Đây là nhận định được đưa ra tại Hội nghị tổng kết thi hành Luật Thủ đô vào sáng nay - 21/11, do Bộ Tư pháp và UBND TP Hà Nội phối hợp tổ chức.
Hôị nghị do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố (TP) Hà Nội Trần Sỹ Thanh đồng chủ trì.
Tham dự Hội nghị có đại diện: các Ban đảng Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội, Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành, các tỉnh trong Vùng Thủ đô và đại diện các ban của Thành ủy, HĐND, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và các quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội.
Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Ngày 5/5 vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có yêu cầu “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới”.
Vì vậy, Hội nghị tổng kết thi hành Luật Thủ đô đã đánh giá tình hình thi hành Luật Thủ đô trong thời gian qua để xác định những tác động tích cực của cơ chế đặc thù về xây dựng, pháp triển và quản lý Thủ đô; nhận diện những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc; kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành Luật và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật cho phù hợp với tình hình mới.
Hội nghị đã nghe trình bày Báo cáo kết quả thi hành Luật Thủ đô, Báo cáo định hướng chính sách lớn xây dựng Luật Thủ đô - từ kết quả tổng kết thi hành Luật Thủ đô tại Hà Nội và các tham luận của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trưởng và UBND tỉnh Bắc Giang; đồng thời, trao đổi, thảo luận, đánh giá về kết quả thi hành Luật cũng như các định hướng, kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành Luật Thủ đô trong thời gian tới.
Quang cảnh Hội nghị. |
Qua tổng kết cho thấy, việc thực hiện các chính sách đặc thù quy định trong Luật Thủ đô đã giúp TP Hà Nội đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt, việc thi hành Luật cũng còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục. Một những nguyên nhân chủ yếu của tồn tại, hạn chế là do một số quy định của Luật Thủ đô chưa cụ thể, thiếu tính hợp lý, không khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn hiện nay.
Nhằm hoàn thiện pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới theo Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật Thủ đô, Hội nghị đã trao đổi, thảo luận về một số quan điểm, định hướng xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Cụ thể, bảo đảm tuân thủ các quy định của Hiến pháp 2013; thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 15-NQ/TW về phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tạo thể chế thuận lợi không chỉ cho Thủ đô mà cả Vùng Thủ đô và các đối tác tham gia xây dựng Thủ đô, hướng tới xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, trở thành động lực phát triển của Vùng Thủ đô và cả nước; với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”. Có quy định để các quy định về cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô (sửa đổi) được ưu tiên áp dụng so với các luật khác.
Đồng thời, quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô khác với quy định của các luật hiện hành hoặc chưa được các luật hiện hành quy định. Trong đó: Tạo cơ chế để hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền TP theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường phân quyền, phân cấp cho TP nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của TP; có cơ chế kiểm soát quyền lực, thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Quy định các cơ chế, chính sách mới, có tính chất đặc thù, vượt trội về nâng cao năng lực tài chính – ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô; phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô; phát triển đô thị - nông thôn; phát triển văn hóa - xã hội và khoa học - công nghệ, phù hợp với vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô và mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Bên cạnh đó, có chính sách đặc thù về thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô như tuyển dụng thẳng, không qua thi vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Thủ đô. TP được quyết định mức lương, chế độ đãi ngộ theo cơ chế thỏa thuận đối với một số vị trí việc làm.