho hàng loạt nghệ sĩ trẻ bước chân vào showbiz. Nhưng game show cũng luôn là một trò chơi hai mặt, mà mặt trái của nó cũng có sức nặng không kém những điều hay ho.
Những đứa trẻ bị đem ra làm “trò vui” cho người lớn ở các chương trình truyền hình thực tế
Những đứa trẻ bị đem ra làm “trò vui” cho người lớn ở các chương trình truyền hình thực tế

Làm giàu cho công nghiệp giải trí

Tuy mới trở nên phổ biến và đạt đỉnh cao từ khoảng 10 năm trở lại đây, nhưng trên thực tế, truyền hình thực tế xuất hiện tại Việt Nam đã hơn 20 năm. Tại Mỹ, những năm 50, các nhà sản xuất đã phát hiện game show truyền hình là một “con gà đẻ trứng vàng” khi khiến khán giả có cảm giác mới lạ, đồng thời kinh phí sản xuất chương trình lại không quá cao.

Game show bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam những năm 90 - 2000, khi các chương trình Đường lên đỉnh Olympia, Trò chơi liên tỉnh, Ai là triệu phú… lần lượt “đổ bộ” và khiến khán giả phát sốt. Thời điểm 2006 - 2008 tưởng như đã là “đỉnh cao” của truyền hình thực tế khi các chương trình mới, hấp dẫn, đặc biệt liên quan đến các cuộc thi âm nhạc liên tục xuất hiện, có thể kể đến VN Idol, Sao mai điểm hẹn, Cặp đôi hoàn hảo, Bước nhảy hoàn vũ…

Tuy nhiên, đến 2012- 2016, phong trào game show lại một lần nữa bùng lên, mạnh mẽ hơn bao giờ hết với hàng loạt game show chủ đề khác nhau: Tìm kiếm tài năng âm nhạc, tìm kiếm tài năng các lĩnh vực, game show hẹn hò, game show nhí…

Các nhà sản xuất Việt dường như đã rất nhanh tay khi hầu hết các game show lớn, vừa có mặt tại nước ngoài đã được thương thảo mua về. Nhiều nhà sản xuất đã từ phim truyền hình quay sang tập trung cho game show. 

Đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những nước “nhập khẩu” game show quốc tế nhiều nhất với con số lên đến tầm 150 game show lớn, nhỏ. Và các game show cũng mang về cho nhà sản xuất và nhà đài nguồn lợi nhuận khổng lồ.

Thời điểm đỉnh cao của game show, người ta thống kê được, trong một chương trình “hot” có tới trên 40 đoạn phim quảng cáo xuất hiện. Chung kết một cuộc thi truyền hình thực tế lên đến… 70 nhãn hàng tham gia quảng cáo.

Truyền hình thực tế còn là bệ phóng tài năng lẫn… không tài năng cho rất nhiều nghệ sĩ có tên tuổi trong làng giải trí ngày nay. Trấn Thành, Phương Mỹ Chi, Lan Khuê, Bảo Anh, Hà Anh Tuấn, Lê Dương Bảo Lâm, Nguyễn Trần Trung Quân… cũng đều nhờ game show mà tiếp cận với khán giả, thành danh. 

Có thể nói, truyền hình thực tế là một tất yếu của nền giải trí. Nó đã giúp phong phú thị trường, tạo nên nhiều đổi mới, tìm kiếm ra nhiều nghệ sĩ tài năng cũng như đem lại nhiều niềm vui cho khán giả. Nhưng có lẽ, giờ đây game show đã đi gần hết sứ mệnh của mình, khi mà mặt trái mỗi lúc một nhiều, những tiêu cực và cũ mòn đang làm khán giả chán ngán.

Dùng chiêu trò, bỏ mặc thí sinh

Có thể khẳng định như vậy, khi mà các chương trình truyền hình thực tế hầu hết đều gắn với một vị scandal nào đó. Chương trình mới thì cần scandal để gây sự chú ý, chương trình cũ thì cần “làm nóng”, mà không gì nhanh bằng tai tiếng.

Và tai tiếng thì có rất nhiều kiểu: Từ chuyện lừa dối khán giả, tạo thân thế giả cho đến gian lận kết quả, sắp đặt kịch bản, ngoại tình, khoe thân… Ở nhiều chương trình, sự sắp đặt, tạo chiêu trò lộ liễu đến mức phải khiến khán giả nổi giận.

Scandal còn đến từ cả các vị giám khảo. Chương trình được “đẻ” ra liên tục, thiếu người uy tín đảm đương ghế nóng, thế là nhà sản xuất “một công đôi việc”, chọn những người trẻ măng, đang nổi đình nổi đám trong giới trẻ, dù rằng tài năng thì… chưa biết, để ngồi vào vị trí giám khảo, tạo tranh cãi “hâm nóng” chương trình.

Nếu như trước kia, người được ngồi vào ghế nóng là một vinh dự bởi kinh nghiệm, uy tín trong nghề dày dặn, xứng đáng làm thầy thí sinh như Quốc Trung, Siu Black, Đức Huy, Thanh Lam, Mỹ Linh, thì nay, ghế nóng lại dành chỗ cho những gương mặt còn rất non nghề, khiến khán giả không phục như Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Đức Phúc…

Không chỉ thế, có một điều dễ nhận thấy rằng, việc của nhà sản xuất là tạo scandal, còn hậu quả thì… thí sinh tự chịu. Rất nhiều chương trình, khi xảy ra sự cố thí sinh phát ngôn ngông cuồng, hoặc có vấn đề, gian dối thì cũng chính thí sinh hầu như là những người đứng đầu sóng gió trước búa rìu dư luận.

Khi thí sinh bị chửi oan ức, những người tổ chức chương trình chưa một lần lên tiếng bảo vệ, trừ khi sự việc ảnh hưởng đến tiếng tăm của chương trình. Hoặc trong những sự cố do lừa dối từ thí sinh, thì đáng ra phía ban tổ chức chương trình phải là người chịu trách nhiệm trước tiên trước khán giả, khi mà họ không có sự kiểm tra kĩ lưỡng, xác nhận thông tin, hoặc vô tình, hoặc cố ý.

Một chương trình truyền hình thực tế về tấu hài trong hàng loạt chương trình khiến khán giả bắt đầu ngán ngẩm
 Một chương trình truyền hình thực tế về tấu hài trong hàng loạt chương trình khiến khán giả bắt đầu ngán ngẩm

Nhiều chương trình, sự cố thì nhỏ, nhưng ngọn lửa dư luận thì bị lan rộng, thổi bùng lên một cách kì lạ. Không thể không đặt ra nghi vấn, phải chăng một khi đã tham gia vào chương trình truyền hình thực tế là người chơi hoàn toàn không được bảo vệ, thậm chí có nguy cơ trở thành “con cờ”, đem lại lợi ích cho người khác, còn bản thân mình rất có thể sẽ gánh chịu thiệt thòi?

Những đứa trẻ bị đem ra “mua vui”

Một vấn đề khiến những người có lòng khá bức xúc với các chương trình truyền hình thực tế, là trẻ em bị lạm dụng sức lao động, bị đem ra “mua vui” cho người lớn. Không thể phủ nhận, rất nhiều trẻ từ các chương trình game show mà thành danh, nổi tiếng, đổi đời, nhưng cái mà các em bị tước mất là quá lớn.

Khán giả thường chứng kiến, các game show không giáo dục nhiều cho trẻ, ngược lại hầu hết game show đem đến cho trẻ sự ganh đua. Trong những cuộc thi, trẻ học được phải nỗ lực để chiến thắng, nhưng đồng thời cũng học được cả sự bất công, chiến thắng nhờ ưu ái và thua cuộc không rõ lý do (về điều này, luôn là một “vấn nạn” tồn tại đằng sau ánh hào quang của các game show).

Trẻ cũng đối mặt với hào quang của nổi tiếng nếu chiến thắng và cả áp lực của dư luận, áp lực của sự nổi tiếng. Đồng thời, trẻ cũng phải đối diện với cảm giác của người bị loại, thất bại và thua cuộc. Cùng với đó là áp lực của huấn luyện viên, áp lực mà các bậc cha mẹ thích danh tiếng áp đặt lên những đứa con của mình.

Tất nhiên, không phải bé nào cũng thế, nhưng không thể phủ nhận được, game show đã góp phần làm “già” hóa không ít thí sinh nhí. Thất bại, thua cuộc là một lẽ, nhiều thí sinh thắng cuộc, thành công, thì từ đó khó mà có những ngày tháng ngây thơ, hồn nhiên trẻ thơ nữa, cuộc đời bước sang ngã rẽ mới, mang tên nghệ sĩ nhí.

Không thể kể hết hiện nay đang có bao nhiêu chương trình truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi. Có một cách thức dễ dàng nhận ra trong việc xây dựng các chương trình game show nhí, đó là, khi một game show dành cho người lớn bắt đầu trở nên nhàm chán, người ta sản xuất ra phiên bản nhí để hút khán giả, lấy lại rating bằng cái mới, lạ.

Vì thế mà có hàng loạt phiên bản nhí của các chương trình người lớn như Giọng hát Việt nhí, Shark nhí, Người mẫu nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Gương mặt thân quen nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí… Chương trình thì “đẻ” ra liên tục, nhưng sản phẩm âm nhạc, sản phẩm nghệ thuật và những chất liệu tương ứng thì đâu có ra đời để đáp ứng các em dự thi.

Thế là tình trạng các em nhỏ uốn éo trên nền nhạc xập xình, diễn vai người lớn trong các tiểu phẩm hài hay nhắm mắt, bặm môi hát những ca khúc não tình trở thành “chuyện thường” trên sóng truyền hình. 

Cứ như thế, showbiz Việt chứng kiến không ít cô bé, cậu bé trở thành “sao” với sự bùng nổ của gameshow nhiều năm qua. Nhiều trẻ đã đánh mất đi tuổi thơ hồn nhiên, trở thành những “công cụ” để mua vui cho người lớn trên sân khấu, chạy show kiếm tiền, sau đó sa vào yêu sớm, hoang mang, lạc lối trong chính cuộc sống của mình.

Có không ít em là những tài năng nhí, nhưng đến lớn lại không thể phát huy tài năng của mình, bị lụi tàn khả năng hoặc trầm cảm… Đó là cái giá mà các em phải gánh, trong khi những người lớn nhờ các em mà giàu có, mà có danh vọng. 

Có lẽ, đó là những mặt trái của nền công nghiệp giải trí nói chung và truyền hình thực tế nói riêng. Với sự cũ mòn, sao chép, với những chiêu trò và lừa dối liên tục xảy ra cùng với sự đi xuống về chất lượng, có lẽ, sự kết thúc kỉ nguyên của truyền hình thực tế đã được báo trước.