Các đối tượng bị tạm giam gồm Phạm Ngọc Sứng (SN: 1990, trú tại Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) Đỗ Tuấn Ngọc (SN: 1990, trú Phổ Yên, Thái Nguyên) và Cao Văn Kết (SN: 1987, trú tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
Theo tài liệu điều tra, vào tháng 4/2016 cơ quan CSĐT - CAQ Thanh Xuân liên tục nhận được đơn trình báo của nhiều hộ dân trên địa bàn thông báo về việc bị cắt khóa cửa, khóa cổng và bị mất trộm xe máy.
Lập tức, CA quận Thanh Xuân đã chỉ đạo lập tổ trinh sát và phối hợp với công an các phường để theo dõi, mật phục tại những nơi có ít người qua lại, nơi có khả năng tội phạm hoạt động.
Ngày 17/4, khi tổ trinh sát đang làm việc tại khu vực đường Lê Văn Lương thì phát hiện 3 đối tượng đi 2 xe máy có biểu hiện nghi vấn nên đã ập tới kiểm tra.
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện trong cốp xe của các đối tượng có 1 kìm cộng lực, vam phá khóa nên yêu cầu kiểm tra hành chính, giấy tờ chứng minh hai chiếc xe. Tuy nhiên, cả ba đối tượng đều quanh co không chứng minh được nguồn gốc của hai chiếc xe máy nên đã bị đưa về trụ sở Công an quận.
Khai nhận tại CQĐT, ba đối tượng khai nhận tên Sứng, Kết và Ngọc vừa dùng kìm cộng lực cắt khóa một căn nhà ở tổ 1, cụm Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân lấy trộm chiếc xe máy Honda Wave. Khi đi đến đường Lê Văn Lương thì bị bắt.
Trước đó, 3 đối tượng cũng đã đột nhập vào căn nhà ở tổ 15, cụm 8, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân để trộm cắp chiếc xe máy nhãn hiệu Honda Mastre.
Mở rộng điều tra, CA quận Thanh Xuân đã làm rõ ngoài 2 vụ trộm ở trên 3 đối tượng còn gây ra hàng chục vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn quận Cầu Giấy, quận Thanh Xuân và huyện Thanh Trì. Toàn bộ xe trộm cắp được các đối tượng đã đem đến các tỉnh Hòa Bình, Thái Nguyên, Thái Bình bán với giá rẻ vì không có giấy tờ.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân, khi phát hiện nhà có trộm hoặc có tiếng động lạ, điều đầu tiên cần làm là khéo léo đưa tất cả những người thân trong gia đình vào một căn phòng, cài cửa chắc chắn sau đó dùng điện thoại hoặc các đồ dùng phát ra âm thanh, tiếng kêu cứu để báo cho hàng xóm, công an nơi gần nhất.
Đối với những gia đình ở nơi khuất nẻo khi về đêm cần bật ánh sáng đèn để bảo vệ. Đồng thời, người dân cần trang bị cho gia đình những vật dụng đơn giản nhưng có thể phòng thân, được để góc nhà nơi dễ lấy nhất khi có thể.
Nếu phát hiện kẻ gian đột nhập nên vờ nằm ngủ, không mạo hiểm bắt trộm. Cần nghe ngóng, quan sát khi trộm chưa vào nhà thì cần bật đèn, gọi người nhà dậy. Trong trường hợp ở nhà một mình thì cần đóng chặt cửa phòng, giả vờ gọi người bên cạnh.
Nếu kẻ trộm ra khỏi nhà thì cần ghi nhớ đặc điểm, hướng chạy của đối tượng rồi nhanh chóng thông báo cho người dân quanh khu vực cơ quan chức năng chứ không một mình giải quyết.
Nếu phát hiện có trộm khi về nhà thì tuyệt đối không được vào nhà một mình, gọi điện báo cho công an hoặc ban quản lý khu nhà.
Một số cách phòng ngừa trộm đột nhập:
- Không nên để nhiều tiền mặt trong nhà.
- Chia nhỏ tiền và cất ở nhiều nơi.
- Không nên đi vắng thường xuyên.
- Nếu buổi tối phải ra ngoài nên bật đèn để trộm tưởng chủ nhà ở nhà.
- Làm cửa chắc chắn và đóng khóa cẩn thận (Kể cả cửa ban công, sân phơi…).
- Không được mở cửa cho người lạ (Kẻ trộm thường giả vờ làm người buôn bán, lấy cớ mua bán để lừa vào nhà trộm cắp).
- Lắp các thiết bị, hệ thống camera bảo vệ. (ANTĐ)