Kỳ bí ngọn núi thiêng xứ Nghệ

(PLO) - Từ xa xưa, núi Hai Vai ( Diễn Châu - Nghệ An) không chỉ gắn liền với truyền thống lịch sử mà còn có những sự tích ly kỳ, đặc biệt là hang Thần Đồng. Người dân địa phương cho rằng nhờ có hang đá linh thiêng nên mảnh đất này mới sản sinh ra nhiều người tài giỏi.
Hang Thần Đồng là biểu tượng của tinh thần hiếu học của người dân địa phương.
Hang Thần Đồng là biểu tượng của tinh thần hiếu học của người dân địa phương.
Bẻ hướng tháp bút cầu nhân tài
Núi Hai Vai là một di tích lịch sử cấp quốc gia, nằm trên địa phận ba xã Diễn Minh, Diễn Bình, Diễn Thắng của huyện Diễn Châu. Nhìn từ xa, hình dáng núi giống như một ông tướng cụt đầu có hai vai nhô lên nên được gọi là núi Hai Vai. Núi cao 141m, dài 800m, rộng 120m.
Trong cuốn “Du lịch Đông Dương” của một tác giả người Pháp, đã xếp núi Hai Vai là một trong những danh thắng đẹp của miền Trung Việt Nam. 
Trước đây trên núi có rừng cây rậm rạp với nhiều chim muông, thú rừng. Mùa xuân khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tươi, muôn hoa khoe sắc. Thấp thoáng dưới tán cây trên núi là các hang động có cấu trúc độc đáo với nhiều tên gọi khác nhau, gắn liền với những truyền thuyết ly kỳ. 
Trong đó, hang Thần Đồng (hay hang Tiên Động) được người dân xưng tụng là nơi tỏa linh khí giúp mảnh đất này sinh ra nhiều nhân tài.
Ông Lê Đình Minh (65 tuổi, ngụ xã Diễn Bình) cho biết, hang Thần Đồng gắn liền với một nhân vật lịch sử nổi tiếng của nước ta là ông Nguyễn Trung Mậu, một vị quan tài giỏi dưới thời nhà Nguyễn. 
Cha của Nguyễn Trung Mậu từng tham gia đội quân thần tốc của vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Sau khi vua Quang Trung mất, triều đình Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh lên ngôi đã thực hiện chính sách trả thù khốc liệt đối với hậu duệ và tướng lĩnh của Quang Trung. Cha của Nguyễn Trung Mậu phải trốn vào ở trong núi Hai Vai. 
Nhận thấy hang Thần Đồng là nơi có linh khí khác thường nên ông đưa con trai lúc đó mới 10 tuổi vào ở trong hang để dạy dỗ, nuôi chí phục thù. Nguyễn Trung Mậu thông minh nên sớm nổi tiếng là thần đồng, sau này đỗ đạt và được giao phó nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình. Cái tên hang Thần Đồng từ đó mà có.
Suốt cuộc đời làm quan, Nguyễn Trung Mậu đã để lại nhiều dấu ấn với các công trình văn hoá, lịch sử triều Nguyễn như: Ngọ Môn, điện Thái Hoà, Cửu Đỉnh…Những công trình do ông làm có giá trị vô giá. Đến ngày nay chúng vẫn là các điểm hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách tham quan chiêm ngưỡng. 
Quốc sử quán triều Nguyễn đã đánh giá về ông như sau: “…làm quan đến 40 năm, giữ mình trong sạch khác người. Khi chết được tặng Hiệp biện Đại học sĩ và được nhà vua cho tế một tuần…”. 
Người dân địa phương đều cho rằng nhờ linh khí trong hang Thần Đồng nên Nguyễn Trung Mậu mới trở thành một người tài giỏi như vậy. Để tưởng nhớ công lao của ông người dân xã Diễn Bình đã lập một đền thờ ngay tại quê hương.
Núi Hai Vai
  Núi Hai Vai 
Hang Thần Đồng được người dân địa phương khá tôn kính. Hang nằm phía trên đỉnh của núi Hai Vai, địa hình hiểm trở khó đi lại, nhưng bên trong lại rộng rãi thoáng mát, diện tích khoảng 30m2. Theo truyền thuyết, ngoài cửa hang Thần Đồng có một tảng đá hình tháp bút. Tháp hướng về đâu thì nơi đó có nhiều người tài giỏi đỗ đạt cao. 
Ngày xưa tháp bút hướng về làng Văn Tập (xã Diễn Bình ngày nay) nên trong làng có rất nhiều người học giỏi đỗ đạt. Truyền thuyết cho rằng sau này làng Trung Phường (nay là xã Diễn Minh) đã lên núi “yểm” tháp bút quay về phía làng mình. Từ đó làng Trung Phường có nhiều người đậu cao trong các kì thi và làm quan to trong triều.
Dải đất khoa cử
Trên thực tế, cả hai làng Trung Phường và Văn Tập xưa kia đều nổi tiếng có nhiều người tài giỏi và đỗ đạt. Làng Trung Phường có tới 2 người đậu tiến sỹ, 44 người đậu hương cống, cử nhân, 116 vị tú tài. Làng Văn Tập cũng không thua kém, có gần 100 vị đậu cử nhân, tú tài và 2 tiến sỹ.
Hiện nay truyền thống hiếu học của hai làng vẫn còn được thế hệ sau tiếp nối. Đây là hai mảnh đất có nhiều tiến sĩ, thạc sĩ và đậu đại học cao nhất huyện. Đặc biệt nơi đây có rất nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng, tiêu biểu như nhà thơ Trần Hữu Thung … 
Ngoài ra trong hang còn có một số di vật của ông Nguyễn Trung Mậu như nghiên mực, bút lông, tảng đá nơi ông ngồi đọc sách… Trước đây nhiều người vào hang đã tự ý mang các đồ vật này về nhà, nhưng sau khi một số người gặp chuyện xui xẻo kỳ lạ, mọi người sợ hãi bảo nhau mang các vật trên trả lại hang. Hàng năm cứ đến mùa thi cử, học sinh khắp vùng lại leo lên núi vào hang Thần Đồng thắp hương cầu xin thần linh phù hộ làm bài tốt. 
Người dân xung quanh cho biết, hang Thần Đồng rất linh thiêng. Ngày xưa có một người đàn ông lên núi kiếm củi đi ngang qua đã nhổ một bãi nước bọt trước cửa hang. Về nhà miệng người này tự dưng sưng vù không nói năng gì được. Người nhà đã đưa anh ta đi chạy chữa khắp nơi nhưng các thầy thuốc đều bó tay trước căn bệnh lạ. Sau đó anh này nhớ đến việc mạo phạm hang Thần Đồng nên lên thắp hương tạ tội, từ đó mới khỏi bệnh.
Năm 1988 có nhóm công nhân đến khai thác đá ở lèn Hai Vai. Họ đặt thuốc nổ trên núi khiến cho rất nhiều hang động bị tàn phá. Hang Thần Đồng cũng bị hư hỏng nặng. Tháp bút trước cửa hang bị mìn làm đánh sập, thậm chí cửa hang còn bị đất đá vùi lấp. 
Thật trùng hợp là năm đó các xã Diễn Minh, Diễn Bình vốn là hai vùng nổi tiếng học giỏi lại không có ai đỗ đại học. Dân làng lo lắng cùng nhau lên đào đất đá thông cửa hang. Sự lạ là năm tiếp theo, các sĩ tử của hai địa phương lại đỗ đạt như thường.
Người dân nơi đây cho biết, trong những năm công nhân khai thác đá ở núi Hai Vai, không năm nào không có người bị tai nạn chết. Có năm chết đến 3 người. Dân làng đều cho rằng do những công nhân này tàn phá hang Thần Đồng linh thiêng nên mới bị thần linh quở phạt. 
Cũng từ đây xuất hiện những lời đồn thổi về oan hồn lẩn khuất quanh núi khiến ai cũng sợ hãi. Vào những đêm khuya khoắt mưa gió không người nào dám đến gần ngọn núi vì nghe thấy những tiếng khóc than. Dần dần những người công nhân cũng sợ hãi không dám khai thác đá tại đây và từ đó cũng không còn ai phải bỏ mạng ở núi Hai Vai.
Trong tâm tưởng người Diễn Châu từ xưa luôn coi hang Thần Đồng là biểu tượng của tinh thần hiếu học. Tuy nhiên do thời gian và tác động của con người, hang Thần Đồng nói riêng và núi Hai Vai nói chung đã bị phá hủy nhiều. Người dân địa phương đã nỗ lực tìm các biện pháp để “cứu” di tích và trông mong các cơ quan chức năng có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ di tích này./.

Đọc thêm