Hà Nội “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”

(PLO) - Ngày 19/12/1946 là một trong những mốc lịch sử quan trọng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam: Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” với nội dung “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Chiến lũy trên đường phố Thủ đô
Chiến lũy trên đường phố Thủ đô

Thủ đô Hà Nội là địa điểm mở đầu cho cuộc chiến đấu của nhân dân cả nước chống kẻ thù xâm lược. 60 ngày đêm chiến đấu “Hà Nội quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã chứng minh cho quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của dân tộc Việt Nam.

Giờ cứu nước đã điểm

20 giờ 3 phút tối 19/12/1946, công nhân Nhà máy điện Yên Phụ phá máy, Đèn điện trong thành phố phụt tắt. Hiệu lệnh chiến đấu bắt đầu. Giờ cứu nước đã đến.

Các lực lượng vũ trang đồng loạt tiến công vào các vị trí đã định theo kế hoạch. Tự vệ ngoại thành tập trung thành những đại đội tiến vào cửa ô. Quân dân nội thành cùng quân dân cả nước nhất tề xông lên với khẩu hiệu “Mỗi người dân là một người lính”, “mỗi nhà là một pháo đài”, đánh địch bằng mọi thứ vũ khí có trong tay. Một số ổ tác chiến của quân Pháp trong thành phố như: Nhà máy đèn Bờ Hồ, Nhà máy điện, nước Yên Phụ, cầu Long Biên… bị quân và dân Hà Nội tấn công quyết liệt. Nhân dân nội thành sát cánh cùng lực lượng vũ trang, ném đồ đạc xuống mặt đường, xây dựng thêm chiến luỹ, nổ mình đánh gục các cây to, cột đèn. Các trục giao thông chính trong thành phố bị cắt đứt thành nhiều đoạn. 

Cả Hà Nội đã anh dũng đứng lên kháng chiến cứu nước. Quân dân Hà Nội và quân dân cả nước cùng nhau tấn công địch. Tiếng súng chống xâm lược ở Thủ đô mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc.

Địch đã bị giáng một đòn bất ngờ, phải lúng túng đối phó khắp nơi. Tại Bắc Bộ Phủ, trụ sở Ủy ban hành chính Hà Nội, Nhà hát Lớn, Ga Hà Nội, Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa Hữu Nghị) và một số địa điểm quan trọng khác, địch vấp phải sức kháng chiến quyết liệt của quân ta. Tính đến 29/12/1946 đã có 47 trận đánh quyết liệt ở 3 liên khu. Trong trận đánh Chợ Hôm - Nguyễn Du (23/12) đồng chí Trần Thành đã dùng bom ba càng đánh xe tăng địch và anh dũng hy sinh. Ngày 26/12, ở Ô Cầu Dền, lần đầu tiên ta dùng súng bazôca bắn cháy xe bọc sắt địch.

Không tiêu diệt nổi các lực lượng của ta ở nội thành, địch tập trung lực lượng đánh ra ngoại thành. Chúng liên tiếp mở 6 đợt tấn công đánh chiếm vành đai các cửa ô từ Lò Lợn đến Ô Cầu Dền, ngã tư Kim Liên, Kim Mã, Ngọc Hà, Thụy Khuê, Yên Phụ. Quân ta đã chặn đánh quyết liệt giành đi giật lại từng tấc đất trên vành đai các cửa ô như trận Ô Chợ Dừa (30/12/1946), Vĩnh Tuy (3/1/1947), Giảng Võ (6/1/1947)…

Lễ Quyết tử của Tiểu đoàn 103 tại rạp Tố Như (nay là rạp Chuông Vàng) trước bàn thờ Tổ quốc và ảnh Bác ngày 14/1/1947 là một lời thề quyết tử, không sợ gian khổ, hy sinh của các chiến sỹ bảo vệ Thủ đô. Nêu cao khí phách anh hùng của Bà Trưng, Bà Triệu, phụ nữ Thủ đô luôn có mặt trên trận địa làm nhiệm vụ cứu thương, liên lạc, tiếp tế phục vụ chiến đấu. Những tấm gương hy sinh của tiểu đội nữ cứu thương Đại đội 134 làm tăng thêm ý chí quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược.

Tinh thần bất diệt

Ngày 27/1/1947, bước vào cuộc chiến đấu mới, quân và dân Thủ đô được đón đọc thư gửi các chiến sĩ quyết tử quân Thủ đô của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Hợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương các chiến sĩ Thủ đô: …“Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại… nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời sau”. Đó là tinh thần quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.

Tự hào và phấn khởi được nhận thư của Bác, quân và dân Thủ đô kiên cường giữ từng góc nhà, đường phố, đánh lui các đợt tấn công của địch vào các căn cứ quan trọng. Trên nóc nhà 18 phố Lương Văn Can, Trung đội 5 (Tiểu đoàn 102) đã bắn rơi máy bay khu trục Spítphai của địch.

Đêm ngày 14/2/1947, Quân uỷ Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định cho Trung đoàn Thủ đô ra hậu phương để bảo đảm an toàn lực lượng. Người khen ngợi: “Các chú giam chân địch một tháng là thắng lợi đến nay giữ được hai tháng là đại thắng lợi”.

Đêm 17/2/1947, được Đội liên lạc Nguyễn Ngọc Nại dẫn đường, Trung đoàn Thủ đô đã bí mật rút theo đường Cột Đồng hồ - gầm cầu Long Biên - men theo chân đê sông Hồng lên Tứ Tổng - Tam Lạc - Tam Xá, vượt sông Hồng sang Xuân Canh (Đông Anh) an toàn. Sáng 19/2/1957, địch huy động thủy - lục - không quân truy đuổi Trung đoàn Thủ đô, Đội liên lạc đã chiến đấu bảo vệ Trung đoàn. Đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại và 7 chiến sỹ đã hy sinh trên bãi Tàm Xá, đảm bảo cho Trung đoàn Thủ đô rút về hậu phương an toàn. Đây là một thắng lợi to lớn của lực lượng kháng chiến ngay trong vòng vây của kẻ thù, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi.

Hà Nội anh hùng

Thắng lợi 60 ngày đêm chiến đấu của quân và dân Thủ đô khẳng định đường lối đúng đắn của chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước được bảo vệ an toàn tuyệt đối. Trên 2000 tên địch bị tiêu diệt. ý đồ đánh nhanh, thắng nhanh của địch hoàn toàn bị thất bại.

Thực lực của ta không những được bảo toàn mà còn phát triển. Vừa chiến đấu, vừa xây dựng từ 5 tiểu đoàn Vệ quốc quân lúc mới nổ súng đã được xây dựng thành các trung đoàn, lúc rút khỏi thành phố.

Trong chiến đấu, Đảng bộ Hà Nội không ngừng được tôi luyện và lớn mạnh. Tính đến 28/2/1947, Đảng bộ Hà Nội đã có 511 đảng viên. Cuộc chiến đấu của quân dân Thủ đô Hà Nội “… là một điển hình thành công của nghệ thuật đánh giặc trên mặt trận đô thị của nước ta, một tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, về sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam”. “Đây là một bước mở đầu oanh liệt của cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp, góp phần làm rạng rỡ truyền thống Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội” (Thư gửi Hội nghị kỷ niệm 23 năm Ngày thống nhất lực lượng vũ trang Thủ đô, tháng 1-1972 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Thắng lợi trên góp phần động viên, cổ vũ nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài; tạo động lực để dư luận tiến bộ trên thế giới ủng hộ kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta. Sau 9 năm chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, nhất là sau chiến thắng quyết định của ta ở Điện Biên Phủ (ngày 7/5/1954), thực dân Pháp buộc phải ngồi vào bàn thương lượng và ký Hiệp định Giơnevơ (ngày 20/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Và ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được hoàn toàn giải phóng.

Đọc thêm