Tuyệt đối không thi tuyển vào lớp 1, lớp 6
Tại hội nghị tuyển sinh cuối tuần qua, ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, năm học 2017 - 2018, tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 vẫn theo phương thức xét tuyển, các trường mầm non, tiểu học phải hoàn thành việc cấp mã số tuyển sinh trực tuyến cho học sinh tuyển vào lớp 1 và lớp 6 trước 29/5/2017. Đối với bậc tiểu học lên THCS, năm trước Sở chuyển thẳng hồ sơ của học sinh lên trường THCS theo phân tuyến. Năm nay, để tạo điều kiện cho phụ huynh, Sở không làm việc này, vì nhiều phụ huynh muốn chuyển trường cho con.
Cũng theo ông Chất, nếu cơ sở giáo dục có số lượng học sinh đăng ký vào học lớp 1 hoặc lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, các cơ sở giáo dục căn cứ vào các quy định hiện hành để xây dựng phương án phù hợp, trình Phòng GD-ĐT và UBND quận, huyện, thị xã; báo cáo Sở GD-ĐT, tuyệt đối không tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 dưới bất kỳ hình thức nào.
Điểm mới trong cách thức tuyển sinh trực tuyến năm nay là ngay khi học sinh chuẩn bị nghỉ hè, nhà trường sẽ cấp mã tuyển sinh cho từng học sinh. Rút kinh nghiệm năm 2016 khi có phụ huynh không khai đầy đủ thông tin địa chỉ nơi ở khiến việc phân tuyến không chính xác, năm nay đây sẽ là yêu cầu bắt buộc khi đăng ký trên hệ thống. Vì vậy, phụ huynh cần kê khai đầy đủ, chi tiết, tránh khai sai, khai nhầm, dẫn đến bị phân tuyến sai, ảnh hưởng quyền lợi của học sinh.
Ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội lưu ý, một số quận nội thành năm trước rất ít và lấy cớ do phụ huynh ở gần trường nên đến trường nộp hồ sơ trực tiếp thì năm nay phải đẩy mạnh hình thức này để công tác kiểm soát minh bạch, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, ông Đại cũng khẳng định, tùy theo điều kiện và khả năng, phụ huynh có thể lựa chọn một trong hai cách thức để đăng ký xét tuyển cho con em là đăng ký trực tuyến qua internet và đến trường nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh trực tiếp.
“Vận động”… tréo ngoe?
Năm nay Hà Nội sẽ tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT với 2 môn thi Ngữ văn và Toán, theo hình thức tự luận. Thời gian thi tổ chức vào ngày 9/6, buổi sáng thi Ngữ văn, buổi chiều thi Toán. Đối với lớp 10 chuyên (các trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, Nguyễn Huệ, Chu Văn An, Sơn Tây) thi 2 môn Ngữ Văn và Toán cùng với lớp 10 không chuyên và thi môn chuyên vào hai ngày 10 và 11/6. Đối với lớp 10 THPT không chuyên tuyển sinh theo phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Thành phố sẽ tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT với hai môn thi Ngữ Văn và Toán, đồng thời thi theo hình thức tự luận.
Bên cạnh việc tuyển sinh bằng kết quả thi và xét tuyển THCS, Sở GD-ĐT quy định các trường không được đưa ra tiêu chí khác để xét tuyển. Bà Nguyễn Thu Hà - Phó Trưởng Phòng Quản lý thi & Kiểm định Chất lượng - Sở GD-ĐT Hà Nội, cũng như năm ngoái, Sở cấm các trường vận động học sinh không thi vào lớp 10. Bởi lẽ, năm học 2016- 2017, Sở vẫn nhận được đơn thư phản ánh của phụ huynh học sinh về việc nhà trường vận động học sinh không thi vào lớp 10. Do đó, số lượng học sinh bỏ thi lớp 10 rất lớn. Do đó, năm nay, Sở cấm các trường vận động học sinh không thi vào 10.
Năm học này, Hà Nội vẫn chủ trương đa dạng hóa các loại hình học tập để đáp ứng nhu cầu, điều kiện học tập của nhiều đối tượng học sinh. Những học sinh không đủ điều kiện, không có nguyện vọng học trường THPT công lập vẫn có nhiều lựa chọn khác như đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường trung cấp chuyên nghiệp.
Từ góc độ “người trong cuộc”, một vị hiệu trưởng ngoài công lập chia sẻ với phóng viên, với các trường khó tuyển sinh, họ thường móc nối với một số trường, một số lớp học sinh có mức học trung bình để vận động học sinh không thi để vào các trung tâm hướng nghiệp…
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Viết Cẩn - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính - Sở GD-ĐT Hà Nội, từ năm học tới, Hà Nội không tuyển học sinh vào học hệ THPT tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, do có sự thay đổi về cơ chế quản lý, và cũng để các trung tâm tập trung nâng cao chất lượng giáo dục hệ bổ túc THPT.
Đây là điểm khác biệt so với các năm trước, nên học sinh cần lưu ý để lựa chọn nguyện vọng học phù hợp. Đơn cử, nếu hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn được học nghề sớm, các em có thể đăng ký nguyện vọng vào các trường trung cấp chuyên nghiệp. Nếu muốn có thời gian học tập linh hoạt để vừa đi học, vừa đi làm, các em có thể đăng ký nguyện vọng vào trung tâm giáo dục thường xuyên để học chương trình bổ túc THPT…
Đặc biệt, khi tìm hiểu thông tin về các trường ngoài công lập, phụ huynh cần lưu ý kiểm tra về chỉ tiêu, thời hạn, điều kiện và nhất là địa điểm tuyển sinh bởi trong thực tế đã có trường ngoài công lập không được phép tuyển sinh, không có chỉ tiêu được phê duyệt nhưng vẫn tuyển sinh, nhiều học sinh không biết nên đã đăng ký theo học. Sở GD-ĐT sẽ công khai chỉ tiêu tuyển của từng trường để phụ huynh biết, tránh rủi ro trong quá trình hỗ trợ con đăng ký nguyện vọng.