Xúc phạm mẹ chồng không tiếc lời
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cô gái Nguyễn Thị Hồng Hạnh (ở Đông Anh, Hà Nội) đỗ vào một trường trung cấp kế toán. Tốt nghiệp trung cấp, cô xin vào làm kế toán tại một công ty tư nhân ngoài phố. Vào một ngày đẹp trời năm 2013, Hạnh tình cờ gặp anh Đặng Quốc Huy (cháu ruột giám đốc công ty Hạnh) ngoài hành lang. Chỉ vài giây nhìn nhau ngắn ngủi, đôi trẻ ngỡ như mình quen nhau từ kiếp trước. Chớp lấy cơ hội ngàn năm có một, anh Huy vội xin cậu số điện thoại của nữ nhân viên để liên lạc, làm quen.
Cảm tấm chân tình của Huy, Hạnh nhận lời làm người yêu. Ít lâu sau, họ nên duyên vợ chồng. Sau khi kết hôn, anh Huy và vợ chuyển về chung sống cùng nhà với cha mẹ ruột để ông bà nội chăm cháu giúp. Thấy con dâu không có nghề nghiệp ổn định, bà Quyền (mẹ anh Huy) bàn với con trai tạo điều kiện cho vợ theo học mầm non. Dù không muốn kế nghiệp mẹ chồng song vì chồng, vì con, chị Hạnh cũng nhận lời đi học. Hai năm sau khi theo học trung cấp mầm non, chị Hạnh cũng có được tấm bằng trong tay. Ngay sau đó, bà Quyền nhờ các mối quan hệ của mình xin cho con dâu chỗ dạy.
Thế nhưng thay vì đi làm, chị Hạnh lại khất lần việc đi dạy, tiếp tục công việc kế toán trước kia khiến mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu bắt đầu nảy sinh. Bởi bà Quyền tiếc công, tiếc của đã cho con dâu theo học trung cấp mầm non nhưng không đi làm. Bị mẹ chồng nói nhiều, chị Hạnh tức giận đôi co lại khiến cuộc sống gia đình rơi vào cảnh cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Thấy vợ hỗn láo với mẹ, anh Huy khuyên bảo vợ nhẫn nhịn cho mẹ vui lòng. Nghe vậy, chị Hạnh xin lỗi mẹ chồng, hứa sẽ sửa sai nhưng rồi đâu lại vào đấy khiến gia đình mất niềm tin về cô con dâu ngoan hiền.
Đường ai nấy đi
Thất vọng về người vợ đầu ấp má kề với mình, anh Huy tâm sự, chia sẻ với bạn gái cũ mong nhận được lời khuyên của bạn để cải thiện tình hình. Thấy vậy, chị Hạnh làm loạn lên khiến mâu thuẫn vợ chồng thường xuyên xảy ra. Mỗi khi cãi nhau, chị Hạnh lại dọa bỏ anh Huy. Nhiều lần, người vợ còn viết sẵn đơn ly hôn, bắt chồng ký vào để đường ai nấy đi cho nhẹ nợ. Không thể tiếp tục chịu đựng sự quá quắt của vợ, anh Huy đưa mẹ con chị Hạnh “về nơi sản xuất” để với hi vọng vợ biết sai mà sửa đổi. Ngày đưa vợ về nhà ngoại, anh Huy còn nhờ bố vợ khuyên con gái giúp mình để vợ chồng anh sớm đoàn tụ.
Nghe con rể kể, bố ruột chị Hạnh mắng con gái, không được thế này, thế kia. Vừa dứt lời, ông Hùng (bố ruột anh Huy) bị vợ lớn tiếng ngắt lời, “ông biết gì mà nói”. Sau đó, bà ta còn nhờ người dằn mặt con rể cho bõ ghét. May mắn, anh Huy tránh được vụ “dằn mặt” đầy sát khí bởi người được bà Tú nhờ lại là người quen của anh Huy. Cực chẳng đã, anh Huy đành nộp đơn ra tòa án huyện Đông Anh, xin ly hôn người vợ đầu ấp má kề với mình hơn 2 năm qua.
Sau khi hòa giải bất thành, tòa sơ thẩm xử cho hai người được ly hôn. Không đồng ý với bản án sơ thẩm, chị Hạnh làm đơn kháng cáo, phản đối ly hôn. Trình bày tại tòa phúc thẩm, TAND Hà Nội, chị Hạnh khẳng định giữa chị và anh Huy không có mâu thuẫn. Việc anh Huy ly hôn chị là do chị và mẹ chồng có mâu thuẫn với nhau.
“Mẹ anh Huy buộc anh ấy phải chọn giữa tôi và bà. Anh ấy chọn mẹ nên mới ly hôn tôi” – chị Hạnh nói. Tiếp lời, chị Hạnh cho biết quá trình ly thân, anh Huy vẫn thường xuyên qua thăm nom, đưa hai mẹ con đi chơi, tình cảm giữa hai người rất tốt.
Nghe chị Hạnh nói vậy, anh Huy khăng khăng giữ nguyên yêu cầu ly hôn đồng thời khẳng định không ai ép buộc mình bỏ vợ. “Tôi ly hôn vợ vì không còn tình cảm, không thể chấp nhận một người vợ hỗn láo như thế” – anh Huy cho biết.
Thấy chị Hạnh liên tục đổ lỗi cho mẹ chồng là nguyên nhân khiến vợ chồng tan rã, một vị thẩm phán trong HĐXX lớn tiếng: Là người phụ nữ, chị nghĩ như thế nào khi để anh Huy phải chọn giữa mẹ và vợ? Chị thấy chị đã làm tròn thiên chức với chồng, con chưa khi suốt ngày loanh quanh giữa việc anh đúng, tôi sai? Chị biết việc anh Huy xin ly hôn với mình nhưng chị có biện pháp gì để anh ấy rút đơn không mà để đến tận phiên tòa hôm nay chị mới nói thế?
Đáp lại những câu hỏi của vị thẩm phán trong HĐXX, chị Hạnh chỉ biết im lặng. Bởi từ khi có mâu thuẫn, chị chỉ biết quanh quẩn với việc bảo vệ quan điểm của mình mà không níu kéo, tìm cách hàn gắn gia đình.
Trong lúc HĐXX vào nghị án, chị Hạnh và anh Huy không ai nói với ai một lời. Mỗi người đuổi theo suy nghĩ riêng của mình. Thế nên khi nghe HĐXX tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm, chị Hạnh cũng không rơi giọt nước mắt tiếc nuối vì đã đánh mất tổ ấm của mình vì mâu thuẫn cá nhân. Trong khi đó, gương mặt anh Huy lại hiện rõ nỗi buồn.
Có lẽ người đàn ông vừa được tự do đang thương tiếc cho đứa con gái của mình rồi sau này sẽ thiếu vắng bàn tay chăm sóc của cha. Nhưng cuộc sống có những điều không ai lường trước được, thế nên, khi đã có duyên phận với nhau, cả vợ lẫn chồng phải cùng vun vén, xây đắp tổ ấm của mình như các cụ từng nói “chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa biết đời nào khê”.