|
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Hội nghị. |
Hàng vạn lượt người được PBGDPL
Về Chương trình giai đoạn 2005 – 2010, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Văn Vỹ nhận định, đây là một Chương trình lớn với đối tượng và phạm vi áp dụng rộng, nội dung phong phú. Được sự tham gia, phối hợp thực hiện của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và sự hưởng ứng của nhân dân Thủ đô, Hà Nội đã cơ bản đạt được các mục tiêu cụ thể của Chương trình. UBND TP. Hà Nội (và cả tỉnh Hà Tây cũ) đã ban hành bốn Đề án thuộc Chương trình giao cho các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư pháp và Thanh tra thành phố, Ủy ban MTTQ thành phố chủ trì thực hiện.
Các đơn vị được giao chủ trì đã tập huấn, bồi dưỡng định kỳ kiến thức pháp luật và nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn để nâng cao năng lực phổ biến, tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chỉ tính riêng Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn”, Thanh tra thành phố đã mở nhiều hội nghị tuyên truyền, giới thiệu các quy định pháp luật liên quan cho cán bộ chủ chốt với khoảng 1.200 lượt người tham dự; phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức 351 hội nghị tuyên truyền, lớp tập huấn, phổ biến cho hơn 29 nghìn lượt người; tổ chức hơn 2.100 hội nghị tại các xã, phường, thị trấn với trên 207 nghìn lượt người… Hay Sở Tư pháp hoàn thành mục tiêu 100% cán bộ tư pháp cấp xã được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PBGDPL mà Đề án 4 đề ra.
Tác động tính cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội
Chương trình cũng được Hà Nội triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, phương pháp, mô hình PBGDPL có hiệu quả. Chẳng hạn, Sở Tư pháp đã biên soạn phát hành 6.000 tài liệu tuyên truyền một số nội dung cơ bản về dân chủ ở cơ sở, thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư cộng đồng; 3800 cuốn văn bản pháp luật; hơn 50 nghìn tờ gấp về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo; 28000 sách nghiệp vụ PBGDPL cho cán bộ chủ chốt và cán bộ tư pháp… Ủy ban MTTQ thành phố đã xây dựng thành công mô hình điểm về chấp hành pháp luật và lực lượng nòng cốt vận động nhân dân chấp hành pháp luật ở khu dân cư.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Lê Thị Kim Oanh cho biết, hiện thành phố đã có tổng cộng 91 “nhóm nòng cốt” với 664 thành viên, gồm những người am hiểu pháp luật, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có năng lực tuyên truyền và vận động người dân chấp hành pháp luật. Mặc dù mới đi vào hoạt động một thời gian ngắn song đã chứng minh được hiệu quả, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
Trên cơ sở các Đề án, thành phố đã quan tâm cấp hơn 2,78 tỷ đồng để bốn Đề án triển khai các nội dung theo kế hoạch. Nhờ vậy, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc, kết quả của Chương trình đã có tác động tích cực trở lại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Cần triển khai đồng bộ đến từng phường, xã, người dân
Tuy nhiên, ông Vỹ cũng thừa nhận còn một số tồn tại trong triển khai Chương trình, như quá trình thực hiện một số Đề án còn lúng túng, chưa làm nổi bật được các mô hình theo nội dung của Đề án; việc cung cấp tài liệu của từng Đề án chưa đáp ứng nhu cầu của cán bộ và nhân dân; năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở khộng đồng đều; hiệu quả khai thác Tủ sách pháp luật chưa cao, người dân chưa có thói quen tự tìm hiểu pháp luật…
Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy còn cho rằng, các Đề án mới chỉ được triển khai chủ yếu tại các cơ quan sở, ban, ngành chủ trì Đề án và một số quận, huyện, chứ chưa được triển khai đồng bộ tại các quận, huyện, phường, xã. Đây cũng chính là hạn chế được bà Ngọc lưu ý bởi mục đích của Chương trình này cũng như Chương trình 2008 – 2012 là pháp luật phải được phổ biến đến người dân. Đặc biệt, bà Ngọc đề nghị các đơn vị được giao chủ trì các Đề án thuộc Chương trình 2008 – 2012 khẩn trương triển khai các hoạt động của Đề án theo Quyết định 37 của Chính phủ.
Hoàng Thư