Tăng không đáng kể?
Mức giá được điều chỉnh cụ thể như sau: giá nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt là 5.973 đồng/m3, giá cũ là 5020 đồng/m3 (đối với 10m3 đầu tiên). Từ 10 – 20m3 sẽ là 7.052 đồng/m3, giá cũ là 5930 đồng/m3; Từ 20 – 30m3 là 8.669 đồng/m3, giá cũ là 7.313 đồng/m3; Từ 30m3 trở lên, mức giá sẽ là 15.929 đồng/m3, giá cũ là 13.377 đồng/m3.
Mức giá đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công cộng là 9.955 đồng/m3. Đơn vị sản xuất vật chất là 11.615 đồng/m3. Đơn vị kinh doanh ngành dịch vụ là 22.068 đồng/m3.
Giá nước trên được tính toán trên cơ sở các yếu tố thay đổi chi phí sản xuất kinh doanh thực tế, đảm bảo giá nước được tính trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ. Một số chi phí sản xuất kinh doanh tăng do sự thay đổi cơ chế chính sách của Nhà nước hoặc theo lộ trình biến động của thị trường.
Cụ thể: Phí bảo vệ môi trường tăng 6 lần; Chi phí điện từ 2010-2015 tăng bình quân 10%/năm; Chi phí tiền lương từ 2009-2015 tăng bình quân 30%/năm; Chi phí khấu hao để phát triển mở rộng mạng lưới; Chi phí nguyên, nhiên, vật liệu tăng theo giá thị trường từ năm 2015 tăng 15%…
Để giảm tác động tiêu cực, HĐND, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt lộ trình tăng giá nước trong vòng 3 năm, thay vì một lần. Theo đó, từ tháng 9/2013, trên cơ sở đề nghị của liên ngành thành phố, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định điều chỉnh giá nước vào ngày 1/10 các năm 2013, 2014, 2015.
Như vậy, cả đơn vị kinh doanh nước lẫn người sử dụng có sự chuẩn bị. Lần điều chỉnh này, với mức sử dụng tối thiểu 10m3/tháng, ước tính tiền nước phải chi trả tăng khoảng 9.530 đồng; nếu hộ dân sử dụng khoảng 15m3/tháng, tiền nước cũ phải trả khoảng 79.850 đồng, tiền nước áp giá mới phải trả 94.990 đồng/tháng.
Chênh lệch tăng thêm 15.140 đồng/tháng là mức chấp nhận được. Theo tính toán của các đơn vị kinh doanh nước sạch, mức tăng giá bình quân lần này khoảng 19% và số hộ tiêu thụ 15m3/tháng chiếm khoảng 80% tổng số hộ sử dụng nước.
Phấn đấu 100% dân số nội thành được sử dụng nước sạch
Công ty nước sạch Hà Nội cho biết, việc điều chỉnh giá nước lần này sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các công ty cấp nước chủ động trong kinh doanh, chủ động vay vốn để phát triển mở rộng mạng lưới cấp nước cũng như thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Nghị định 117/2007/NĐ-CP và Nghị định 124/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
Đồng thời, bảo đảm lợi ích cho khách hàng sử dụng nước được miễn phí tiền lắp đặt đoạn đấu nối và đồng hồ đo nước vào nhà; được sửa chữa thay thế miễn phí khi đồng hồ đo nước hỏng, không chính xác.
Theo kế hoạch, Công ty nước sạch Hà Nội sẽ phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 100% dân số nội thành và 41,68% dân số ngoại thành được sử dụng nước sạch với tiêu chuẩn cấp nước 121 lít/người/ngày.
Tổng sản lượng nước toàn Công ty đạt 600.000 m3/ngày đêm năm 2014 sẽ tăng 640.000 m3/ngày đêm vào mùa hè năm 2016 (nâng công suất Nhà máy nước Bắc Thăng Long tăng lên thêm 30.000 m3/ngày đêm - dự kiến tháng 4/2016 hoàn thành và đầu tư cải tạo, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp các giếng nước ngầm bị suy thoái, khoan mới và khoan thay thế bổ sung các giếng không còn sử dụng được để tăng công suất thêm 10.000 m3/ngày đêm).
Ngoài ra, công ty cho biết sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án chống thất thoát, thất thu nước sạch để tăng cường mức độ dịch vụ cấp nước trên địa bàn của TP Hà Nội./.
Sẽ xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng
Nhằm giảm tải việc sử dụng nước ngầm, chuyển dần sang sử dụng nước mặt theo quy hoạch cấp nước Hà Nội đến năm 2030, Công ty nước sạch Hà Nội đã góp vốn thành lập Công ty CP nước mặt sông Hồng để triển khai thực hiện dự án Xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 300.000 m3/ngày đêm (giai đoạn I). Ngày 1/9/2015, Công ty nước sạch Hà Nội bàn giao xong hồ sơ Tổng mặt bằng nhà máy nước mặt sông Hồng tỷ lệ 1/500 (giai đoạn I) công suất 300.000 m3/ngày đêm cho Công ty CP nước mặt sông Hồng.