"Gói giải pháp" 29.000 tỷ đồng: "Phao cứu sinh” cho doanh nghiệp

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, “gói giải pháp hỗ trợ cho DN” khoảng 29.000 tỷ đồng, “nhắm tới tất cả các DN trong những ngành có khó khăn” chứ không phải bỏ qua những DN đang “hấp hối”. 

[links()] Chiều qua (4/5), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Chính phủ đã quyết định sẽ ban hành Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ DN trong điều kiện sản xuất kinh doanh đang bị đình trệ.

Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2012, Chính phủ thống nhất đánh giá: đã có chuyển biến đúng hướng, đạt được một số kết quả tích cực bước đầu trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức “nổi” lên, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh khiến một bộ phận DN phải dừng hoạt động. Thu ngân sách nhà nước thấp hơn so với tiến độ các năm trước, nhập siêu giảm mạnh, đời sống nhân dân gặp khó khăn… cùng nhiều vấn đề về an toàn giao thông, xã hội…

2.jpg
2.jpg

Do đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, kiên trì các biện pháp điều hành, không để tình trạng “đầu năm thắt chặt, cuối năm bung”.

Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt điều hành để đưa lãi xuất ngân hàng về mức hợp lý khi lạm phát, CPI giảm nhằm tạo điều kiện cho DN vay vốn, cơ cấu lại mạnh mẽ các ngân hàng đã được “nhận diện” thuộc diện “có nguy cơ” bảo đảm cho hệ thống ngân hàng phát triển bền vững. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhất là những lĩnh vực có lợi thế về thị trường như nông nghiệp, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Kiểm soát tốt giá cả thị trường, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu.

Bộ trưởng Đam nhấn mạnh: Chính phủ không có “gói kích cầu” mà sẽ tiến hành đồng bộ các giải pháp trong một Nghị quyết sẽ sớm được ban hành. Theo đó, cùng chính sách tiền tệ, Chính phủ dự kiến được đưa ra các biện pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, “gói giải pháp hỗ trợ cho DN” khoảng 29.000 tỷ đồng, “nhắm tới tất cả các DN trong những ngành có khó khăn” chứ không phải bỏ qua những DN đang “hấp hối”. Trong đó thông qua giãn thuế sẽ hỗ trợ cho DN được 16.000 tỷ đồng, miễn, giảm thuế và các giải pháp tài chính trực tiếp giảm chi phí cho DN (là miễn thuế khoán hộ và môn bài) 4.500 tỷ đồng, giảm 50% tiền thuê đất cho các DN thương mại và dịch vụ 1.500 tỷ đồng, lùi thời hạn thu phí sử dụng đường bộ thu theo đầu phương tiện (cho Quỹ bảo trì đường bộ) sẽ giảm nghĩa vụ nộp thuế cho DN khoảng 3.200 tỷ đồng; các giải pháp chỉ tiêu khác khoảng 2.700 tỷ đồng…

Đối với biện pháp giãn thời hạn nộp tiền sử dụng đất 12 tháng cho những nhà đầu tư thực sự khó khăn sẽ do HĐND và UBND các tỉnh quyết định theo tình hình thực tế của từng địa phương. Tổng gói hỗ trợ này tác động đến thu ngân sách năm 2012 khoảng 9.000 tỷ đồng (vì các biện pháp giãn thuế vẫn được thực hiện trong năm).

Chính phủ cũng sẽ chi ngân sách để đẩy nhanh quá trình phân bổ và giải ngân để tiêu thụ các sản phẩm xi măng, sắt thép, điện tồn kho, bổ sung 1.000 tỷ đồng cho vay để kiên cố hóa kênh mương, hạ tầng nuôi trồng thủy sản, giao thông nông thôn, cho phép các DN sử dụng kinh phí tạm dừng mua sắm của năm 2011 theo Nghị quyết 11 chuyển sang 2012…

Bên cạnh đó sẽ hỗ trợ cho DN tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho thông qua các chương trình khuyến khích tiêu dùng, tăng ngân sách cho hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, ưu tiên vốn tín dụng phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN vừa và nhỏ…

Từ 2013 mới thu Quỹ bảo trì đường bộ

Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Chính phủ cho thu Quỹ bảo trì đường bộ (theo Luật Giao thông đường bộ) từ ngày 1/6, nhưng do liên quan đến nhiều người dân nên Thủ tướng và Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan tiến hành đánh giá tác động, hoàn chỉnh đề án, xây dựng lộ trình và kế hoạch tuyên truyền đề người dân đồng thuận thực hiện từ 1/1/2013.

Đối với đề xuất thu phí hạn chế ô tô vào trung tâm và phí hạn chế phương tiện giao thông, Bộ GTVT và các Bộ liên quan đã có báo cáo Chính phủ. Thủ tướng đã họp xem xét và thấy rằng, các Bộ cần làm kỹ hơn, đánh giá tác động của các loại phí này đến người dân, các điều kiện kỹ thuật để thu phí…, hoàn thiện lại đề án, trình Thủ tướng và Chính phủ. Đề án chỉ được thực hiện khi Uỷ ban Thường vụ quốc hội và Quốc hội thông qua.

H.Giang

Đọc thêm