Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp

(PLVN) -Nhằm kịp thời phổ biến và triển khai hiệu quả Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 175/KH-UBND với nhiều nội dung giao Sở Tư pháp chủ trì thực hiện.

Nghị định số 82/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/9/2020 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: Bổ trợ tư pháp (bao gồm: luật sư; tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; hòa giải thương mại; thừa phát lại); hành chính tư pháp (bao gồm: hộ tịch; quốc tịch; chứng thực; lý lịch tư pháp; phổ biến, giáo dục pháp luật; hợp tác quốc tế về pháp luật; trợ giúp pháp lý; đăng ký biện pháp bảo đảm; trách nhiệm bồi thường của Nhà nước); hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình là 30 triệu đồng; trong lĩnh vực thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã là 40 triệu đồng và trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp là 50 triệu đồng.

Để kịp thời phổ biến sâu rộng các quy định của Nghị định số 82 và triển khai thi hành có hiệu quả Nghị định này trên địa bàn thành phố, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 175/KH-UBND. Theo đó, trong quý III/2020, Sở Tư pháp TP.Hà Nội chủ trì giới thiệu những nội dung cơ bản của Nghị định số 82 cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ, công chức, viên chức của thành phố có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính... 

Trong quý IV/2020 và hằng năm, Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền về Nghị định số 82 đối với người dân, các tổ chức và cá nhân đang làm việc tại các tổ chức như: tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam; trung tâm tư vấn pháp luật, chi nhánh của trung tâm tư vấn pháp luật; tổ chức hành nghề công chứng; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên; văn phòng giám định tư pháp; tổ chức đấu giá tài sản; tổ chức mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; tổ chức có tài sản đấu giá; trung tâm trọng tài; chi nhánh, văn phòng đại diện của trung tâm trọng tài; chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; trung tâm hòa giải thương mại; chi nhánh, văn phòng đại diện của trung tâm hòa giải thương mại; tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng thừa phát lại; doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản…

Các cơ quan, đơn vị, địa phương lựa chọn hình thức tổ chức tuyên truyền, phổ biến phù hợp với điều kiện của đơn vị như: đăng tải nội dung trên Trang thông tin điện tử; mở chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội nghị, hội thảo, biên soạn tài liệu, tờ gấp, sổ tay, tổ chức sinh hoạt “Ngày pháp luật”... 

Cùng với đó, Sở Tư pháp và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức của thành phố có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng đề nghị TAND thành phố, Cục THADS thành phố và các tổ chức xã hội nghề nghiệp: Đoàn Luật sư, Hội Công chứng viên, Hội Đấu giá viên và các sở, ngành liên quan căn cứ điều kiện, thực tế của cơ quan, tổ chức chủ động thực hiện quán triệt, tuyên truyền, hướng dẫn thi hành có hiệu quả Nghị định số 82/2020/NĐ-CP bảo đảm tính kịp thời, thống nhất, đồng bộ và hiệu quả. 

Đọc thêm