Hà Nội dự kiến thay thế buýt nhanh BRT bằng đường sắt đô thị

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hà Nội dự kiến điều chỉnh quy hoạch phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 550km và sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT bằng tuyến đường sắt đô thị.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Hải Hưng chủ trì buổi làm việc

Chiều 15/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND TP Hà Nội về chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” trên địa bàn Hà Nội.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội đã nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải tích hợp trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của quy hoạch chung Thủ đô, đồng bộ với quy hoạch Thủ đô; trong đó bổ sung 24 tuyến giao thông kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

Trước đó tại đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội cũng đưa ra phương án quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị và các tuyến tàu điện một ray trên địa bàn.

Thành phố ưu tiên xem xét bổ sung ba tuyến mới, gồm tuyến đi theo đường Lê Văn Lương để thay thế tuyến BRT trong tương lai, tuyến tại đô thị Bắc sông Hồng theo hướng song song tuyến số 4 và kết nối với khu vực Long Biên, Gia Lâm, tuyến dọc theo trục phía nam (kết nối đô thị trung tâm và các địa phương dọc trục phát triển phía nam với sân bay thứ hai khu vực phía nam).

Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông vào vận hành, khởi đầu cho kỷ nguyên mới của vận tải công cộng nhanh - khối lớn, hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường.

Thành phố đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội, để đưa vào khai thác vận hành trước đoạn trên cao trong năm 2024; tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại. Trong đó, quy hoạch phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 550km. Hệ thống đường sắt đô thị này sẽ là “xương sống” của giao thông đô thị, thay thế tuyến BRT hiện hữu bằng tuyến đường sắt đô thị. Đồng thời, chuyển đổi các phương tiện xanh, sạch; nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2025-2026 lên khoảng 30%.

Cũng tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, với vận tải hành khách theo tuyến cố định, thành phố hiện có 6 bến xe và tổ chức 41 cặp điểm đón trả khách cho xe khách liên tỉnh.

Ngoài ra, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt gồm 156 tuyến đã tiếp cận tất cả 30 quận, huyện, thị xã, kết nối 6 tỉnh, thành phố lân cận.

Đến năm 2023, số điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội giảm xuống còn 33 điểm; có 5 điểm đen về tai nạn đang tập trung xử lý.

Sở GTVT cũng rà soát 234 vị trí có mật độ phương tiện giao thông lớn, cần bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng; 154 vị trí khu vực trường học để thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; 193 điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cần phương án xử lý, khắc phục.

“Có thể nói, việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phát triển hạ tầng giao thông đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào thành tựu chung vào sự phát triển của thành phố Hà Nội”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội nhấn mạnh.

Hiện Hà Nội có 7/7 tuyến đường cao tốc hướng tâm (111,32km), 8/8 tuyến Quốc lộ hướng tâm (244,58km) đã được đầu tư hình thành, đưa vào khai thác sử dụng. 7 tuyến đường Vành đai đã và đang được đầu tư; đặc biệt Vành đai 4 với vai trò chiến lược đối với toàn bộ Vùng Thủ đô đã được khởi công vào tháng 6/2023; 4 trục kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh gồm: Hồ Tây - Ba Vì; Tây Thăng Long; Ngọc Hồi - Phú Xuyên; Hà Đông - Xuân Mai cũng đang được khẩn trương đầu tư.

Việc đầu tư hình thành các tuyến cao tốc trên góp phần kết nối giao thông, phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho 4 hành lang kinh tế quan trọng khu vực phía Bắc gồm: Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Thái Nguyên.

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án giao thông lớn kết nối nội vùng, liên vùng đang được tập trung triển khai như: Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6; Đường nối Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3; Cải tạo nâng cấp Quốc Lộ 21; Xây dựng tuyến đường trục phía Nam; Đường Bái Đính - Ba Sao - Mỹ Đình... 9/18 cầu vượt sông Hồng đã hình thành, 6 cầu đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công.

Đọc thêm