Hà Nội: Quyết không để phát sinh “điểm nóng” an ninh trong bầu cử

(PLO) -Thanh tra Chính phủ đã làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác phối hợp tiếp công dân, bảo đảm an ninh trật tự phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Hà Nội và lưu ý, không thể chủ quan với tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay, khi giải quyết không được “nóng vội”. (Ảnh: TN/báo Thanh tra)
Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Hà Nội và lưu ý, không thể chủ quan với tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay, khi giải quyết không được “nóng vội”. (Ảnh: TN/báo Thanh tra)

Ngăn chặn lợi dụng khiếu nại, tố cáo

Đánh giá chung tại buổi làm việc cho thấy, tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) diễn biến phức tạp, nhất là đã “lộ diện” những vụ lợi dụng quyền KNTC để lôi kéo, kích động, tập trung đông người trước, trong và kể cả sau bầu cử.

Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, xác định công tác tiếp dân, giải quyết KNTC liên quan đến công tác bầu cử  là nhiệm vụ trọng tâm, Hà Nội quyết không để phát sinh các “điểm nóng” gây mất an ninh trật tự trên địa bàn TP, tập trung rà soát, giải quyết kịp thời, triệt để các vụ việc công dân khiếu kiện đông người, tiềm ẩn nhân tố gây phức tạp về an ninh trật tự, không để phát sinh hậu quả phức tạp để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của nhân dân.

Đồng thời, Công an TP cũng xây dựng phương án các tình huống phức tạp, nắm chắc tình hình, chủ động phát hiện, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn hoạt động lợi dụng KNTC của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, chính trị lợi dụng quyền KNTC để xuyên tạc, phá hoại công tác bầu cử. Kiên quyết xử lý, giải tỏa kịp thời người khiếu kiện có hành vi tập trung đông người, căng băng rôn, biểu ngữ, hô hoán gây mất an ninh trật tự trên các tuyến phố, nơi công cộng, các mục tiêu bảo vệ, các địa bàn trọng điểm về an ninh nông thôn ở thời điểm trước, trong và sau bầu cử…

Tăng cường vận động để giải quyết dứt điểm

Lo ngại tình trạng “Hà Nội giải quyết đơn thư KNTC thì nhanh nhưng tái khiếu cũng lớn”, Thanh tra Chính phủ cho rằng, cần tăng cường phối hợp trên tinh thần tăng cường vận động, “sòng phẳng” để giải quyết dứt điểm. Đồng thời, “không thể chủ quan, “nóng vội” với tình hình KNTC hiện nay” - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh lưu ý.

Muốn vậy, công tác tiếp dân, giải quyết KNTC của Hà Nội phải thực sự có hiệu quả, gắn tiếp dân với giải quyết, tháo gỡ ngay không để vụ việc kéo dài vì “Nghị quyết 39 đặt ra cho chúng ta phải tập trung giải quyết những vụ KNTC tồn đọng, kéo dài “êm ấm” để yên dân”, ông Hạnh nói.

Theo ông Bùi Văn Định, Phó Chánh Thanh tra TP Hà Nội, từ ngày 7/3 đến ngày 15/4, TP đã tiếp 98 lượt công dân, tiếp nhận, xử lý 66 đơn KNTC, phản ánh liên quan đến bầu cử. UBND TP đã giao Thanh tra TP xác minh 2 vụ tố cáo; Ủy ban bầu cử TP giao các đơn vị xác minh 25 vụ. Còn Ủy ban bầu cử các quận, huyện, thị xã đã tiếp 145 lượt công dân, tiếp nhận 116 đơn và hiện đã giải quyết được 49 đơn thư liên quan đến bầu cử.

Do đó, Phó Tổng Thanh tra đề nghị, việc giải quyết đơn thư KNTC các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp cần tổ chức đúng theo quy định của Điều 61 Luật Bầu cử trên tinh thần giải quyết đúng thời hạn quy định, không giải quyết đơn thư KNTC nặc danh, mạo danh./.

Đọc thêm