Hà Nội: Nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tuy tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chỉ chiếm khoảng 1,3% dân số toàn thành phố nhưng Hà Nội luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng, Thủ đô nói chung.
Công tác phổ biển giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được thành phố Hà Nội quan tâm đẩy mạnh (ảnh minh họa).
Công tác phổ biển giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được thành phố Hà Nội quan tâm đẩy mạnh (ảnh minh họa).

Trên địa bàn thành phố Hà Nội, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực I thuộc 4 huyện (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức). Hiện có trên 108 nghìn người dân tộc thiểu số thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống ở 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm khoảng 1,3% dân số toàn thành phố.

Để thu hẹp khoảng cách này giữa vùng đồng bằng, đô thị với vùng dân tộc thiểu số, những năm qua, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số tăng cường triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật.

Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì.

Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì.

Hiện nay, Ban Dân tộc thành phố Hà Nội đã xây dựng mạng lưới báo cáo viên gồm những giảng viên có trình độ cao thuộc các trường đại học, học viện, nhà quản lý của các ngành chức năng trực tiếp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho 3 nhóm đối tượng. Ở cấp huyện là lãnh đạo và cán bộ phòng Dân tộc huyện Ba Vì; lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác dân tộc ở các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và đội ngũ báo cáo viên pháp luật của các huyện nói trên.

Ở cấp xã là đại diện lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; cán bộ văn hóa, cán bộ tư pháp, cán bộ phụ trách công tác dân tộc và tuyên truyền viên pháp luật ở các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ở cấp thôn là bí thư chi bộ, trưởng thôn, phó thôn, trưởng ban công tác Mặt trận, chi hội trưởng chi hội Nông dân, đại biểu tiêu biểu tại các thôn, cụm dân cư.

Hội nghị tập huấn công tác dân tộc và tuyên truyền pháp luật do Ủy ban dân tộc Hà Nội tổ chức.

Hội nghị tập huấn công tác dân tộc và tuyên truyền pháp luật do Ủy ban dân tộc Hà Nội tổ chức.

Trong 15 năm qua, UBND thành phố Hà Nội đã giao cho Ban Dân tộc phối hợp với Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức được trên 100 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tập huấn về chính sách dân tộc, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao nhận thức cho người dân hiểu biết về chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước... Với gần 30.000 lượt cán bộ cơ sở, giúp họ trở thành hạt nhân tiếp tục lan tỏa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn.

Ngoài ra, Hà Nội còn thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật khác, như: Phát hành định kỳ hằng quý Bản tin Dân tộc Hà Nội; cập nhật, đăng tải thông tin liên quan trên Cổng thông tin điện tử của Ban Dân tộc thành phố Hà Nội; biên soạn, xuất bản 5.000 cuốn sổ tay chính sách, pháp luật và hơn 300.000 tờ gấp tuyên truyền pháp luật.

Hội nghị tuyên truyền, PBGDPL tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì.

Hội nghị tuyên truyền, PBGDPL tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì.

Với những đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số, muốn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thì cần thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp truyền đạt sao cho phù hợp với đặc thù riêng về tâm lý, phong tục tập quán, trình độ văn hóa, giúp đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp cận.

Đặc biệt, việc tuyên truyền không chỉ một chiều mà cần tôn trọng, cố gắng đáp ứng cao nhất nội dung mà người dân muốn nghe, muốn biết, muốn tìm hiểu. Cách làm có trọng tâm, trọng điểm như vậy sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đảm bảo sát với thực tế, trúng với mong mỏi của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của thành phố.

Đọc thêm