Nội dung trên được báo cáo trong Hội nghị triển khai công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023, do Sở Y tế Hà Nội tổ chức.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, năm 2022, toàn thành phố ghi nhận 19.779 ca mắc, dịch sốt xuất huyết có xu hướng tăng từ tuần 30; vượt ngưỡng cảnh báo dịch ở tuần 35 và đạt đỉnh dịch vào tuần 44; duy trì ở mức cao và giảm nhanh từ tuần 49.
Bệnh nhân ghi nhận tại 30/30 quận, huyện, thị xã; số mắc khu vực ngoại thành chiếm 53,1%, nhiều hơn ca mắc ở khu vực nội thành chiếm 46,9%.
Liên quan đến công tác điều trị, bệnh nhân phần lớn điều trị tại bệnh viện, cơ sở y tế tuyến quận, huyện (45%); tuyến tỉnh, thành phố (29%) và tuyến trung ương (21%); chỉ có 5% bệnh nhân điều trị tại trạm y tế và tại nhà.
Số ca mắc có xu hướng tăng dần từ 0 đến 40 tuổi sau đó có xu hướng giảm dần theo các nhóm tuổi, số mắc ghi nhận phần lớn ở nhóm tuổi học sinh và người lao động.
Từ năm 2009 đến 2022, bệnh nhân ghi nhận tuýp Dengue 1 và Dengue 2 là chủ yếu, trong đó tuýp Dengue 2 có xu hướng tăng, trong khi tuýp Dengue 1 có xu hướng giảm dần.
Trong năm 2023, tính đến ngày 15/5, toàn thành phố ghi nhận 250 ca mắc sốt xuất huyết, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022 (25/0). Số ca mắc ghi nhận tại 27/30 quận, huyện, thị xã; 143/579 xã, phường, thị trấn. Ghi nhận 14 ổ dịch tại 9 quận, huyện gồm: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thạch Thất, Hà Đông, Thanh Oai, Hoài Đức, Tây Hồ.
Theo nhận định của CDC Hà Nội, tình hình dịch sốt xuất huyết có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới, do điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển.
Hiện nay, số ca mắc đang tăng theo tuần, có thể ghi nhận bệnh nhân nặng và tử vong so với năm 2022. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và ngành Y tế thì người dân cũng cần nâng cao nhận thức, ý thức, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch.