Lò nung vẫn âm ỉ cháy Làng gốm Thanh Hà nằm nép mình bên dòng sông Thu Bồn hiền hoà ở khối phố Nam Diêu (phường Thanh Hà). Làng khởi phát và hình thành từ thế kỉ 16 do những người gốc Thanh Hóa di cư vào Hội An khai hoang, cắm cọc làm quê hương, định cư cho đến ngày nay. Đến vùng đất mới, dân làng mang theo nghề làm gốm và cùng với ba làng nghề nổi tiếng khác là đúc đồng Phước Kiều, mộc Kim Bồng, chiếu Cẩm Kim tạo thành một khối thống nhất, góp phần tạo nên sự phồn vinh của xứ Thanh Chiêm, đô thị cổ Hội An thời đó.
Cuối năm 2019, nghề gốm Thanh Hà được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây cũng là thời gian mà làng gốm kết hợp với du lịch bản địa phát triển rực rỡ. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều hoạt động du lịch trên địa bàn TP Hội An phải dừng hẳn. Làng gốm Thanh Hà cũng không ngoại lệ. Lửa ở các lò nung nguội lạnh.
Tưởng chừng như ngọn lửa nghề với những nghệ nhân ở đây sẽ tắt hẳn. Nhưng không, ngọn lửa ấy vẫn âm ỉ cháy từng giờ, từng ngày, cho ra những sản phẩm độc đáo, mộc mạc mang đậm nét của gốm Thanh Hà. Cuối cùng, dịch bệnh cũng được khống chế, du khách trở lại làng ngày một đông hơn, mọi thứ dần trở lại như trước.
Nghệ nhân Ngụy Trung (55 tuổi, người có hơn 20 năm kinh nghiệm làm gốm) kể: “Khoảng thời gian dịch COVID-19 bùng phát, không chỉ cơ sở của tôi mà cả làng ai nấy đều vô cùng khó khăn. Không có khách, không có đơn đặt hàng, chúng tôi phải đóng cửa lò, có người phải chuyển nghề khác mưu sinh để lo cho gia đình. Tuy nhiên, trong thâm tâm của chúng tôi, ai nấy đều tin tưởng rằng dịch bệnh rồi cũng có ngày hết. Du lịch trở lại, làng lại đón khách đến tham quan, lò gốm sẽ lại đỏ lửa như xưa.
|
Quả đúng vậy, bây giờ dịch hết, khách đến mỗi ngày cả nghìn lượt, bà con trong làng rất phấn khởi”. Thấy có người lạ vào nhà, bà Nguyễn Thị Hậu (55 tuổi, vợ ông Trung) lật đật xỏ đôi dép vào chân, rồi chạy vội ra tiếp khách với khuôn mặt hiện rõ sự niềm nở. “Mọi người ngồi nói chuyện, uống trà với ông nhà tôi, rồi xem tôi nặn đất, tạo hình nhé”, bà Hậu cười nói.
Ngồi được chừng vài phút, một sản phẩm độc đáo là chiếc bát đã hoàn thành. “Thấy đơn giản vậy đó nhưng thực chất không dễ. Để có được cái nghề trong tay, chúng tôi cũng phải học, tập nhiều lắm. Nghề này cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ cao. Nghề gốm thì ở đâu cũng có nhưng mà không nơi nào có chất lượng gốm mang nét đẹp riêng như ở làng gốm Thanh Hà này đâu”, bà Hậu chia sẻ.
Tiếp nối truyền thống, vững bước phát triển Hiện nay, Thanh Hà có hơn 35 hộ sản xuất, kinh doanh với khoảng 70 lao động thường xuyên, tất cả sản phẩm đều được làm bằng phương pháp thủ công. Chính cái mộc mạc từ sản phẩm cho đến người làm đã làm nên thương hiệu của làng gốm cổ. Nhiều năm qua, nhờ gắn kết giữa sản xuất với phát triển du lịch nên làng gốm Thanh Hà có sức sống mạnh mẽ. Làng gốm Thanh Hà từng bước khẳng định mình và trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng của cả nước.
Theo chồng về làm dâu vào khoảng năm 1989, từ đó bà Nguyễn Thị Mỹ Dung (55 tuổi), bén duyên với nghề cho đến tận bây giờ. Bà Dung chia sẻ, du khách khi đến đây tham quan sẽ được chứng kiến tất cả công đoạn từ nhào đất, lên bàn xoay rồi vê đất tạo hình. Khách muốn làm cái gì thì mình làm cái đó. Thậm chí, nhiều du khách cũng được tự mình trải nghiệm cả quá trình tạo ra các sản phẩm từ gốm nếu họ muốn.
Bước đầu tiếp xúc với nghề, bà Dung chỉ làm những thứ đơn giản như mấy con tò he, cái bình hoa… rồi mới đến những thứ phức tạp hơn. “Để ngồi vào bàn xoay, làm cho du khách xem là cả một quá trình dài và phải được công nhận từ nhiều nghệ nhân, chứ đâu phải nói ngồi là ngồi, ưa làm gì thì làm đâu”, bà Dung cười nói.
|
Những sản phẩm gốm Thanh Hà được tạo ra bởi đôi tay khéo léo, sự tỉ mẩn của nghệ nhân. |
Điều mà nhiều nghệ nhân có tiếng ở làng gốm Thanh Hà vẫn thầm tự hào, chính là mỗi sản phẩm làm ra đều có cái “hồn” của riêng nó, dù đẹp, dù xấu. Bởi, không phải như cái khuôn rồi đúc thành hàng chục, hàng trăm sản phẩm khác nhau mà mỗi sản phẩm làm ra là mỗi quá trình, mỗi gửi gắm tạo nên bởi người nghệ nhân. Trong xu hướng bảo tồn và phát triển làng gốm, điều đáng mừng hiện nay là đã xuất hiện những người thợ trẻ chịu khó tìm tòi, làm ra các loại sản phẩm mang giá trị đặc sắc.
Chàng trai Nguyễn Viết Lâm (24 tuổi), người đầu tiên và duy nhất cho đến hiện tại tráng men cho các sản phẩm gốm Thanh Hà. Lâm cũng chính là con trai của vợ chồng bà Mỹ Dung. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm gốm, ngay từ nhỏ Lâm đã có cơ hội tiếp cận với nghề. 5 tuổi, anh đã tạo được những sản phẩm đơn giản, 14 tuổi đã làm ra những sản phẩm đòi hỏi tính kỹ thuật cao.
Chỉ mới 18 tuổi, Lâm đã tiếp quản lại cơ ngơi của bố mẹ và bắt đầu tìm tòi, phát triển cho mình con đường riêng về gốm. Để tăng thêm sức hấp dẫn, đẹp mắt Lâm đã phủ lên một lớp men khi sản phẩm ra lò. Một sản phẩm gốm tráng men cũng phải trải qua 5 công đoạn như: nhồi đất, vuốt gốm, trang trí họa tiết, tráng men và nung gốm. “Các sản phẩm làm ra từ gốm đất còn khá đơn điệu nên tôi quyết tâm mày mò tráng men lên sản phẩm để thành phẩm đẹp hơn. Ngoài ra, bản thân luôn luôn sáng tạo để xây dựng lên những chi tiết độc, lạ cho sản phẩm của mình”, Lâm bộc bạch.
Ông Nguyễn Hào, Phó Trưởng Ban Quản lý làng gốm Thanh Hà cho biết, làng gốm Thanh Hà đang dịch chuyển theo hướng đi mới, tiếp thu hiện đại, thay đổi để phù hợp, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống. Gốm Thanh Hà nổi tiếng bởi đôi tay khéo léo, sự tỉ mẩn của nghệ nhân mà không qua một tầng bậc xử lý nào của máy móc. Nó có hồn riêng của nó. “Hơn hai năm phải đóng cửa vì dịch COVID-19 bùng phát, ngành du lịch đóng cửa, làng nghề trầm hẳn, nhưng không có nghĩa họ lãng quên cái nghề đã gắn bó với hơn nửa cuộc đời của họ. Thời gian qua là thử thách cực hạn với lòng yêu nghề của những nghệ nhân làng gốm nơi đây. Mưu sinh, tất nhiên là cái đầu tiên, nhưng với những nghệ nhân ở Thanh Hà, được hàng ngày đắm chìm trong sáng tạo, đôi tay lem luốc bùn đất, trong mùi ngai ngái của củi đốt lò nung… để nặn ra từng hình hài là một điều vô cùng thú vị và hạnh phúc. Ngọn lửa yêu nghề, ngọn lửa niềm tin ấy đã cho ra những sản phẩm mang nét đặc trưng riêng của làng gốm Thanh Hà như bản tính hồn hậu của người dân xứ Thanh Chiêm”, ông Hào tự hào nói.