Hà Nội hào hùng "năm cửa ô tiến về"

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vừa qua, tại Tọa đàm trực tuyến “Hà Nội, 70 năm dựng xây và phát triển”, các đại biểu là những nhân chứng tiếp quản Hà Nội năm 1954 sau 9 năm trường kỳ kháng chiến đã xúc động nhớ về những ngày tháng hào hùng “năm cửa ô tiến về”…
Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954. (Ảnh: TTXVN)
Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954. (Ảnh: TTXVN)

Tại sao Bác dùng từ “trở về” Hà Nội?

70 năm trước, ngày 10/10/1954, sự kiện Giải phóng Thủ đô đã chấm dứt hoàn toàn ách đô hộ kéo dài gần 100 năm của thực dân Pháp tại miền Bắc. Đây là một bước ngoặt quyết định trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do của dân tộc, đây cũng là mốc son quan trọng: Ngày Giải phóng Thủ đô đã được chọn làm ngày lễ quốc gia để tôn vinh tinh thần đoàn kết và ý chí chiến đấu quả cảm của Nhân dân ta.

Sự kiện cũng mở ra một thời kỳ mới khi Nhân dân ta có thể tự quyết định vận mệnh của mình và tham gia vào việc xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, toàn Đảng, toàn dân ta bắt đầu vào công cuộc kiến thiết đất nước với những chính sách đổi mới phát triển kinh tế, xã hội và đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.

Các nhân chứng lịch sử tham gia Tọa đàm có Đại tá Bùi Gia Tuệ (sinh năm 1931), nguyên Trưởng phòng Pháp chế - Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, một những người lính đầu tiên trở về tiếp quản Thủ đô trong ngày 10/10/1954; ông Nguyễn Thụ, sinh năm 1933, chứng nhân lịch sử tham gia tiếp quản Thủ đô; ông Nguyễn Văn Trác, sinh năm 1932, tham gia Lễ duyệt binh ngày 2/9/1955 và tham gia 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; ông Nguyễn Văn Khang, sinh năm 1935, Trưởng ban liên lạc Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô…

Ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng ban liên lạc của đội thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô cho biết: “Lúc đó, chúng tôi được tuyển chọn vào Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Hà Nội. Chúng tôi gần 400 người, có nhiệm vụ về Hà Nội trước, từ khoảng ngày 3 đến 6/10/1954.

Khi ấy, chúng tôi làm nhiệm vụ “có một không hai” là tiền trạm, tiếp xúc với Nhân dân Hà Nội trước khi Đoàn quân tiến về tiếp quản. Lúc bấy giờ, do thông tin xuyên tạc, lôi kéo của địch, người dân vùng tạm chiếm và quân kháng chiến có những điều không hiểu nhau nên nhiệm vụ của chúng tôi là làm công tác vận động, tuyên truyền, tiếp xúc với người dân để mọi người thông suốt.

Khi tiếp quản, chúng tôi đã tháo dỡ những khẩu hiệu phản động, giải thích các chính sách của Chính phủ ta là sẽ duy trì cuộc sống như trước đây, cuộc sống không có gì thay đổi, xáo trộn. Sự giải thích kiên trì của chúng tôi đã làm yên lòng những người đang sống ở Hà Nội lúc đó.

Đây là việc làm sáng suốt của Chính phủ để người dân Hà Nội hiểu hơn về đoàn quân khi tiếp quản Hà Nội. Ngoài việc giải thích chính sách của Chính phủ, chúng tôi còn có nhiệm vụ dạy thanh niên, thiếu nhi hát, cùng đồng bào chuẩn bị khẩu hiệu, cổng chào để đón bộ đội trở về vào ngày 10/10/1954”.

Đại tá Bùi Gia Tuệ - nguyên Trưởng phòng Pháp chế - Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. (Ảnh: THPTVD)

Đại tá Bùi Gia Tuệ - nguyên Trưởng phòng Pháp chế - Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. (Ảnh: THPTVD)

Đại tá Bùi Gia Tuệ - nguyên Trưởng phòng Pháp chế - Tổng cục Công nghiệp quốc phòng chia sẻ: “Bước vào trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ, tôi khi đó mới 23 tuổi, giữ chức vụ Trung đội trưởng, trợ lý quân khí Sư đoàn 308, trực tiếp chuyển đạn tiếp tế cho pháo binh chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, chúng tôi sung sướng, hồ hởi khi chứng kiến cảnh tượng lịch sử: Tướng Đờ Cát, Bộ Chỉ huy và hơn 1,6 vạn quân Pháp lần lượt ra đầu hàng. Do biết ít nhiều tiếng Pháp, chúng tôi được giao nhiệm vụ canh giữ tù binh sau chiến thắng.

Trên đường tiến về tiếp quản Thủ đô, Sư đoàn 308 chúng tôi vinh dự được gặp Bác Hồ trên Đền Hùng, được Bác giao nhiệm vụ trở về tiếp quản Thủ đô. Đại tá Tuệ lý giải về hai chữ, tại sao Bác Hồ dùng chữ “trở về”. Bởi vì Bác biết rằng chúng tôi từ Hà Nội ra đi. Trước khi rời Thủ đô lên đường kháng chiến chống Pháp, chúng tôi đã viết khẩu hiệu ngắn lên tường: “Sẽ có ngày trở về Hà Nội”…

Ngày tiếp quản Thủ đô, xe của tôi là xe tiến vào thứ ba, đi sau hai xe của Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng. Chúng tôi đi từ Hà Đông, vào Cửa Nam, qua Hàng Đậu, hàng Ngang, Hàng Đào, Bờ Hồ… “Tôi ngồi ngay đầu xe bên phải, chứng kiến sự hân hoan, mừng vui chào đón của hàng vạn bà con mà xúc động vô cùng. Các nữ sinh Trưng Vương ùa ra đón, ôm lấy, khiến chúng tôi càng thêm xúc động… Đó là phút giây thực sự hạnh phúc mà tôi không thể nào quên”.

Nhiều nỗi niềm

Nhớ về những tháng ngày tập luyện cho Lễ duyệt binh hùng tráng ngày 2/9/1955, ông Nguyễn Văn Trác (tham gia Lễ duyệt binh ngày 2/9/1955 và tham gia 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” chia sẻ: Cuộc duyệt binh năm 1955 là cuộc duyệt binh rất lớn, lớn hơn lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính Hà Nội tổ chức tại sân vận động Cột Cờ chiều ngày 10/10/1954.

Năm 1955, ông Trác lúc đó mới 23 tuổi, công tác ở Tiểu đoàn Thông tin của Đại đoàn 312. Được đi duyệt binh, ai cũng như ai đều cảm thấy phấn khởi, vinh dự. Luyện tập ở sân bay Bạch Mai, ông xúc động chia sẻ: “Kỷ niệm đặc biệt nhất đối với chúng tôi khi đó là được gặp Bác Hồ thăm trong khi luyện tập tại sân bay Bạch Mai. Bác đi chậm dọc hàng quân, động viên cán bộ, chiến sĩ... Chúng tôi khi đó, qua 9 năm kháng chiến đều gọi Bác là “Cụ Hồ””…

Đại tá Nguyễn Thụ, nguyên Trung đội trưởng Bộ binh thuộc Đại đội 269-Tiểu đoàn 54 - Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô còn nhớ y nguyên những cảm xúc chộn rộn, đan xen khi đó. “Trong kháng chiến, quân đội hành quân ban đêm, ở sâu trong rừng, giữ bí mật... Nay bước sang hòa bình, cảm xúc đầu tiên là chúng tôi vui mừng khôn xiết khi cả miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Thủ đô được tiếp quản nguyên vẹn.

Ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng ban liên lạc của đội thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô chia sẻ tại giao lưu. (Ảnh: THPTVĐ).

Ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng ban liên lạc của đội thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô chia sẻ tại giao lưu. (Ảnh: THPTVĐ).

Chúng tôi nhớ đến các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa đã chiến đấu dũng cảm 60 ngày đêm để bảo vệ Thành Hà Nội. Và cuộc rút lui đầy mưu trí qua sông Hồng về chiến khu Việt Bắc.

Náo nức hơn, chúng tôi đều rất muốn nhanh chóng về Hà Nội. Gần như tất cả chúng tôi là thanh niên nông thôn, nhiều người chưa ra khỏi lũy tre làng nên chúng tôi háo hức về để xem thành phố. Đi qua đường phố, tất cả chúng tôi ngắm nhìn mọi thứ với tâm trạng lạ lẫm. Cảm xúc nữa là mong mỏi được về thăm quê hương. Suốt những năm kháng chiến, chúng tôi đã không có một lá thư về cho gia đình.

Trên đường về tiếp quản Hà Nội, chúng tôi có rất nhiều niềm vui, nhưng cũng có những việc xảy ra khiến tôi đến nay vẫn đau đáu trong lòng. Khi Đại đoàn 308 tổ chức mừng công ở Bắc Giang, hàng vạn nhân dân ở Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh… kéo về vừa để gặp gỡ các anh Bộ đội Cụ Hồ, vừa mong muốn có thể gặp lại người thân. Dẫu tôi cũng gặp được người thân, nhưng ngay sau đó tôi nhận được tin anh họ tôi vừa hy sinh. Và cũng có những niềm vui đoàn tụ thật ngọt ngào. Khi đó, tôi gặp một người phụ nữ đang đeo khăn tang vì trước đó chị nhận tin chồng đã hy sinh nhưng thật hạnh phúc, chị đã bất ngờ gặp lại chồng trong đoàn quân trở về... Phải nói rằng, những cuộc gặp gỡ sau 9 năm kháng chiến có nhiều câu chuyện mừng mừng, tủi tủi... Với rất nhiều người, đó mãi là những kỷ niệm không thể nào quên.

Cuối cùng, chúng tôi nhớ Việt Bắc lắm. 8, 9 năm kháng chiến sống với Việt Bắc, với chúng tôi, mảnh đất đó, những người dân ở đó là cha, là mẹ, là anh em ruột thịt... Sau này, đọc những lời thơ của Tố Hữu, lại càng nhớ hơn. Những câu thơ như: “Áo chàm đưa buổi phân ly/Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”, chúng tôi đọc đều rơi nước mắt…”.

Hà Nội phát triển đến ngỡ ngàng!

Cũng tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nhận định, Hà Nội ngày nay đạt được những thành tựu, mang tầm vóc vô cùng to lớn, không chỉ về diện tích, mà còn bởi Hà Nội có gia tài vô cùng to lớn, đó là văn hóa, con người. Chính bề dày văn hóa và việc phát triển con người trong hơn 1.000 năm lịch sử là cốt lõi để Hà Nội được vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.

Con người Hà Nội qua các thời kỳ chính là nguồn văn hóa vô tận để xây dựng Thủ đô, chứng minh rằng văn hóa Hà Nội không bao giờ đứt đoạn. Hiện nay, Hà Nội phát triển đến ngỡ ngàng. Thành phố mở rộng hơn, xuất hiện nhiều đường phố mới, khu đô thị mới... Sự phát triển ấy có sự đóng góp từ tiếp biến văn hóa, con người qua các thời kỳ. Cá nhân tôi luôn đặt niềm tin và hy vọng vào sự phát triển của Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, Hà Nội - Thủ đô Anh hùng, Hà Nội - Thành phố sáng tạo”.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ, năm 1954, với sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác quy hoạch, mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội, diện tích Thủ đô từ 152km2 được nâng lên 584km2. Chúng ta phát triển công nghiệp rất mạnh, biến từ thành phố tiêu thụ sang thành phố công nghiệp và rất chú trọng đến người dân… Năm 2008, Hà Nội thực hiện điều chỉnh mở rộng địa giới, lên hơn 3.300km2, là đô thị có diện tích lớn nhất trong cả nước, một trong 12 thủ đô trên thế giới có quy mô lớn như vậy và là một trong 10 thủ đô có lịch sử ngàn năm…

Với định hướng sắp tới, Hà Nội quyết tâm tiếp tục thực hiện mô hình chùm đô thị. Hà Nội có đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ sinh và 24 thị trấn sinh thái. Hà Nội sẽ khai thác có hiệu quả sông Hồng; bảo đảm cân đối hài hòa giữa phát triển đô thị và nông thôn; tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng kỹ thuật. Hà Nội cũng đang quyết tâm xây dựng trung tâm văn hóa tầm cỡ khu vực và quốc gia tại huyện Đông Anh… Thời gian tới, phát huy chiến tích của cha ông xưa và khí thế mạnh mẽ hôm nay, Hà Nội sẽ phát triển vượt bậc hơn 70 năm qua.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định: “Luật Thủ đô đã tạo cơ chế vượt trội để Hà Nội chủ động nhiều hơn, có nguồn lực, điều kiện và cơ hội tốt hơn để phát triển. Khi Thủ đô phát triển với cơ chế đặc thù, lúc đó sẽ tạo sức bật mới. Hà Nội có sức bật mới sẽ dẫn dắt các địa phương xung quanh và cả nước phát triển. Tôi mong Hà Nội sẽ tận dụng những cơ hội có được từ Luật Thủ đô (sửa đổi) để phát huy hết tiềm năng của người dân Thủ đô, từ đó tạo sự bứt phá, là đầu tàu, ngọn hải đăng dẫn dắt sự phát triển của cả nước…”.

Đọc thêm