Gốc vải tổ 200 tuổi vẫn trĩu trịt quả mọng

(PLO) - Cây vải đầu tiên được trồng ở Việt Nam có niên đại hơn 200 năm. Trải qua bao năm mưa gió, bão bùng, bom đạn... “cụ” vẫn hiên ngang đầy sức sống. Những quả vải vẫn đỏ mọng trĩu trịt cành dù đã cuối mùa vải. Bất kỳ vị khách nào tới nơi đây  đều ngạc nhiên, thích thú trước “sức khỏe” của “cụ”.  
Du khách bên cây vải tổ
Du khách bên cây vải tổ
Cơ duyên đến từ bữa tiệc trên đất Hải Phòng?
Cách TP. Hải Dương khoảng 17km về phía Đông Nam theo đường tỉnh lộ 390, vào tháng 5, tháng 6, vùng vải thiều Thanh Hà nhộn nhịp khách ngược xuôi đến mua vải. Một điểm đến nhiều du khách không thể bỏ qua là cây vải Tổ tại thôn Thúy Lâm (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). 
Con đường dẫn vào cây vải đầu tiên được trồng tại Việt Nam khá nhỏ. Cây vải được trồng cách đây hơn 200 năm nhưng chưa có biểu hiện cằn cỗi. Trải qua bao năm mưa gió, bão bùng, bom đạn... “cụ” vẫn đầy sức sống. Gốc cây to xù xì bám chặt đất. Hàng chục cành cây như những cánh tay khổng lồ rắn chắc vươn ra xa tạo bóng mát khắp vườn. Những quả vải đỏ mọng trĩu trịt cành dù đã cuối mùa vải. Bất kỳ vị khách nào tới nơi đây  đều ngạc nhiên, thích thú trước “sức khỏe” của “cụ”. Quanh “cụ” có tới 4 cây vải đời con cháu, tuổi thọ không dưới 150 năm cũng trĩu quả. 
Ông Hoàng Văn Thu, 85 tuổi, đời thứ 4 dòng họ Hoàng có “bảo bối” này kể: Người có công đưa vải về Việt Nam là cụ của ông, tên là Hoàng Văn Cơm. Cụ Cơm sinh ngày 10/5 năm Mậu Thân (1848) tại làng Thuý Lâm, mất ngày 14/1 Âm lịch năm 1923, hưởng thọ 75 tuổi. 
Thời trai trẻ cụ cùng một số bạn bè buôn bán hoa trái ra Hải Phòng và đến thăm những người họ hàng đồng hương. Có một lần được dự tiệc với người nước ngoài ở một nhà hàng lớn, được ăn loại vải ngon, cụ lấy 3 hạt về ươm tại vườn nhà. Ba hạt đều nảy mầm thành cây. Do chưa thấy được giá trị của giống vải này nên những người trong gia đình chăm bón thiếu chu đáo. Hai cây bị chết, chỉ còn sống một cây. 
Cây vải ấy được trồng ở vùng thổ nhưỡng đặc biệt, lại thích nghi với khí hậu trong vùng nên phát triển tốt và cho loại quả ngon. Đến vụ, quả trĩu cành, cụ Cơm mời mọi người trong làng tới thưởng thức. Dân làng thấy ngon miệng tấm tắc khen. 
Tiếng lành đồn xa, dân trong vùng, ngoài xã kéo đến chật nhà xin thưởng thức, không tiếc lời ca ngợi: “Mã ngoài như lụa hồng tơ tía, thịt vải như thuỷ tinh, như dáng tuyết, vị ngọt đậm, ăn vào thấy hương thơm, tưởng chừng như thứ rượu tiên trên trời”.
“Thuý Lâm đất bụt trời tiên”. Từ cây vải quý đầu tiên, cụ chiết cành nhân ra vườn nhà tặng những người ruột thịt trong gia đình và nhân dân trong làng, trong xã. Từ khi có giống vải quý dân làng cùng nhau trồng. Vải Thuý Lâm hạt nhỏ, cùi dày, ăn rất thơm và ngọt lịm như đường, không có vải nơi nào sánh được, ăn vải có tác dụng bồi bổ cơ thể suy nhược, theo Tuệ Tĩnh, vải giúp tinh thần thêm minh mẫn, hạt vải có tác dụng chữa lỵ, đậu mùa, sâu răng...  
Cây vải 200 năm tuổi nhưng vẫn trĩu trịt trái mọng
 Cây vải 200 năm tuổi nhưng vẫn trĩu trịt trái mọng
Hàng năm khi tiếng tu hú gọi bầy, vào khoảng từ tháng 5 đến hết tháng 6 cũng là mùa vải chín, các lái buôn từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương về đây mua gọn từng cây. 
Năm 1958, thưởng thức vải Thúy Lêm, Bác Hồ đã khen giống vải quý ăn rất ngon và khuyên nhân dân nên phát triển trồng giống vải quý này. Đến thập niên 1960, từ phong trào làm vườn hợp tác và Tết trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, vải Thuý Lâm được nhân giống tích cực ở các xã trong  huyện và một số huyện ngoài, tỉnh ngoài. Thương hiệu vải Thanh Hà ra đời.
Những giai thoại ly kỳ về cây vải Tổ
Hơn 200 qua, có bao giai thoại được người đời kể lại xung quanh cây vải Tổ. Theo những người dân ở đây, cây vải Tổ rất linh thiêng. Năm 1921, vì thấy cây vải Tổ xum xuê, trĩu quả, một người hàng xóm bên cạnh có cây vải bị “điếc” đem lòng ghen tức. 
Trong một đêm tối trời, người này lẻn sang, cầm dao chặt gốc cây vải Tổ. Tiếng động làm cho lũ chó quanh đó sủa vang. Người “ám sát” cây vội quay ngược trở về nhà. Sáng dậy, cả nhà thấy gốc cây bị vết dao đâm vội vàng tưới tắm, chăm sóc. May thay, cây vải Tổ không bị đổ, vẫn lên xanh tốt. 
Trở lại người hàng xóm, sau vài hôm, trong lần băm rau cho lợn ăn, người này đã bị chính con dao chặt gốc cây vải băm vào ngón tay. Liên tưởng tới việc mình làm sai trái, hoảng sợ, người hàng xóm sang gục đầu xin lỗi.  
Lại có chuyện, cách đây 40 năm, có người làng bên sang nhà họ Hoàng mua vải buôn lên tỉnh. Gọi mãi không thấy ai, biết gia chủ đi vắng, anh ta đánh liều vào nhà. Ngắm những quả mọng trên cây, anh ta nổi lòng tham hái đầy hai sọt to. 
Anh chất hai sọt vào xe, quẩy quả dắt xe đi như sợ gia chủ về bắt gặp mình ăn cắp vải. Đi giữa đường gặp trời mưa, đường trơn trượt xe lại nặng, anh ta bị ngã xuống đường. Chân của anh va phải hòn đá to. Máu loang lổ cùng những quả vải lăn lóc, vương vãi bên đường. Cú ngã tưởng như đùa ấy lại khiến anh ta bị gẫy chân. Sau nửa tháng điều trị, anh tấp tểnh lê bước tới nhà họ Hoàng kể lại sự việc, hoàn trả chủ nhân tiền mua vải.
Còn nhiều giai thoại khác được dân làng kể về cây vải nổi tiếng này. Hỏi về những câu chuyện trên, ông Thụ cười hiền hòa: “Còn nhiều câu chuyện “kinh dị” hơn mà dân làng đồn thổi. Theo tôi, đó chỉ là những sự việc ngẫu nhiên mà thôi. Có điều, qua những câu chuyện đó, dân trong làng, ngoài xã trân trọng cây hơn”.  
Từ bao đời nay, cây vải Tổ không chỉ là niềm tự hào của gia tộc họ Hoàng mà còn của tỉnh Hải Dương. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Về thăm Vải Tổ, đắm say, bồi hồi/ Vải Tổ hai trăm năm rồi/ Tán cây che cả một trời yêu thương”, ông Thu lẩm nhẩm đọc lại bài thơ mà du khách dành tặng. Ông bảo, những quả trên cây vải Tổ đều dành mời khách đến thưởng thức tại vườn. 
Có bí quyết nào giữ gìn cây Tổ luôn xanh tốt? Ông Thu thành thật: “Rất đơn giản, mỗi năm gia đình lại chở đất đắp vào gốc cho vải. Quan trọng hơn là ý thức giữ gìn, chăm sóc “bảo bối” dòng họ”./.

Đọc thêm