Góp ý sửa đổi Luật Bầu cử: Khắc phục tình trạng chênh lệch về năng lực giữa những người ứng cử

(PLVN) - Nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là đối với đại biểu hoạt động chuyên trách; khắc phục được tình trạng có sự chênh lệch quá rõ về năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác giữa những người ứng cử.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ngày 30/8, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo Giám sát Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) năm 2015 (Luật Bầu cử năm 2015).

Chất lượng của những người tự ứng cử không cao

Trình bày Dự thảo Báo cáo Giám sát Luật Bầu cử năm 2015, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, Luật đã cụ thể hóa cơ bản quyền ứng cử, bầu cử của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, có những bước đổi mới cơ bản trong quy trình tổ chức bầu cử để bảo đảm thực hiện hiệu quả, thực chất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật và qua thực tiễn 2 cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu HĐND (2016 - 2021 và 2021 - 2026) cho thấy, một số quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, đối với “quy định về quyền ứng cử”, Luật Bầu cử 2015 quy định rất rộng quyền ứng cử bao gồm cả quyền tự ứng cử và quyền được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu. Tuy nhiên, hầu như toàn bộ nội dung của Luật Bầu cử 2015 tập trung quy định về các ứng viên được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu, hầu như không có một quy định nào đối với người tự ứng cử. Bởi vậy, những người là cán bộ, đảng viên, công chức trong các tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị xã hội, cơ quan nhà nước, trên thực tế quyền tự ứng cử của họ theo quy định của Luật bị hạn chế. Chỉ những người ngoài Đảng, những người không tham gia các tổ chức của Đảng, các đoàn thể chính trị xã hội, cơ quan nhà nước mới có điều kiện thực hiện quyền tự ứng cử được Hiến pháp và Luật quy định, vì thế chất lượng của những người tự ứng cử không cao.

Nội dung Dự thảo Báo cáo cũng nêu rõ, một trong những điểm đáng lưu ý trong các cuộc bầu cử là vấn đề giới thiệu người ứng cử ĐBQH của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương. Theo đó, các cơ quan, tổ chức theo cơ cấu được phân bổ đều chỉ giới thiệu duy nhất một người ứng cử. Điều này dẫn đến tại hội nghị hiệp thương của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ để lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH sẽ hình thức, vì không có sự lựa chọn.

Thực tế cho thấy, trong một số cuộc bầu cử trước đây có tình trạng đến bước hiệp thương cuối cùng để lập danh sách chính thức những người ứng cử mới phát hiện có người vi phạm pháp luật phải đưa ra khỏi danh sách, nhưng không thể bổ sung người khác được, vì đến thời điểm này các quy định về thời gian nộp hồ sơ, thời gian lấy ý kiến cử tri không còn phù hợp, phải chấp nhận để thiếu người ứng cử, dẫn đến thiếu ĐBQH khối Trung ương.

Phân bổ người ứng cử phải có số dư

Một tồn tại nữa cũng được chỉ ra, đó là mặc dù Luật Bầu cử không quy định các cơ quan, tổ chức chỉ được giới thiệu người đứng đầu ra ứng cử, nhưng tuyệt đại đa số các cơ quan, tổ chức ở Trung ương đều giới thiệu người đứng đầu. Có một thực tế trong sinh hoạt của Quốc hội là những ĐBQH là Bộ trưởng, Chủ tịch UBND, giám đốc sở... thường có số buổi vắng tại các kỳ họp nhiều hơn các đại biểu khác. Bởi vậy, Dự thảo Báo cáo cho rằng, các cơ quan, tổ chức nếu được phân bổ cơ cấu ứng cử thì nên mạnh dạn giới thiệu cấp phó hoặc người khác đại diện cho cơ quan, tổ chức mình ra ứng cử, vẫn bảo đảm có cơ cấu của ngành mình trong Quốc hội mà không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức trách của người đứng đầu.

Đồng thời, cần hoàn thiện các quy định, quy chế để cấp ủy các cấp có cơ cấu hợp lý và nâng cao chất lượng; thực hiện nghiêm việc lựa chọn, bầu cử có số dư; ứng viên trước khi bổ nhiệm phải trình bày Chương trình hành động và cam kết trách nhiệm thực hiện; quy định trách nhiệm của lãnh đạo và cấp ủy viên các cấp trong việc tiến cử người có đức, có tài...

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, các đại biểu đều đồng tình với những đề xuất sửa đổi các quy định cụ thể của Luật Bầu cử 2015, theo đó, cần quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn của người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND, nhất là đối với đại biểu hoạt động chuyên trách. Một mặt, lựa chọn được những người thực sự tiêu biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước, đồng thời khắc phục được tình trạng có sự chênh lệch quá rõ về năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác giữa những người ứng cử.

Một số đại biểu cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về hiệp thương giới thiệu người ứng cử trong Luật Bầu cử 2015 theo hướng: Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ dự kiến về cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng ĐBQH được bầu ở mỗi cơ quan, tổ chức ở Trung ương và mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà không dự kiến cả cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử. Trong cơ cấu tổng thể ĐBQH mỗi khóa cần có cơ cấu đại biểu là người tự ứng cử với một tỷ lệ hợp lý tương tự như cơ cấu đại biểu là người dân tộc thiểu số và phụ nữ đã được quy định trong Luật Bầu cử 2015.

Đặc biệt, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ người ứng cử phải giới thiệu có số dư, không giới thiệu “tròn” như hiện nay. Theo đó, với mỗi cơ cấu cần giới thiệu ít nhất hai người ứng cử để Mặt trận hiệp thương lựa chọn một người để đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử.

Đọc thêm