Đại hội XIV sẽ có những quyết sách rất mới
Phát biểu tại Tọa đàm “Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức mới đây, GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, hiện nay, chúng ta đang ở trong giai đoạn giao thời, chuyển đổi từ một giai đoạn này sang một giai đoạn khác nên cần có nhiều thảo luận về vấn đề trên thì mới xác định được hướng đi sắp tới như thế nào, cái gì có thể tiếp tục thực hiện và cái gì cần phải đổi mới.
GS Phan Trung Lý nhắc đến trong bài phát biểu vừa qua của Tổng Bí thư tại Học viện Chính trị Quốc gia cho biết kỷ nguyên mới bắt đầu từ Đại hội XIV. Như vậy, Đại hội XIV sẽ có những quyết sách rất mới và theo GS. TS Phan Trung Lý, những thảo luận về vấn đề này sẽ góp phần rất tích cực để làm nên những chủ trương mới, những đường lối mới cho giai đoạn mới.
|
GS.TS Phan Trung Lý nhận định, Đại hội XIV sẽ có những quyết sách rất mới ( Hình minh họa) |
Về đổi mới tư duy, theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nhìn lại quá trình Đổi mới của chúng ta đã được 40 năm, từ những năm 80 của thế kỷ trước. Lúc đó, chúng ta xác định đổi mới kinh tế, đổi mới tư duy và bây giờ chúng ta trở lại đổi mới tư duy, và ở đây cụ thể là đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.
“Như vậy, phải chăng là tư duy xây dựng pháp luật đang lạc hậu, chưa theo kịp được yêu cầu đổi mới chung?”, GS.TS Phan Trung Lý nêu vấn đề và cho rằng, cần phải có một bước đột phá trong đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Bởi xây dựng pháp luật gồm nhiều công đoạn, nhiều bộ phận hợp thành nên trước tiên chúng ta cần lắng nghe được đổi mới tư duy xây dựng pháp luật nói chung của Việt Nam trong giai đoạn mới là gì, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật nhưng từng bộ phận, từng công đoạn của nó là gì và cái gì là quan trọng.
Cần để các cơ quan chủ động và chịu trách nhiệm về lập pháp, lập quy
Theo đó, về đổi mới tư duy, GS.TS Phan Trung Lý cho rằng trước hết, cần phải xem là chúng ta tư duy về hệ thống pháp luật hiện nay ra sao và cách làm luật của chúng ta hiện đã đáp ứng được yêu cầu chưa? Mối quan hệ giữa hệ thống pháp luật của Việt Nam với pháp luật thế giới, pháp luật quốc tế như thế nào? Cách làm luật của chúng ta hiện nay với giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra ra sao?
GS.TS Phan Trung Lý cũng lưu ý các nhà lãnh đạo nói rằng phải tháo gỡ điểm nghẽn, do đó, cần làm rõ điểm nghẽn là gì, có phải cả thể chế là điểm nghẽn không hay trong cả thể chế có một số điểm nghẽn, một số điểm nghẽn này là những gì?
Đặc biệt, GS. TS Phan Trung Lý nhấn mạnh “Pháp luật vẫn là pháp luật, luật phải là luật, không yêu cầu luật rộng hay luật hẹp; luật phải được ban hành theo quy trình nhất định và phải được thực hiện nghiêm chỉnh, vi phạm pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh”.
“Các nhà lãnh đạo nói rất hay ở chỗ luật không nhất thiết phải thật dài, lê thê; luật có thể 1 điều, 2 điều, đó chính là chúng ta đổi mới tư duy”- GS. TS Phan Trung Lý nhận xét.
Từ đó, theo ông, thời gian tới, chúng ta cần cụ thể đổi mới tư duy trong quan niệm hệ thống pháp luật, giữa pháp luật với các quy phạm khác (quy phạm xã hội, quy phạm đạo đức).
Cho biết các nước phương Tây hiện nay, cách giải quyết các tranh chấp không phải bằng biện pháp tư pháp là chính, GS.TS Phan Trung Lý ví dụ, ở Anh, việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp phi tư pháp hiện chiếm từ 65-75%. Từ đó, đặt vấn đề tư pháp thế nào, pháp luật ra sao trong đời sống hiện nay, mối quan hệ giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, giữa lập pháp và lập quy như thế nào phải xác định rất rõ.
Trên cơ sở đó, GS. TS Phan Trung Lý khẳng định, lập pháp là quyền của Nhân dân, Nhân dân thực hiện quyền lập pháp, Nhân dân giao cho Quốc hội thực hiện quyền lập pháp.
Có một nguyên tắc của lập pháp là lập pháp không ủy quyền, một nhà kinh điển đã nói lập pháp phải là ý chí của Nhân dân, lập pháp không được ủy quyền nhưng chúng ta hiện nay ủy quyền rất nhiều. Ông đề nghị không tiếp tục ủy quyền này nữa, đổi mới tư duy phải xác định rõ ràng thẩm quyền lập pháp đến đâu, phạm vi lập pháp đến đâu, lập pháp những vấn đề gì.
Tổng Bí thư đã nói lập pháp những vấn đề chung nhất thì về khoa học, GS. TS Phan Trung Lý đề nghị phải tính xem thẩm quyền lập pháp đến đâu, trong thẩm quyền lập pháp này, thẩm quyền nào thuộc Quốc hội, thẩm quyền nào thuộc Nhân dân; phạm vi của lập pháp đến đâu, có phải là quy định từ A đến Z không hay chỉ đến một mức độ nào đấy.
Nghĩa là chúng ta “canh đoạn”, đoạn nào lập pháp, đoạn nào lập quy và khi xác định rõ phạm vi lập pháp, phạm vi lập quy sẽ không dẫn đến tình trạng cứ phải Quốc hội ủy quyền thì Chính phủ mới làm. Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất, là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, quyền hành pháp phải có không gian của hành pháp và không gian hành pháp phải bao gồm từ xây dựng thể chế cho đến thực hiện.
“Ta không đi vào đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, không xác định được thẩm quyền, phạm vi sẽ rất khó đổi mới” - GS. TS Phan Trung Lý nhấn mạnh.
Do đó, Quốc hội không thể ủy quyền mãi được mà phải xác định phạm vi cho từng cơ quan để các cơ quan chủ động trong không gian của mình và chịu trách nhiệm về việc đó.
Bên cạnh đó, giữa pháp luật Việt Nam và quốc tế, không thể để tình trạng Việt Nam tham gia vào pháp luật quốc tế mà không biết thực hiện đến đâu, ai chịu trách nhiệm tổng kết việc thực hiện. Chúng ta vẫn nội luật hóa, làm theo ý của chúng ta nên nhiều điều không thực hiện được. Từ thực trạng này, GS. TS Phan Trung Lý đề nghị phải áp dụng trực tiếp một số điều luật quốc tế có thể áp dụng được, chứ không thể duy trì mãi việc nội luật hóa.