'Hà Nội nên bổ sung ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhóm người khuyết tật'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  “Những người khuyết tật cũng cần được ưu tiên tiêm, bởi việc di chuyển, đi lại của những người này gặp nhiều khó khăn. Họ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nói.
Người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Nga
Người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Nga

Nên bổ sung ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho những người khuyết tật

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 5/9 TP Hà Nội đã thực hiện tiêm 96.082 mũi vaccine phòng COVID-19. Và tính đến hết ngày 5/9, Hà Nội đã triển khai tiêm được tổng cộng 2.302.387 mũi vaccine, trong đó có 2.072.787 mũi 1; 229.600 mũi 2. Số người được tiêm là 2.072.787 (24,97%) dân số và bằng (33,98%) người dân trong độ tuổi tiêm chủng.

Sở Y tế Hà Nội mới có Công văn về tiếp tục triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 trên địa bàn đợt 12. Đáng chú ý, đợt này thành phố bổ sung thêm 3 đối tượng ưu tiên được tiêm chủng: người mắc bệnh mãn tính; người trên 65 tuổi; phụ nữ đang mang thai ≥ 13 tuần sau khi được giải thích nguy cơ/lợi ích nếu đồng ý tiêm chủng cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: “Theo đánh giá của tôi, trong việc tiêm chủng, Hà Nội đã thực hiện được an toàn giãn cách, có hẹn giờ tiêm đối với người đến tiêm, ngoài ra có nhiều nơi đã xét nghiệm nhanh trước khi tiêm”.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga đồng thời đồng tình về việc Hà Nội vừa bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm chủng, đặc biệt là có nhóm người bệnh mãn tính và người trên 65 tuổi.

Đồng quan điểm với PGS.TS Nga, PGS.TS Đào Xuân Cơ – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: “Thực tế Bộ Y tế và Chính phủ đã có quyết định ưu tiên cho những người trên 65 tuổi được tiêm phòng vaccine, đặc biệt những bệnh nhân có bệnh lý nền. Tuy nhiên với những người này thì nên được khám sàng lọc rất kĩ trước khi tiêm phòng vaccine. Những người có bệnh lý nền nặng thì nên điều trị ổn định bệnh lý nền của mình. Ví dụ, những người tăng huyết áp, suy tim, tiểu đường… cần điều trị ổn định bệnh lý trước khi tiêm phòng vaccine. Những đối tượng này nên tiêm vaccine vì họ có bệnh nền nặng và khi nhiễm COVID -19 sẽ có tỉ lệ tử vong cao hơn nhóm khác”.

Ngoài ra, theo PGS.TS Nga, Hà Nội cần bổ sung thêm nhóm người khuyết tật vào đối tượng ưu tiên tiêm vaccine COVID-19. “Những người khuyết tật cũng cần được ưu tiên tiêm, bởi việc di chuyển, đi lại của những người này gặp nhiều khó khăn. Họ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh”, PGS.TS Nga cho biết thêm.

Cán bộ y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Ảnh: Ngọc Nga

Cán bộ y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Ảnh: Ngọc Nga

Tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn cần thực hiện 5K

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Nga, đối với những người tiêm đủ 2 mũi vaccine sau 14 ngày thì cơ bản an toàn, 94% là được bảo vệ. Hiệu quả bảo vệ của vaccine từ 70-90% tùy từng loại vaccine. Với những người tiêm mũi 1 mức độ an toàn mới chỉ đạt 50%, khả năng những người này bị nhiễm bệnh cao hơn so với người đã tiêm đủ 2 mũi.

Và đặc biệt: “Tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc chưa đủ vẫn phải thực hiện tốt 5K. Khẩu trang phải đeo đúng cách, giãn cách đủ 2 mét. Quan trọng nhất là giãn cách các cá nhân với cá nhân. Ở Hà Nội phân “vùng đỏ”, “vùng cam” để giãn cách toàn thành phố, tuy nhiên nếu giữa các cá nhân không đảm bảo giãn cách thì dịch vẫn có nguy cơ lây lan”, PGS.TS Nga nhấn mạnh.

Đọc thêm