Góp ý Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW về cải cách tư pháp

(PLVN) -Ngày 22/11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Báo cáo Tổng kết thực hiện nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 với sự chủ trì của đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án tổng kết.


Góp ý Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW về cải cách tư pháp

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công An cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện Thường trực tỉnh, thành ủy, lãnh đạo ban nội chính các  tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Bắc; các chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực tư pháp cùng đại diện lãnh đạo một số vụ, đơn vị chức năng của ban Nội chính Trung ương.

 

Theo Tổ Biên tập Đề án tổng kết, Dự thảo Báo cáo đã tổng hợp kết quả lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt Nghị quyết, trong đó nêu rõ sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương đã tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung của Nghị quyết đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; kịp thời xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai ở các ngành, cấp; thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện; định kỳ kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện và tiến hành sơ kết (3 năm, 5 năm), tổng kết (8 năm, 15 năm).

 

Tại Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW khẳng định ý nghĩa, giá trị to lớn của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời nêu rõ, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, công tác tư pháp, cải cách tư pháp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Đã sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 

Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức được giao thực hiện các hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp; tăng quyền hạn, trách nhiệm và đề cao tính độc lập, chịu trách nhiệm trước pháp luật của các chức danh tư pháp. 

 

Đổi mới tổ chức, hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, phù hợp với chủ trương xã hội hóa. Thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh. Ưu tiên đầu tư xây dựng trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc cho các cơ quan tư pháp phù hợp với tính đặc thù của hoạt động tư pháp. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về tư pháp, đáp ứng các yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia và bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và các hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân đối với các cơ quan tư pháp, hoạt động tư pháp. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có nhiều tiến bộ, từng bước hạn chế được tình trạng oan, sai…. góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Tại Hội nghị, các ý kiến phát biểu tập trung vào một số nội dung như: đánh giá kết quả nổi bật của việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW sau 15 năm; những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết; mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian tới…

Cùng với đó, cũng có nhiều ý kiến góp ý về mô hình tổ chức Tòa án nhân dân, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để đảm bảo tính độc lập trong xét xử, tranh tụng; đánh giá tính hiệu quả của mô hình đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng; cơ chế kiểm tra, giám sát của Đảng, của các cơ quan dân cử đối với hoạt động tư pháp; hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, định giá tài sản; định hướng, chủ trương trong công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ tư pháp…

Đánh giá cao những ý kiến phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu, các nhà khoa học tham dự Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của đại biểu để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Đề án tổng kết trình Bộ Chính trị trong thời gian sắp tới. 

Đọc thêm