Nậm Pồ chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm qua, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) thường xuyên đẩy mạnh thực hiện các chính sách chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, từng bước xóa đói giảm nghèo, cuộc sống nâng cao rõ rệt.
Các chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai tích cực đã góp phần nâng cao đời sống người dân.
Các chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai tích cực đã góp phần nâng cao đời sống người dân.

Nậm Pồ là huyện biên giới khó khăn của tỉnh Điện Biên nói riêng và cả nước nói chung. Cả huyện có 15 xã và 8 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới hơn 95% dân số.

Đa số đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn trong phát triển kinh tế, thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao, giảm nghèo thiếu bền vững. Có nơi, đồng bào còn thiếu đất sản xuất hoặc canh tác đất chưa hiệu quả, kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã được quan tâm đầu tư, nhưng chưa đồng bộ, nhất là các tuyến đường giao thông.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đã và đang được nhận rộng.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đã và đang được nhận rộng.

Xác định công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực của các chương trình để đầu tư, hỗ trợ, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm… cho người dân, giúp vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khởi sắc. Người dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi, dân tộc từng bước được nâng cấp phát triển; các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có thêm nguồn lực để vươn lên; góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, giúp đồng bào yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước.

Giờ đây, vào các xã Si Pa Phìn, Chà Nưa, Phìn Hồ… của huyện Nậm Pồ dễ dàng nhận ra bức tranh nông thôn đã hoàn toàn thay đổi. Rõ nhất là hệ thống giao thông đã thông suốt, không chỉ tạo điều kiện cho việc đi lại giữa các xã, thị trấn thuận tiện, mà còn hỗ trợ nhân dân vận chuyển hàng hóa nông sản... Sở dĩ có được kết quả đó là do, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Nậm Pồ luôn quan tâm thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án về giảm nghèo, đa dạng hóa các giải pháp hỗ trợ, giúp người nghèo nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đời sống nhân dân các dân tộc huyện biên giới Nậm Pồ ngày càng nâng cao.

Đời sống nhân dân các dân tộc huyện biên giới Nậm Pồ ngày càng nâng cao.

Xác định công tác xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị phụ trách theo dõi, giúp các xã đặc biệt khó khăn. Ðồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chủ động vươn lên thoát nghèo của mỗi người dân.

Huyện Nậm Pồ đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình. Ðồng thời, chủ động phân bổ kinh phí cho cơ quan, đơn vị, UBND các xã trên địa bàn tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án: Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo...

Một trong những cách làm hiệu quả đang được cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ triển khai đó là các cơ quan, đơn vị luôn có sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ với nhau trong triển khai thực hiện mỗi dự án, mô hình xóa đói giảm nghèo; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện.

Qua đó, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh. Ngoài ra, cùng với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Trung ương thông qua các chương trình, dự án thì huyện còn tích cực huy động sự đóng góp, tham gia xã hội hóa của cộng đồng để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Qua đó, góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Đọc thêm