Góp ý dự thảo: Cần tiếp tục nghiên cứu về tính khả thi của một số quy định

(PLVN) - Năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 158 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 51 năm 2018. Hiện nay, Bộ Công Thương đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 158 và Nghị định 51 (dự thảo Nghị định).
 Về lâu dài, cần nghiên cứu xây dựng một luật riêng về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hoá. (Hình minh họa/dautuhanghoa.vn)
Về lâu dài, cần nghiên cứu xây dựng một luật riêng về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hoá. (Hình minh họa/dautuhanghoa.vn)

Dự thảo Nghị định đang được đăng tải lấy ý kiến gồm 16 chương, 140 điều, nhiều hơn gần gấp 3 lần số điều của Nghị định số 158 hiện hành (60 điều). Sau đây là ý kiến về một số nội dung của dự thảo.

Về căn cứ ban hành Nghị định

Điều 60 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về căn cứ ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc phần căn cứ ban hành dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa lại liệt kê rất nhiều luật, trong đó có cả Luật Cạnh tranh, là chưa phù hợp với quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Đề nghị phần căn cứ ban hành Nghị định chỉ giữ lại Luật Thương mại năm 2005 và Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019.

Về thành lập Sở giao dịch hàng hóa (Điều 9, 11, 16)

Điều 9 dự thảo Nghị định (Điều kiện thành lập Sở giao dịch hàng hóa) gồm 9 khoản quy định các điều kiện để được thành lập Sở giao dịch hàng hóa, trong đó khoản 8 đặt ra điều kiện: “Đề án thành lập, phương án hoạt động và phương án kinh doanh có cơ sở đảm bảo tính khả thi, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng hoá, an ninh kinh tế, mất cân đối cung - cầu, ảnh hưởng đến các thành phần của chỉ số giá tiêu dùng; không tạo ra hoặc tiềm ẩn nguy cơ tạo ra vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh thị trường, cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường hàng hoá và các thị trường liên quan”.

Điểm d khoản 9 Điều 11 (Hồ sơ đề nghị thành lập Sở giao dịch hàng hóa) còn yêu cầu thêm là Đề án thành lập Sở giao dịch hàng hóa phải “có biện pháp ngăn ngừa hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh thị trường, cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường hàng hoá và các thị trường liên quan”.

Đây là những quy định mới so với Nghị định 158 và có nhiều điểm chưa hợp lý và khó khả thi. Lý do: đây mới là giai đoạn làm thủ tục để thành lập Sở giao dịch hàng hóa và Sở chưa đi vào hoạt động. Nội dung Đề án thành lập doanh nghiệp thường là sự cần thiết thành lập doanh nghiệp, những thông tin chính về doanh nghiệp (tên gọi, trụ sở chính, ngành nghề kinh doanh, vốn điều lệ, người đại diện theo pháp luật, cơ cấu tổ chức doanh nghiệp) và định hướng phát triển của doanh nghiệp. Do vậy, việc yêu cầu “không tạo ra hoặc tiềm ẩn nguy cơ tạo ra vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh thị trường, cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường hàng hoá và các thị trường liên quan” và phải có biện pháp “ngăn ngừa hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh thị trường, cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường hàng hoá và các thị trường liên quan” ngay từ khi lập Đề án thành lập Sở giao dịch hàng hóa là chưa hợp lý, không khả thi vì trong giai đoạn làm thủ tục thành lập, các chủ thể thành lập không thể dự đoán được doanh nghiệp tương lai của mình sẽ có vị thế độc quyền, thống lĩnh thị trường hoặc cạnh tranh không lành mạnh theo Luật Cạnh tranh hay không. Quan trọng hơn, quy định của dự thảo Nghị định đặt ra điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa phù hợp với nguyên tắc quy định tại khoản 4 Điều 7 của Luật Đầu tư là: Điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định phù hợp với lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng và phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư. Quy định về Đề án thành lập Sở giao dịch hàng hóa như tại dự thảo Nghị định sẽ tạo ra rào cản kỹ thuật làm hạn chế một cách chưa hợp pháp và bất công cơ hội gia nhập thị trường của tổ chức, cá nhân, chưa phù hợp với quyền tự do kinh doanh đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013, chưa phù hợp với chủ trương của Đảng về “Thực hiện phương thức, công cụ quản lý nhà nước chủ yếu bằng điều tiết gián tiếp, tăng cường hậu kiểm; giảm tối đa rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp” tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Do vậy, đề nghị bỏ quy định này.

Theo điểm b khoản 3 Điều 16 (Thẩm định việc thành lập Sở giao dịch hàng hoá) thì một trong những nội dung mà Hội đồng thẩm định của Bộ Công Thương phải thẩm định đối với Đề án thành lập và hoạt động của Sở giao dịch hàng hóa là “Tác động tích cực đến việc phát triển của ngành, lĩnh vực và khoa học, công nghệ theo chiến lược, quy hoạch của Nhà nước; tác động tích cực đến việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam; tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế”. Điểm b này quy định lặp lại nội dung khoản 1 Điều 32 (Đánh giá tác động tích cực của việc tập trung kinh tế) của Luật Cạnh tranh năm 2018 - là công việc của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Quy định này còn chưa hợp lý vì đây là giai đoạn thành lập Sở giao dịch hàng hóa, chưa phải là giai đoạn tập trung kinh tế (sáp nhập, hợp nhất, mua lại, hợp doanh), đồng thời chưa phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 “văn bản quy phạm pháp luật không quy định lại các nội dung đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác”.

Điều 23 (Tập trung kinh tế hoặc chia, tách Sở giao dịch hàng hóa) dự thảo Nghị định quy định như sau:

“1. Khi Sở giao dịch hàng hóa có dự kiến thực hiện tập trung kinh tế theo các hình thức quy định của Luật Cạnh tranh hoặc chia, tách Sở giao dịch hàng hóa theo quy định tại pháp luật về doanh nghiệp phải thông báo đến Bộ Công Thương trước khi thực hiện các thủ tục về thay đổi đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

2. Các nghĩa vụ và khoản nợ của các bên trước khi thực hiện tập trung kinh tế sẽ được kế thừa bởi Sở giao dịch hàng hóa còn tồn tại hoặc được thành lập mới sau khi sáp nhập.

3. Khi Sở giao dịch hàng hóa được chia, tách các khoản nợ và quyền sở hữu của sẽ được Sở giao dịch hàng hóa kế thừa sau khi chia, tách trừ khi có thỏa thuận khác giữa Sở giao dịch hàng hóa và chủ nợ hoặc con nợ.

Đây là những nội dung đã được quy định tại Luật Cạnh tranh năm 2018 và Luật Doanh nghiệp năm 2020. Hơn nữa nhiều nội dung của Điều 23 chưa phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh và Luật Doanh nghiệp (thời điểm phải thông báo tập trung kinh tế; hậu quả của việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; kế thừa các nghĩa vụ sau khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập). Do vậy, nghị bỏ Điều 23.

Về niêm yết hàng hóa (Điều 65, 66)

Điểm c khoản 2 Điều 65 (Thông báo niêm yết hàng hóa thông thường) và điểm c khoản 2 Điều 66 (Đăng ký niêm yết hàng hóa kinh doanh có điều kiện) đều yêu cầu trong hồ sơ thông báo niêm yết phải có: “Báo cáo đánh giá tác động trên thị trường của hàng hoá dự kiến niêm yết: đảm bảo cung cầu hàng hoá trong nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá nông sản, biện pháp chống đầu cơ, thao túng giá và tác động thúc đẩy cạnh tranh”.

Đây là yêu cầu mới so với quy định tại Điều 32 của Nghị định số 158 và quả thật, đây là một quy định vô cùng khó xác định vì quá chung chung, mơ hồ và hoàn toàn không khả thi đối với doanh nghiệp khi doanh nghiệp không có đủ nguồn lực, thông tin và số liệu thống kê để đánh giá được các tác động trên thị trường của các hàng hóa dự kiến niêm yết. Ngoài ra, thúc đẩy cạnh tranh là nhiệm vụ của Nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Cạnh tranh năm 2018: “Thúc đẩy cạnh tranh, bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”. Là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại và cạnh tranh, Bộ Công Thương chính là cơ quan có trách nhiệm và đủ năng lực để thực hiện việc đánh giá này một cách toàn diện và chính xác. Do vậy, đề nghị bỏ điểm c khoản 2 Điều 65 của dự thảo Nghị định.

Tóm lại, dự thảo Nghị định có nhiều Điều quy định về nhiều nội dung thuộc phạm vi quy định của Luật Cạnh tranh và các văn bản quy định chi tiết Luật Cạnh tranh, nhiều nội dung không được Luật Thương mại giao quy định chi tiết. Các quy định có dấu hiệu “vượt rào” và lấn sân này vừa không phù hợp với các điều khoản có liên quan của Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, vừa chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nghiên cứu để bỏ các quy định không thuộc phạm vi quy định chi tiết Luật Thương mại, trong đó có các quy định thuộc phạm vi quy định của Luật Cạnh tranh, để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa nói riêng.

Trong thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, nỗ lực và quyết tâm xóa bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh chưa hợp lý, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nước ta. Do vậy, rất mong Bộ Công Thương thực hiện rà soát, phân tích, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung đồng bộ các Luật do Bộ chủ trì soạn thảo như Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Cạnh tranh để cải cách về điều kiện đầu tư kinh doanh thật sự đạt được mục tiêu của Chính phủ cũng như mong muốn, kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Về lâu dài, kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu xây dựng một luật riêng về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa để có điều kiện quy định toàn diện và cụ thể về hoạt động này.

Đọc thêm