Hình phạt đích đáng
Ngày 23/9, TAND TP.HCM đưa vụ án CSGT kêu giang hồ đánh chết người vi phạm giao thông ra xét xử, truy tố các bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như (SN 1980, nguyên thượng úy CSGT Công an quận Tân Bình), Nguyễn Minh Chung (SN 1991, ngụ quận Tân Phú, TP. HCM), Ngô Thành Vương (SN 1996, ngụ quận Tân Bình, TP. HCM), Trần Đức Vững (SN 1996, quê Quảng Ngãi) và Phạm Thanh Kim Hạnh (SN 1997, ngụ Đắk Nông) về tội “Cố ý gây thương tích”.
Theo cáo trạng, tối 25/6/2014, ông Nguyễn Văn Chiến (ngụ quận Gò Vấp) điều khiển xe máy trong tình trạng có sử dụng rượu bia. Lúc này, Tổ tuần tra CSGT Tân Bình (do Như làm tổ trưởng) đang làm nhiệm vụ đã yêu cầu dừng xe, đo nồng độ cồn.
Tuy nhiên ông Chiến không chấp hành, cự cãi và không ký vào biên bản do CSGT lập. Bực tức, Như đã gọi điện cho Chung yêu cầu đến nơi Như đang làm việc để nhờ một số chuyện. Nghe điện thoại xong, Chung gọi cho Hạnh, Vững và Vương đến theo yêu cầu. Khi nhóm Chung đến nơi, Như nói ông Chiến không ký biên bản và cự cãi sau đó “ra lệnh” cho Chung đánh dằn mặt ông Chiến.
Nhận “lệnh”, Chung cùng đồng bọn đã dụ ông Chiến ra chỗ vắng, đánh đập khiến ông gục xuống đường. Ông Chiến đứng dậy lết đến tổ CSGT đang làm nhiệm vụ. Thấy ông Chiến bị thương, tổ CSGT đã gọi taxi đưa ông vào bệnh viện cấp cứu nhưng ông tử vong vào rạng sáng hôm sau.
Vụ án từng được đưa ra xét xử nhiều lần nhưng đều bị Hội đồng xét xử (HĐXX) trả hồ sơ điều tra bổ sung, nhằm làm rõ hành vi, tội danh của từng bị cáo, làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân.
Với hành vi gọi người đến đánh người vi phạm, cơ quan chức năng xác định Như đã có sai phạm cực kỳ nghiêm trọng. Ngày 11/9/2014, Công an TP.HCM đã quyết định tước danh hiệu công an nhân dân đối với Như và ngày 7/11/2014, bắt tạm giam Như để điều tra về tội Cố ý gây thương tích, nhưng sau đó Như được cho tại ngoại.
Sau khi trả hồ sơ, Viện pháp y Quốc gia - Phân viện tại TP.HCM có kết luận nguyên nhân và cơ chế tử vong của nạn nhân là suy hô hấp cấp do dị vật làm tắc đường hô hấp trên bệnh nhân sau mổ khâu thủng ruột non.
Có thể do tai biến hậu phẫu trào ngược dịch dạ dày và thức ăn vào đường hô hấp dẫn đến tử vong. Với kết luận giám định mới này, VKS bảo lưu quan điểm truy tố Như và các đồng phạm tội cố ý gây thương tích.
Khai báo quanh co
Tại tòa, bị cáo Chung khai nhận, bị cáo trực tiếp đánh ông Chiến, và không phải là người chỉ đạo các bị cáo khác đánh ông Chiến như cáo trạng quy kết. “Bị cáo đang chạy xe trên đường Lê Hồng Phong (quận 10) thì nhận được điện thoại của Như.
Lúc đó, bị cáo có việc chưa đến được nên đã gọi điện cho Hạnh và Vững đến trước. Như nói với cả nhóm rằng, có người bị lập biên bản vi phạm nhưng không ký, lại còn chửi bới tổ CSGT và kêu nhóm bị cáo đánh dằn mặt người vi phạm rồi đuổi đi cho tổ công tác làm việc”, Chung khai nhận.
Các đồng phạm của Chung cũng thừa nhận hành vi của mình. Trong đó, Vương là người đánh ông Chiến đầu tiên rồi đến Hạnh. Các bị cáo cho biết Chung không đánh ông Chiến, mà chỉ là người đưa ông Chiến lại chỗ đám đàn em. Ba người này cũng khẳng định có nghe Như “chỉ đạo” Chung đánh dằn mặt ông Chiến.
Trước những lời khai này, bị cáo Như cho rằng lời khai đó là không đúng, Như thừa nhận có gọi cho Chung nhờ ra đưa ông Chiến về vì ông chiến say quá chứ không phải kêu ra để đánh nạn nhân.
Như trình bày, theo điều lệ ngành, khi gặp người vi phạm giao thông, bị xử lý mà chống đối thì báo chính quyền địa phương đến hỗ trợ. “Thế bị cáo báo cho ai khi ông Chiến không chấp hành”, chủ tọa hỏi.
Như trả lời: “Điện báo cho Chung”. “Chung có phải là người chủ tịch hay công an phường không?”, chủ tọa hỏi tiếp. Như đáp: “Chung không phải là cơ quan chức năng”. Chủ tọa truy: “Vậy Chung có nghĩa vụ gì mà phải đưa ông Chiến về”. Như nói: “Lúc đó chỉ muốn nhờ Chung thôi. Bị cáo không chỉ thẳng mặt ông Chiến cho Chung, chỉ mô tả hình dáng, trang phục cho Chung biết và nhờ đưa ông Chiến về”.
“Sao có lòng tốt, muốn đưa ông Chiến về vì sợ ông Chiến say sẽ nguy hiểm mà không chỉ trực tiếp, lại chỉ mô tả? Lỡ Chung dắt nhầm ai thì sao?”, chủ tọa hỏi. Như trả lời vì lúc đó ông Chiến đứng bên ngoài chửi dữ quá.
Cuộc chiến pháp lý
Sau khi xem xét hồ sơ, đánh giá lời khai của các bị cáo, vị đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa nêu quan điểm truy tố các bị cáo về tội Cố ý gây thương tích là đúng. VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Như và Chung từ 10 -11 năm tù; hai bị cáo Vững và Vương từ 8 – 9 năm tù; Bị cáo Hạnh từ 4 – 5 năm tù.
Luật sư bào chữa cho Như cho rằng, căn cứ vào lời khai của Như các bị cáo khác tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa hôm nay, có thể xác định Như bị oan. Như chỉ là người gọi điện đưa ông Chiến về nhà chứ không kêu các bị cáo còn lại đánh nạn nhân.
“Liên kết” với giang hồ đánh dân, bị cáo Như đã phải trả giá. |
Dù các bị cáo khác có khai được Như chỉ đạo là bất lợi cho Như, nhưng không có căn cứ nào khẳng định Như đã sai Chung và đàn em đánh người. Cũng theo vị luật sư này, Như đã có sai phạm về mặt hành chính và đạo đức khi gọi cho Chung đến đánh dằn mặt ông Chiến. Những sai phạm này Như hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Còn luật sư bào chữa cho Chung cho rằng việc áp dụng khoản 3 điều 104 tội cố ý gây thương tích đối với Chung là chưa thỏa đáng, bởi nạn nhân tử vong do gặp sự cố sau phẫu thuật theo như kết luận giám định pháp y chứ không phải do bị đánh.
Chung là người gọi đàn em đến, nhưng không đánh nạn nhân, hậu quả xảy ra là điều Chung không hề mong muốn. Chính vì thế, cần cân nhắc xem xét tội danh của Chung, đồng thời áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để xét giảm cho Chung một phần hình phạt.
Các luật sư bào chữa cho Vương, Vững, Hạnh cũng thống nhất với tội danh, nhưng cho rằng nạn nhân chết là do nguyên nhân khác, việc các bị cáo chỉ đánh vài cái vào người nạn nhân không phải thể hiện tính côn đồ, coi thường pháp luật, mà chỉ đánh dằn mặt để ông Chiến không chửi bới nữa nên đề nghị xem xét mức án thỏa đáng cho các bị cáo.
Đáp lại lời bào chữa của các luật sư phía nhóm bị cáo, hai luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại cho rằng, cáo trạng của VKS còn nhiều thiếu sót, bản giám định kết luận trên người, đầu nạn nhân có nhiều vết bầm, sưng não, xung huyết não nhưng cáo trạng không đưa vào.
Người làm chứng cũng khai tại cơ quan điều tra là các bị cáo dùng nón bảo hiểm, tay, chân đánh nạn nhân cả 10 phút cứ không phải chỉ đánh mấy cái rồi bỏ đi. Việc bị đánh nhiều cái vào đầu bằng nón bảo hiểm có thể là nguyên nhân làm ông Chiến bị “não phù xung huyết, có vết bầm tím ở trên đầu” có thể là nguyên nhân khiến ông Chiến chết đột ngột chứ không phải chết do ngạt, hay vỡ ruột non.
Cũng theo 2 luật sư của bị hại, hồ sơ và lời khai của các bị cáo thể hiện, Như gọi cho các bị cáo khác đến đánh nạn nhân nhưng Như không thừa nhận, mà chối tội. Các bị cáo khác đánh dã man ông Chiến trong khi ông Chiến không thể chống cự, hành vi đó không còn là đánh dằn mặt nữa mà là hành vi giết người nên cần truy tố các bị cáo về tội giết người.
Từ đó, luật sư của bị hại kiến nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Bà Thảo (vợ nạn nhân) cũng đồng ý với ý kiến luật sư, đồng thời, bà cũng mong muốn Như thành khẩn khai báo để vụ án sớm kết thúc, đừng quanh co chối tội nữa.
Tranh luận lại ý kiến của các luật sư, vị đại diện VKS cho rằng, luật sư bào chữa cho Như nói Như bị oan là không đúng, bởi hồ sơ vụ án, lời khai của Như và các bị cáo khác đều thể hiện Như gọi Chung, Chung gọi đàn em đến đánh dằn mặt nạn nhân nên Như là bị cáo chủ mưu, tội trạng đã rõ, không cần phải bàn cãi.
Về quan điểm cửa luật sư bào vệ quyền lợi cho bị hại cho rằng cần thiết truy tố các bị cáo tội giết người, đại diện VKS nêu quan điểm, các bị cáo chỉ dùng tay chân đánh nạn nhân, không dùng hung khí, không mong muốn hậu quả xảy ra nên truy tố các bị cáo tội Cố ý gây thương tích là đúng quy định pháp luật.
Chối vẫn không thoát tội
Nói lời sau cùng, Như không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng xin lỗi gia đình nạn nhân và mong pháp luật khoan hồng. Các bị cáo khác thừa nhận toàn bộ tội trạng, thể hiện sự ăn năn và xin lỗi gia đình nạn nhân, đồng thời mong HĐXX xem xét giảm cho một phần hình phạt.
Chia sẻ với chúng tôi trong giờ nghị án, vợ nạn nhân cho rằng, bà buồn vì luật sư nói chồng bà có một phần lỗi, khi chửi bới, chống đối người thi hành công vụ. Bà không đồng tình với điều này, bởi khi con trai vào thăm, chồng bà nói ông không hề chửi bới, chỉ đến xin xem biên bản xử phạt nhưng CSGT không cho.
Bà cũng cho biết, từ ngày chồng mất, một mình bà phải nuôi hai người con ăn học. Vụ án kéo dài, cứ mỗi lần ra tòa là nỗi đau được khơi gợi lại khiến bà rất đau khổ. Bà chỉ mong các bị cáo thành khẩn, pháp luật công tâm để vụ án sớm kết thúc.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Chung và Như mức án 12 năm tù. Tuyên phạt bị cáo Vững 11 năm tù giam; Bị cáo Vương 9 năm tù và bị cáo Hạnh 5 năm tù cùng về tội Cố ý gây thương tích.
Ngoài bản án hình sự, các bị cáo còn phải bồi thường 241 triệu đồng tiền các phí tổn cho gia đình người bị hại và trợ cấp cho hai con của nạn nhân 2 triệu/tháng/cháu cho đến khi các con nạn nhân đến 18 tuổi.