Hà Nội đặt mục tiêu sớm giảm ô nhiễm không khí

(PLVN) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ vừa có cuộc làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường do Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm Trưởng đoàn về công tác quản lý tài nguyên môi trường trên địa bàn TP.  
Ô nhiễm không khí là vấn đề bức xúc bậc nhất đời sống Hà Nội hiện nay

Hội nghị có mục đích bàn bạc, thảo luận về một số nội dung lớn, quan trọng về công tác quản lý tài nguyên môi trường trên địa bàn, đánh giá toàn diện những mặt làm được và chưa làm được, những khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường của Hà Nội.

Tránh ban hành tiêu chuẩn “đuổi theo” tiêu chuẩn quốc tế

Theo báo cáo của UBND TP, thời gian qua TP đã xử lý ô nhiễm môi trường nước 90 hồ tại khu vực nội thành và 44 hồ ngoại thành, xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai Đề án Sông Nhuệ - sông Đáy trên địa bàn đến 2020.

TP đã xây dựng 8 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt với tổng công suất khoảng 296.700m3/ngày đêm, đáp ứng được khoảng 30% tổng lưu lượng nước thải phát sinh. Công tác quản lý đất đai nói chung và cấp “sổ đỏ” đã có những kết quả chuyển biến tích cực.

Từ tháng 12/2016, TP đã đưa vào vận hành 11 trạm quan trắc không khí tự động, chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí, triển khai 19 giải pháp tổng thể, tưới nước rửa đường trong những ngày thời tiết hanh khô để giảm nồng độ bụi phát sinh.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu. Việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn, các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt khu vực nội đô, hệ thống cấp nước sạch khu vực nông thôn, xử lý ô nhiễm một số sông (như Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ, sông Đáy) còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm và không phù hợp với quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề xử lý ô nhiễm không khí chưa có các giải pháp hữu hiệu...

Nguyên nhân chủ yếu do TP đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, dân số Hà Nội khoảng 8 triệu dân nhưng thường xuyên có thêm 2 triệu dân số cơ học, quy mô đô thị mở rộng và phát triển mạnh, áp lực về gia tăng dân số và cơ sở hạ tầng ngày càng lớn...

Hà Nội kiến nghị Bộ TN&MT sớm ban hành các cơ chế, chính sách về quản lý chất lượng không khí theo Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 của Thủ tướng. Bộ xem xét ủy quyền cho Hà Nội phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án nhóm A trên địa bàn đã được Thủ tướng ủy quyền cho TP phê duyệt chủ trương đầu tư; cần có chế tài xử lý các cơ sở xả thải ra môi trường không đạt quy chuẩn, có thể xem xét cho tạm dừng hoạt động.

Hà Nội kiến nghị các Bộ, ngành cần đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật khí thải đối với tất cả các loại phương tiện nhưng phải cập nhật các tiêu chuẩn của quốc tế, tránh việc ban hành tiêu chuẩn đuổi theo tiêu chuẩn quốc tế.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu một số khó khăn cụ thể khác, như công tác xử lý rác thải tại Sóc Sơn, hiện chỉ có 2 đơn vị chuyên ngành đang thực hiện; công việc duy trì vườn hoa cây  cảnh trong công viên Thống nhất, chăm sóc các loại thú ở Công viên Thủ Lệ hiện rất khó đấu thầu vì không phải đơn vị nào cũng đảm đương được các công việc này.

Lên danh sách toàn bộ các cơ sở gây ô nhiễm

Tại buổi làm việc, Bộ TN&MT đánh giá cao sự chủ động của lãnh đạo Hà Nội về việc tổ chức buổi làm việc tháo gỡ vướng mắc lĩnh vực TN&MT bởi nhiều vấn đề không chỉ là vướng mắc của Hà Nội mà còn là vướng mắc chung, được các bộ, ngành, địa phương quan tâm nhiều năm qua.

Vấn đề khu vực bãi ven đê sông Hồng, Bộ đã có nghiên cứu, sẽ sớm có phương án tháo gỡ. Tuy nhiên, sông Hồng còn có bất cập nữa là các hồ thủy điện và tình trạng khai thác cát nên mực nước hạ thấp rất nhanh, nhất là đoạn qua Hà Nội dẫn đến cảnh quan càng bị ảnh hưởng.  

Với hệ thống sông Bắc Hưng Hải, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ đã có kế hoạch trung hạn 2021-2025, nâng cấp hệ thống này để nâng cao năng lực cung ứng cho sản xuất nông nghiệp và giảm thiểu ô nhiễm. Về sông Nhuệ-Đáy, Bộ đã có dự án nạo vét giai đoạn 1, còn giai đoạn 2 đã có kế hoạch, sẽ làm việc cụ thể để lên phương án chi tiết, tháo gỡ một số khó khăn, nhất là giải phóng mặt bằng.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà nhận định, môi trường Hà Nội đang phải đối mặt các vấn đề chất thải sinh hoạt, chất thải rắn, xử lý nước thải và chất lượng không khí. Với quản lý đất đai, Hà Nội có nhiều loại hình đất, trong khi đó lại là phát triển đa ngành nghề, nên có nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Mỗi vấn đề đặt ra phải được phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ quy trình, rõ hiệu quả trong quá trình giải quyết; trên cơ sở đó phấn đấu từ nay đến hết năm 2020 tạo ra được chuyển biến rõ rệt về quản lý tài nguyên, môi trường trên địa bàn thành phố”.

Nêu hai vấn đề ô nhiễm môi trường được dư luận quan tâm nhất hiện nay là ùn tắc giao thông và ô nhiễm bụi mịn, ông Huệ yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống ô nhiễm không khí, tinh thần là phải quyết liệt, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2020 phải tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng không khí.

Ông Huệ chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND TP tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tập trung, các dự án áp dụng công nghệ đốt rác phát điện trọng điểm, các trạm xử lý nước thải; triển khai từng bước chương trình thu gom xử lý nước thải sinh hoạt ra sông Đáy, nạo vét sông Nhuệ; phối hợp với các tỉnh xây dựng Đề án bảo vệ môi trường hệ thống sông Bắc Hưng Hải, trong đó có sông Cầu Bây; hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường nước gắn với tăng cường quản lý các nguồn xả thải...

Sở TN&MT và các quận, huyện, thị xã phải rà soát, lên danh sách toàn bộ các cơ sở gây ô nhiễm, giao thời hạn khắc phục; sau thời hạn mà không khắc phục được thì cho dừng hoạt động.

Bảo đảm 100% khu, cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung; xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại các bệnh viện còn thiếu; yêu cầu toàn bộ các khu, cụm công nghiệp mới phải có khu xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động.

Đặc biệt, lưu ý việc kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt, bảo đảm an ninh nguồn nước và sức khỏe nhân dân, ông Huệ chỉ đạo kiện toàn để bộ phận giám sát hệ thống cấp nước sạch trực thuộc Sở TN&MT đi vào làm việc ngay, nhằm phát hiện kịp thời, không để xảy ra sự cố.

Đọc thêm