Góc nhìn pháp lý về thỏa thuận lịch sử Mỹ - Triều

(PLO) - Trước những chuyển biến bất ngờ và nhanh chóng theo hướng hòa bình hòa giải giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc, việc chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên lại được đề cập đến ở các nước này và cả trên thế giới. 
Lễ ký kết tại Bàn Môn Điếm năm 1953

Tuy nhiên khi ấy, tất cả đều thấy là việc này vừa dễ lại vừa khó, vừa đơn giản vừa phức tạp, nhưng trong thực chất thì là chuyện cái lệ bắt buộc luật phải thay đổi.

Ba nước trên đang cùng nhau hướng tới thời kỳ bình thường hoá quan hệ. Muốn vậy thì họ phải chấm dứt tình trạng chiến tranh trên thực tế tồn tại dai dẳng từ năm 1953 đến nay trên bán đảo Triều Tiên.

Cái lệ trong thế giới ngoại giao và quan hệ quốc tế đòi hỏi trước khi Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nhau, thì phải chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh nói trên, bằng ký kết một tuyên bố chung hoặc ký kết hẳn một hiệp ước hòa bình. Để làm việc này, cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc đều phải sửa đổi quy định pháp lý hiện hành.

Ngược dòng lịch sử, ngày 27/7/1953, hiệp định đình chiến được ký kết ở Bàn Môn Điếm giữa trung tướng Mỹ William Harrison, thay mặt cho cả Liên Hiệp quốc, và tướng Triều Tiên Nam Il thay mặt cho Quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên và Quân tình nguyện Trung Quốc. 

Các bên liên quan trong một buổi ký kết đình chiến trên bán đảo Triều Tiên

Một ngày sau đó, thỏa thuận này mới được ký kết, không trong khuôn khổ một nghi lễ chính thức mà ký riêng biệt, bởi tướng Mỹ Mark W. Clark thay mặt cho Liên Hợp quốc, tướng Trung Quốc Bành Đức Hoài và ông Kim Nhật Thành. Tổng thống Hàn Quốc Rhee Syng-man kiên quyết không chịu ký hiệp định vì “quyết tâm chống Bắc Triều Tiên đến cùng”. Văn kiện này chỉ có giá trị pháp lý cho đình chiến chứ chưa đủ để có thể chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh trên bán đảo.

Sau đó, ở phía Triều Tiên ghi rõ trong Điều lệ của Đảng Lao động Triều Tiên “mục tiêu thống nhất bán đảo Triều Tiên kể cả bằng biện pháp bạo lực”. Còn ở phía Hàn Quốc, Điều 3 trong Hiến pháp của nước này ghi hẳn hoi rằng “lãnh thổ của đất nước Hàn Quốc bao gồm toàn bộ bán đảo Triều Tiên và những quần đảo, hòn đảo xung quanh”. Tòa án Hiến pháp của nước này cũng còn không công nhận có sự tồn tại của nhà nước Cộng hoà Dân  chủ Nhân dân Triều Tiên. 

Như thế có nghĩa là bây giờ nếu các bên muốn chấm dứt tình trạng chiến tranh hay ký kết hiệp ước hoà bình thì Hàn Quốc và Triều Tiên phải sửa đổi những điều trên. Hiện cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc đều đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đã làm tương tự với Mỹ. Trung Quốc với Mỹ cũng vậy.

Cả về phương diện luật lẫn lệ thì thực trạng ấy có nghĩa là giữa Trung Quốc với Hàn Quốc, giữa Mỹ và Trung Quốc không còn tình trạng chiến tranh nữa trên bán đảo Triều Tiên. Trên thực tế, họ không còn cần phải ký kết với nhau một văn kiện xác nhận là đã chấm dứt tình trạng chiến tranh với nhau nữa. Tức là chỉ còn chuyện ấy giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc nữa thôi.

Quân Mỹ từng có thời gian tham chiến tại Triều Tiên những năm 1950

Cái lệ bắt buộc phía Triều Tiên và Hàn Quốc phải thay đổi quy định pháp lý ở trong nước họ, nhưng đồng thời cũng buộc hai nước này và Mỹ phải xử lý ổn thoả khía cạnh pháp lý quốc tế của vấn đề. Họ có mấy sự lựa chọn sau. Thứ nhất là cùng với Trung Quốc ký kết hiệp ước hòa bình chung cho bán đảo Triều Tiên. Thứ hai là chỉ ba nước này ký hiệp định ấy với nhau. Thứ ba là Triều Tiên ký riêng rẽ với Mỹ và Hàn Quốc thoả thuận như thế. 

Năm 1953, Mỹ và Hàn Quốc còn ký với nhau thỏa thuận về liên minh phòng thủ. Thỏa thuận này là cơ sở pháp lý cho Mỹ triển khai quân đội ở Hàn Quốc. Sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc không phải là đối tượng của thoả thuận về chấm dứt tình trạng chiến tranh, nhưng có thể trở thành vướng mắc về chính trị và an ninh. Nó không bắt buộc nhưng cũng rất có thể sẽ thay đổi.

Đọc thêm