Góc nhìn luật gia: Giám sát doanh nghiệp BOT trước nghi vấn khai man doanh thu

(PLVN) - Sau vụ cướp 2,2 tỷ đồng xảy ra ngày mồng 3 Tết Kỷ Hợi tại trạm thu phí cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, ngoài đặt ra vấn đề về an ninh, an toàn cho các trạm thu phí, dư luận cũng hoài nghi việc “khai man” doanh thu thu phí, tính minh bạch trong công tác thu phí với nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra. 
Luật sư Phạm Văn Huỳnh
Luật sư Phạm Văn Huỳnh

Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Phạm Văn Huỳnh (Trưởng Văn phòng Luật sư Tâm - Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội). 

Thưa luật sư, từ vụ cướp nêu trên, báo chí và dư luận dấy lên hoài nghi về việc các doanh nghiệp BOT giao thông khai báo gian dối doanh thu thu phí… Luật sư đánh giá thế nào về làn sóng hoài nghi trên?  

- Tôi có theo dõi sự việc và cho rằng việc dư luận hoài nghi về sự thiếu minh bạch khi doanh nghiệp khai báo doanh thu phí BOT giao thông với cơ quan quản lý nhà nước thấp hơn nhiều so với doanh thu thực tế không phải là không có cơ sở. 

Thực tế, năm 2016, sau tố cáo của một nhà đầu tư trong liên danh là Cienco1 tại BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã vào giám sát 10 ngày tại dự án này, kết quả cho thấy số thu trung bình/ngày giám sát chênh lệch so với số thu bình quân theo báo cáo của Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là gần 600 triệu đồng/ngày. Như vậy, việc khai doanh số thu phí thấp hơn thực tế tại các trạm BOT, cao tốc là có thật.  

Đặc biệt, cuối năm 2018, vụ việc cán bộ Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh chi nhánh tỉnh Long An bị khởi tố về hành tri gian lận, trốn thuế vì dùng phần mềm giấu doanh thu thu phí trên cao tốc TP HCM - Trung Lương, câu chuyện minh bạch thu phí tiếp tục được đặt ra. Theo kết quả điều tra bước đầu, phần mềm này được cài đặt vào hệ thống máy theo dõi thu phí tại các trạm có chức năng giúp xóa dữ liệu thu phí. 

Vụ cướp tiền khi đang giao ca tại Trạm thu phí cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây vào chiều mồng 3 Tết với con số công bố là 2,2 tỷ đồng khiến người ta giật mình và suy đoán rằng: sau một ca làm việc mà doanh thu thu phí đã lớn như vậy, chắc hẳn doanh số mỗi ngày mà doanh nghiệp thực thu phải rất lớn; từ đó hoài nghi doanh nghiệp có sự khai báo gian lận, khiến nhà nước bị thất thoát tiền. Quan điểm của tôi thì suy đoán trên không phải là không có căn cứ nhưng lại có nhiều điểm hết sức chủ quan, phiến diện.

Khoan hãy đề cập câu chuyện số tiền 2,2 tỷ đồng bị cướp là doanh thu thu phí một ca trực hay nhiều ca trong ngày của trạm, tôi chỉ lưu ý là sự việc xảy ra vào thời điểm Tết cổ truyền - một thời điểm đặc biệt trong năm nên lưu lượng ô tô tham gia giao thông là tăng cao đột biến, thậm chí tăng cao gấp nhiều lần những ngày bình thường ở các thời điểm khác nhau trong năm.

Cho nên không thể ấn định thời điểm đặc biệt này và đánh đồng doanh thu thu phí các ngày khác trong năm cũng như cao như thế, trạm cũng thu được mức phí lớn như thế rồi quy kết doanh nghiệp khai man, trốn thuế là phiến diện, thiếu cơ sở…

Mặc dù ngay sau đó, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã phát đi thông cáo khẳng định việc tổ chức thu phí, giám sát doanh thu trên các đường cao tốc của doanh nghiệp này là công khai, minh bạch. Phải chăng, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc giám sát hoặc thanh kiểm tra toàn diện việc tổ chức thu phí và giám sát doanh thu thu phí tại các trạm BOT giao thông, cao tốc?  

- Theo tìm hiểu của tôi thì hoạt động giám sát, kiểm tra hoạt động tổ chức thu phí tại các trạm BOT giao thông, cao tốc hiện do Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì thực hiện định kỳ hàng năm, thậm chí vài năm một lần. Trong các đợt giám sát này có thể có các cơ quan chức năng cùng tham gia như Cơ quan An ninh Kinh tế, Cơ quan Thuế… Theo tôi thời lượng giám sát, kiểm tra như vậy là chưa hợp lý, cần phải thực hiện thường xuyên và sát sao hơn. 

Như tôi đã phân tích, từ thực tiễn thấy rằng có căn cứ để hoài nghi việc gian lận doanh thu, làm thất thoát tiền thuế của nhà nước tại các trạm thu phí cao tốc, BOT giao thông. Vậy nên tôi đồng tình với các ý kiến cho rằng nhân sự việc này Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần tiến hành kiểm tra, giám sát toàn diện việc tổ chức thu phí và doanh thu thu phí trên các trạm thu phí cao tốc, BOT giao thông. 

Xin được hỏi thêm về vụ cán bộ Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh chi nhánh tỉnh Long An mua bán sử dụng thiết bị phần mềm công nghệ để gian lận doanh thu của BOT cao tốc TP HCM – Trung Lương, xin luật sư cho biết hành vi của những cá nhân liên quan có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về những tội danh nào?

- Hiện vụ án đang trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, căn cứ vào những tình tiết khách quan của sự việc đã được cơ quan điều tra công bố và báo chí thông tin, tôi thấy rằng hành vi của các đối tượng có dấu hiệu của tội Trốn thuế quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015. 

Theo đó, người phạm tội có thể phải chịu mức phạt tù nhẹ nhất là từ 03 tháng đến 01 năm; nặng nhất có thể lên tới 7 năm tù. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo quan điểm của tôi, hành vi khai báo gian dối doanh thu để chiếm đoạt tiền của các cá nhân trên không chỉ cấu thành tội “Trốn thuế” mà còn có dấu hiệu của tội “Tham ô tài sản”.

Đáng chú ý, không chỉ các cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này cũng bị xem xét trách nhiệm và phải chịu mức phạt tiền. Đây là điểm mới chỉ có ở Bộ luật Hình sự 2015. Trong vụ án gian lận thuế tại BOT cao tốc TP HCM – Trung Lương, pháp nhân thương mại là Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh chi nhánh tỉnh Long An có thể bị phạt tiền cao nhất lên tới 10 tỷ đồng; và còn có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn.

Thưa luật sư, từ những sự việc gian lận doanh thu thu phí cao tốc cũng như nghi vấn gian lận, một câu hỏi đặt ra là cần phải có biện pháp gì để tăng cường công tác quản lý doanh thu thu phí đường cao tốc để đảm bảo công khai, minh bạch?

- Thiết nghĩ, cần áp dụng đồng bộ thu phí tự động không dừng giúp giám sát việc thu phí, doanh thu thu phí chính xác, minh bạch, đồng thời quản lý phần mềm thu phí dịch vụ, chống thất thoát doanh thu. 

Trả lời báo chí mới đây, Tổng cục Đường bộ cho biết đang thực hiện dự án xây dựng quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu phí đường bộ, giám sát cả thu phí một dừng và thu phí không dừng. Theo đó, toàn bộ dữ liệu ở các trạm thu phí sẽ được truyền thẳng về Tổng cục, sử dụng một số công cụ để nhận biết các giao dịch bất thường, sau đó sẽ kiểm tra, trong quá trình giám sát sẽ kiểm tra ngẫu nhiên.

Làm được như vậy, lợi ích xã hội vô cùng to lớn, như giảm thời gian dừng xe trả phí, tâm lý của lái xe và người dân tốt hơn, yên tâm và tin tưởng hơn.

Xin cảm ơn luật sư! 

Đọc thêm