Hà Nội: Bảo đảm tiến độ, chất lượng văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị, đối với danh mục văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt phải ban hành để hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô năm 2024 (sau đây gọi là Luật Thủ đô) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, các đơn vị cần tuân thủ đúng thời gian trình UBND TP và HĐND TP xem xét theo quy trình, thủ tục rút gọn đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Quang cảnh cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp.

TP Hà Nội soạn thảo, ban hành 114 văn bản

Chiều 5/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn - Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai thi hành Luật Thủ đô chủ trì phiên họp của Tổ.

Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên; đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội và các sở ban, ngành TP.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn đã triển khai Quyết định số 4279/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác, Tổ giúp việc triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024.

Theo đó, Tổ công tác có 3 nhiệm vụ chính gồm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị thuộc TP trong công tác triển khai thi hành Luật Thủ đô; phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ và cơ quan của Trung ương về thi hành Luật Thủ đô; điều phối, gắn kết việc triển khai thi hành Luật Thủ đô với việc triển khai thực hiện Quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô.

Về văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn tham gia xây dựng 6 Nghị định, gồm Nghị định quy định chi tiết về tổ chức, hoạt động của UBND phường của Hà Nội; Nghị định quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp; Nghị định quy định chi tiết về thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.

Cùng với đó là Nghị định quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm; Nghị định quy định chi tiết Luật Thủ đô về hợp đồng xây dựng - chuyển giao và Nghị định quy định về thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp, tham gia góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.

Về tiến độ xây dựng văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô, theo thẩm quyền, HĐND, UBND TP sẽ soạn thảo, ban hành 114 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt; có 87 văn bản là Nghị quyết do HĐND TP ban hành và 27 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của UBND TP.

Trong 114 văn bản, tiến độ trong năm 2024 ban hành 39 văn bản, các văn bản còn lại được ban hành trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Tháo gỡ vướng mắc để đảm bảo tiến độ, hiệu quả ban hành văn bản

Tại phiên họp, các thành viên Tổ công tác xác định rõ các nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc soạn thảo, ban hành các văn bản để tổ chức thi hành Luật Thủ đô.

Cùng đó, Tổ công tác cũng đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để bảo đảm tiến độ, hiệu quả của việc soạn thảo, ban hành các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị, đối với danh mục văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt phải ban hành để hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, các đơn vị cần tuân thủ đúng thời gian trình UBND TP và HĐND TP xem xét theo quy trình, thủ tục rút gọn đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ông Lê Hồng Sơn yêu cầu, với vai trò cơ quan thường trực Tổ công tác, Sở Tư pháp phải xác định rõ các nhiệm vụ cần thực hiện như tổ chức hội thảo, tọa đàm, đề xuất thuê chuyên gia… nhằm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt thi hành Luật Thủ đô, báo cáo TP xem xét.

Hiện nay, TP Hà Nội đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai thi hành Luật Thủ đô.

Trong đó, lãnh đạo TP xác định, để triển khai Luật nói riêng và các văn bản pháp luật nói chung, công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn quy định chi tiết là nhiệm vụ quyết định đến tính khả thi, hiệu quả khi thi hành.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhưng cũng rất khó khăn đối với TP.

Để triển khai nhiệm vụ quan trọng này, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, TP đã chuẩn bị và đôn đốc các đơn vị, địa phương được giao thẩm quyền chủ động vào cuộc với tinh thần “từ sớm, từ xa”, từ trước khi Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XV thông qua.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu thông tin, để đôn đốc công tác phối hợp 53 nhiệm vụ trong Luật Thủ đô, Sở đã thành lập Tổ công tác. Tại Kỳ họp thứ 17, HĐND TP vừa qua, Sở đã chủ động tham mưu HĐND TP bổ sung vào kế hoạch chi ngân sách kinh phí 10 tỷ đồng để triển khai nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong Luật Thủ đô.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Quyết định số 4279/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác, Tổ giúp việc triển khai thi hành Luật Thủ đô.

Theo đó, Tổ công tác gồm 46 thành viên, trong đó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh là Tổ trưởng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn là Tổ phó Thường trực. Các Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông, Dương Đức Tuấn, Hà Minh Hải, Nguyễn Mạnh Quyền, Vũ Thu Hà là Tổ phó.

Tổ giúp việc của Tổ công tác có 41 thành viên, trong đó Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn là Tổ trưởng.

Đọc thêm