Hà Giang: Trợ giúp pháp lý cho người nghèo ở vùng khó khăn

(PLVN) - Hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) đã thực sự đi vào đời sống pháp luật, mang lại hiệu quả thiết thực giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo và cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh Hà Giang, bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận công lý.

Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới ở cực bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số và nhận thức về các quy định pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế nên hoạt động TGPL có vai trò rất quan trọng, không chỉ giúp đối tượng được trợ giúp bảo vệ quyền lợi ích của mình mà còn nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân

Phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hà Giang đã thực hiện hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn và cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh.

Tuyên truyền tại huyện Quảng Bạ

Tuyên truyền tại huyện Quảng Bạ

Hiện nay Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Hà Giang có 22 cán bộ, công, viên chức, với 09 phòng làm việc và có phòng tiếp dân riêng tạo điều kiện thuận lợi cho người được TGPL đến liên hệ. Với số lượng công việc lớn, biên chế ít, nên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Trung tâm thường xuyên đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn cho các trợ giúp viên pháp lý

Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh Hà Giang ông Nguyễn Văn Lượng cho biết: Những năm qua, nhằm giúp người dân tiếp cận pháp lý và thực sự bình đẳng trước pháp luật, Trung tâm TGPL tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh các hoạt động TGPL cho những đối tượng được trợ giúp, cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn … Cùng với đó, Trung tâm cũng tham gia tố tụng, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong rất nhiều vụ việc, giúp cho việc giải quyết các vụ án được công khai, minh bạch, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật…

Trung tâm đã cắt cử cán bộ phối hợp thực hiện truyền thông về TGPL cho người khuyết tật tại buổi ra mắt Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật do Hội người khuyết tật tỉnh tổ chức tại huyện Bắc Mê và thành phố Hà Giang cho 80 người tham gia.

Cấp phát miễn phí cho người dân với 43.600 tờ đơn yêu cầu TGPL, 75.000 tờ gấp pháp luật, 186 quyển sổ thụ lý vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng cho các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp, 32 quyển tài liệu truyền thông, 218 Hộp tin đựng tài liệu và 343 biển thông báo tuyên truyền hoạt động truyền thông TGPL và hoạt động TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính.

Trợ giúp viên tham gia tố tụng tại phiên tòa

Trợ giúp viên tham gia tố tụng tại phiên tòa

Người được TGPL trong các vụ án hầu hết đều là người nghèo, người dân tộc thiểu số, gia đình chính sách… sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ hiểu biết pháp luật rất hạn chế, nhiều trường hợp không biết chữ và không thông thạo tiếng phổ thông. Vì vậy, để người dân được tiếp cận TGPL kịp thời

Quá trình thực hiện TGPL không chỉ giúp người dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, mà còn giúp họ hiểu nhiều hơn các vấn đề liên quan và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Ngoài việc được tiếp cận và hưởng sự trợ giúp, người dân đã hiểu rõ về giá trị và tính nhân văn cao cả trong công tác TGPL, hiểu được quyền lợi của mỗi công dân cũng như sự bình đẳng của mỗi người trước pháp luật.

Đọc thêm