Người đứng đầu ngành Đường sắt đưa ra lời giải thích như vậy sau khi Bộ GTVT quyết định giao Ban quản lý dự án (PMU) đường sắt và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cùng làm đại diện chủ đầu tư 4 dự án cấp bách, nhằm tăng năng lực thông qua và đảm bảo kiểm soát an toàn giao thông đường sắt, với tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ.
Được biết, trước khi gói đầu tư này được Thường vụ Quốc hội thông qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là đơn vị trực tiếp lập dự án, với 4 hợp phần, cụ thể: Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh, tổng mức đầu tư dự kiến 1.600 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô, tổng đầu tư dự kiến 1.800 tỷ đồng; gia cố hầm yếu kết hợp mở mới 3 ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, với tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỷ đồng.
Liên quan các tiểu dự án này, một số ý kiến đặt câu hỏi: vì sao PMU Đường sắt lại “xuất hiện” ở giai đoạn sau của dự án dù khâu chuẩn bị dự án không tham gia?
“Quan điểm của tôi là, Tổng công ty hay Ban của Bộ điều hành dự án đều như nhau cả. Điều quan trọng là cuối cùng gói 7.000 tỷ sẽ được “rót” vào đường sắt để ngành có cơ hội thay đổi, phát triển. Tôi đã nói rõ việc này để anh, em bên dưới hiểu và khẩn trương tập trung cho công việc. “Ôm” nhiều việc quá mà không trôi chảy thì có nên không?”, lời Chủ tịch Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh.
Chủ tịch Vũ Anh Minh: "Ôm" nhiều việc quá mà không trôi chảy thì có nên không?" |
Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, tới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ quản lý, điều hành các dự án liên quan đến tăng cường kết cấu đường, gia cố hầm. Còn PMU Đường sắt sẽ điều hành các dự án liên quan đến phần cầu và nâng cấp các công trình đoạn Hà Nội - Vinh.
“Giá trị mà hai đơn vị được giao triển khai gần ngang nhau. Về phía tổng công ty thì đang nỗ lực hoàn thiện các thủ tục liên quan để năm 2019 có thể triển khai các tiểu dự án thuộc phạm vi của mình”, ông Minh thông tin và nói thêm, việc phân giao như vậy là để hai đơn vị chuẩn bị, còn khi triển khai thực tế, đơn vị nào không đảm bảo tiến độ, Bộ sẽ ra quyết định điều chuyển khối lượng công việc từ Ban về tổng công ty hoặc ngược lại.
Được biết, các dự án này sau khi hoàn thành sẽ nâng cấp toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam lên cùng cấp tải trọng 4,2 tấn/m. Năng lực thông qua của tuyến này sẽ từ 18 đôi tàu/ngày đêm lên 23 - 25 đôi tàu/ngày đêm và có thể khai thác với vận tốc bình quân tàu khách 80 - 90km/h, tàu hàng 50 - 60km/h. Dự kiến, dự án trên sẽ kết thúc vào đầu năm 2021.