Hà Nội được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản phí

(PLVN) - Sáng 19/6, với 442/449 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Trong đó, Hà Nội được phép áp dụng một số khoản thu phí phù hợp với đặc điểm của địa phương; được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu phí để đầu tư cơ sở hạ tầng…
Kết quả biểu quyết dự thảo Nghị quyết.
Kết quả biểu quyết dự thảo Nghị quyết.

Cụ thể, HĐND thành phố Hà Nội sẽ quyết định áp dụng một số khoản thu phí phù hợp với đặc điểm của thành phố, bao gồm các loại phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí và có thể điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách sách trung ương hưởng 100%.

Nghị quyết cho phép ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi sự nghiệp kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Hà Nội và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố.

Ngoài ra, ngân sách thành phố Hà Nội cũng được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố Hà Nội.

Về quản lý chi ngân sách nhà nước, HĐND thành phố Hà Nội quyết định dự toán, phân bổ ngân sách thành phố bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ. 

Các đại biểu bấm nút thông qua dự thảo Nghị quyết.
Các đại biểu bấm nút thông qua dự thảo Nghị quyết. 

Ngân sách cấp thành phố cũng có thể sử dụng hỗ trợ các địa phương khác trong nước, cho phép các quận sử dụng ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn của thành phố Hà Nội trong việc phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2020 và được thực hiện trong 5 năm.

Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã có trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Theo báo cáo giải trình của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đa số các đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua Nghị quyết này.

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là Chính phủ trình Quốc hội nâng mức trần dư nợ vay của thành phố từ 70% lên 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp; cho phép thành phố được tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư quan trọng đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Luật đầu tư công và quy định pháp luật có liên quan…

Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc nâng tỷ lệ trần nợ vay từ 70% lên 90% là cao, cần cân nhắc đến mặt bằng bội chi chung của ngân sách địa phương trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, việc tăng mức giới hạn dư nợ vay bảo đảm cho thành phố có thêm dư địa được vay (trong nước và ngoài nước) và phù hợp với chủ trương đẩy mạnh cơ chế cho địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước, thay vì cấp phát như hiện nay (đây là giới hạn lũy kế dư nợ vay tối đa của thành phố). 

Mặt khác, hằng năm, căn cứ vào mức trần nợ công đã được Quốc hội quyết định, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định cụ thể về mức bội chi, mức vay của từng địa phương, bảo đảm việc tăng mức vay của thành phố Hà Nội được đặt trong mối quan hệ với nhu cầu vay, bội chi của các địa phương khác và yêu cầu giữ mức nợ công trong giới hạn cho phép. 

Do đó, để quản lý bội chi ngân sách và nợ công chặt chẽ có hiệu quả, dự thảo Nghị quyết quy định tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, thể hiện tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Nghị quyết. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ nguyên quy định về nội dung này như dự thảo Nghị quyết đã trình Quốc hội…

Đọc thêm