Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch tích cực
Sáng 17/8, báo cáo tại cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong 7 tháng năm 2024, cùng với việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên, TP đã tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, trong đó có 3 nội dung quan trọng là Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Bộ Chính trị, Quốc hội cho ý kiến, hiện nay đang trình Thủ tướng phê duyệt.
Từ đầu năm đến nay, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, các cân đối lớn được bảo đảm; hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%, bình quân 3 năm 2021 - 2023 tăng 6,04% - cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước.
Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2024 đạt gần 324 nghìn tỷ đồng, bằng 79,2% dự toán; tổng chi ngân sách gần 53 nghìn tỷ đồng, đạt 36% dự toán, trong đó, chi đầu tư phát triển hơn 23 nghìn tỷ đồng, đạt 28,7% dự toán.
Lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công đến hết tháng 7/2024 đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch, cao hơn lũy kế giải ngân cùng kỳ năm 2023 (18,1 nghìn tỷ đồng), đứng thứ 2 về khối lượng so với các bộ, ngành và địa phương. Con số giải ngân này thể hiện quyết tâm, nỗ lực lớn của TP.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu ngành kinh tế là điểm sáng nổi bật của TP. Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2%; thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển.
Thu hút FDI đạt hơn 1,37 tỷ USD, dự kiến cả năm đạt 3,13 tỷ USD. Theo ông Trần Sỹ Thanh, sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế vào môi trường đầu tư của Hà Nội là minh chứng cho những cải cách mạnh mẽ trong công tác quản lý, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy đầu tư của TP.
Hà Nội không chỉ là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà còn là trung tâm kinh tế, tài chính quan trọng của khu vực và cả nước.
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, TP đã tiếp nhận bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc (với 111 dự án đầu tư, bao gồm 96 dự án trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký khoảng 116 nghìn tỷ đồng).
Triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, TP Hà Nội đã đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp đang được triển khai thử nghiệm nhằm xây dựng TP thông minh, hiện đại, như Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi); triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư (hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp lý lịch tư pháp…); ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động…
Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực theo hướng thông minh, xanh và bền vững.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Về thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, với Chương trình xây dựng nông thôn mới, TP đã về đích trước 2 năm so với kế hoạch. Đến nay, 100% số huyện, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, TP cơ bản hoàn thành 32/35 chỉ tiêu theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, còn 3/35 chỉ tiêu đang tiếp tục thực hiện.
Còn đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của TP đã giảm xuống còn 0,03%; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của TP.
Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 và cả nhiệm kỳ, TP xác định tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành với tinh thần “5 rõ trong phân công thực hiện” gồm rõ việc - rõ người - rõ trách nhiệm - rõ quy trình - rõ kết quả cuối cùng và “3 rõ trong kiểm tra, giám sát” là rõ thẩm quyền và trách nhiệm - rõ quy trình, tiến độ và kết quả - rõ kết quả kiểm tra xử lý; gắn với việc quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng với tinh thần “năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.
Ông Trần Sỹ Thanh cũng cho hay, TP Hà Nội sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô; khẩn trương tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức chính quyền đô thị, về phân cấp, ủy quyền, về tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, về thu hút trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…
Đồng thời, TP cũng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá tạo động lực phát triển KT-XH; tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai...
TP thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng số theo hướng đô thị thông minh; hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như hệ thống đường sắt đô thị; dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các cầu vượt sông, các nút giao thông cửa ngõ…
Tại cuộc làm việc, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô, tại cuộc làm việc, TP Hà Nội nêu một số đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng.
Trong đó, TP đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo về việc triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo đó, để quy định chi tiết và cụ thể hóa Luật, cần phải rà soát, nghiên cứu, xây dựng và ban hành 96 văn bản, nội dung, nhiệm vụ; trong đó 6 nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
TP Hà Nội mong muốn Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương tích cực triển khai Kế hoạch xây dựng các văn bản để trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền đảm bảo tiến độ đề ra theo Quyết định của Thủ tướng về Kế hoạch triển khai thi hành Luật.
Đưa không gian sông Hồng thành "biểu tượng phát triển mới của Thủ đô"
Về quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị, TP đề nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét, sớm phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 để tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị; có các cơ chế, chính sách đặc thù, thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội đô...
Lãnh đạo TP Hà Nội tại buổi làm việc. |
Đối với các tuyến đường sắt đô thị, TP Hà Nội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm xem xét ban hành các cơ chế, chính sách “đặc thù”, “đột phá” để phân cấp, phân quyền chủ động cho TP.
Cùng với đó, tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện cho Hà Nội tập trung phát triển trục sông Hồng là trục không gian chủ đạo của Thủ đô, để không gian sông Hồng trở thành "biểu tượng phát triển mới của Thủ đô" theo Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị; có các biện pháp khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên sông, là trục kinh tế thương mại dịch vụ, du lịch văn hóa, là trục trung tâm nằm giữa đô thị phía nam và phía bắc sông Hồng.
Về đô thị đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định Hà Nội là đô thị đặc biệt. Vì vậy, TP đề nghị Chính phủ, Thủ tướng cho phép Hà Nội triển khai ngay các chương trình, kế hoạch đầu tư phát triển TP phía Bắc vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và TP phía Tây vùng Hòa Lạc, Xuân Mai để kêu gọi các nguồn lực, kinh nghiệm đầu tư phát triển trong nước và quốc tế.
Điều này nhằm tạo bước đột phá mạnh mẽ, sớm tạo dựng một TP thông minh, hiện đại, kết nối vùng, liên vùng, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước.
Về phía TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, TP cam kết tiếp tục nỗ lực cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.