Nơi ghi dấu huyền sử đường Trường Sơn

(PLO) - Tọa lạc tại vùng đồi Bến Tắt rộng lớn thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là chốn yên nghỉ của 10.333 anh hùng liệt sĩ trong diện tích 23.000m2, chia phân thành 10 khu vực chính. Hầu hết trong số họ là những chiến binh kiêu hùng đã anh dũng ngã xuống trên tuyến đường chiến lược Trường Sơn Đông trong cuộc kháng Mỹ thần thánh của dân tộc.
Ấm áp, ắp đầy trong tình đồng chí, đồng đội.
Ấm áp, ắp đầy trong tình đồng chí, đồng đội.
Huyền sử Trường Sơn
Chiều cuối năm, từng vạt nắng dịu nhẹ len lỏi xuyên qua những tán cây bồ đề phía sau tượng đài “Tổ quốc ghi công”, tỏa xuống sưởi ấm, vỗ về những linh hồn bất tử nằm lại yên nghỉ trong Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Cây bồ đề xum xuê, rợp bóng, dung dị từ phía sau ôm lấy tượng đài, ít ai biết rằng đó là cây mọc tự nhiên.

Trên những trang đầu cuốn sổ lưu niệm, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, một trong những người đầu tiên tạo lập “cõi thiêng” này đã trải lòng về những ký ức lịch sử sâu lắng thuở chiến đấu và cất lập chốn này. Cuối năm 1976, khi chuẩn bị khánh thành nghĩa trang, người ta phát hiện có một cây bồ đề mầm xanh mướt mọc lên phía sau Đài tưởng niệm. Nhiều lần nâng cấp Đài tưởng niệm, có ý kiến di dời cây bồ đề nhưng Tướng Nguyên nhất quyết giữ lại.

Ông viết: “Đây là một sự tích có tính huyền thoại, một phúc âm, một điềm lành của liệt sĩ an nghỉ nơi này… Mong rằng mọi người cùng nhau giữ lấy cây bồ đề thiêng, tài sản của liệt sĩ an nghỉ nơi đây… Để phúc đức liệt sĩ Trường Sơn đời đời ban tặng…”.

Cây bồ đề sinh trưởng nhanh đến lạ thường và chia ra 3 nhánh cân đối tỏa ra ôm lấy 3 cạnh của Đài tưởng niệm, được thiết kế từ hình tượng 3 miền Bắc – Trung – Nam. Các nhà sư vốn yêu chuộng bồ đề, đến kinh cầu ai cũng thốt lên: chốn này quá thiêng liêng, cây bồ đề đẹp hiếm có!

Ông Hoàng Văn Minh – Phó Trưởng ban Quản lý NTLSQG Trường Sơn cho biết, nhiều du khách về dâng hương đất thiêng này muốn xin một chiếc lá bồ đề mang về. Họ tâm nguyện, chiếc lá bồ đề ở Trường Sơn chứa đựng tầm hồn, lý tưởng của các liệt sĩ. Các thân nhân liệt sĩ thì xem như là di vật của người thân.

Xuân ấm tình đồng đội...
Tôi dừng bước trước cụm tượng đá khắc tạc sống động vóc dáng huyền thoại hào hùng của những chiến sĩ Trường Sơn phá bom mở đường, dùng hoả lực tấn công địch, thông ống dẫn dầu, thông tin liên lạc... Như hiển hiện một thời lẫm liệt: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, của lớp lớp người tiền thế đã không tiếc máu xương, ngã xuống cho đất nước nở hoa, những mùa xuân thống nhất, ấm áp sum vầy... 

Thời chiến là thế, thời bình họ trở về khập khiễng, thân thể không còn vẹn nguyên vì đạn bom nhưng vẫn kiên hùng trong khốn khó để tái thiết, xây dựng quê hương. Có người nguyện mãi lời thề trở về bên cạnh những mộ phần để chăm nom đồng đội. Trong 19 người của Ban Quản lý nghĩa trang, hơn một nửa là cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường bom đạn xối xả này.

Ông Nguyễn Tất Quang kể lại: “Khi nghĩa trang mới hoàn thành, tôi là một trong những người đầu tiên tình nguyện về nơi này. Ngày ấy hoang vắng lắm, gặp hổ, lợn rừng, nai hoẵng… nhiều hơn gặp người. Cả năm chỉ có vài thân nhân liệt sĩ lặn lội vào viếng...”.

Theo ông Quang, có nhiều chuyện lạ kỳ mà chỉ riêng có ở nơi đất thiêng này. Vào những năm đầu thập kỷ 90, không ít lần anh em đang ăn cơm tối thì nghe tiếng chân rầm rập. Nghĩ rằng có đơn vị nào vào viếng đồng đội nên bỏ cơm chạy vội lên mộ, nhưng chẳng ai thấy một bóng người. Một đêm hè giữa năm 1996, ông Quang nằm mơ thấy một chiến sĩ đội mũ gắn sao, bị mảnh đạn găm trúng ngực nói rằng: “Mai mẹ già của tôi từ Thái Bình vào thăm con lần đầu, không biết mộ. Nhờ đồng chí giúp…”.

Gần trưa ngày hôm sau, ông gặp một bà cụ vào hỏi: “Tôi gần đất xa trời, vào thăm con để vĩnh biệt. Cháu nó hy sinh năm 68…”. Ông đưa cụ lên mộ phần liệt sĩ đêm qua, người đánh vần chữ trên bia xong thì lọm khọm ngồi xuống khóc, tay ôm lấy mộ phần như vỗ về con…

Rồi chục năm trước, có một đoàn đến viếng, trời mưa to nên không hóa được vàng mã. Ông Quang dặn cứ yên tâm về, tối trời tạnh sẽ đốt giúp. Đêm ấy, ông nhận tin con sốt nên về nhà. Khuya ông đang ngủ thì có người trách bên tai: “Sao đồng chí quên lời hứa?” Tờ mờ sáng, ông lên nghĩa trang ngay...

Ông Quang tâm sự: “Quản trang là một nghề đặc biệt. Kể ra nhiều chuyện ly kỳ, người nghe dễ tưởng mình mê tín”, nhưng quy luật tâm lý khoa học vẫn lý giải rằng, điều gì tâm niệm hay ám ảnh nhiều thì dễ đi vào giấc mơ. 

Tôi biết rằng, tất cả 19 con người trong Ban Quản lý NTLSQG Trường Sơn đều tâm niệm rằng, hơn 1 vạn anh hùng liệt sĩ nằm lại nơi đây như là thân nhân của họ. Có người về được với tổ tiên, nơi chôn nhau cắt rốn. Cũng có những liệt sĩ không còn thân nhân, không về được với gia đình. Có những thân nhân nghèo khó không đủ điều kiện vào thăm viếng các anh.

Phó Trưởng ban Quản lý nghĩa trang Hoàng Văn Minh bộc bạch: “Chúng tôi nhắc nhở nhau không thể để các anh lạnh vắng, lẻ loi. Mỗi đồng chí được giao phụ trách chăm sóc một khu mộ. Năm nào cũng vậy, để cùng các anh hùng liệt sĩ đón tết Nguyên đán, anh em sẽ thay cát mới vào lư hương, sau đó quét dọn các mộ phần tươm tất.

Chiều 30 tết, Ban Quản lý nghĩa trang bày mâm cơm cúng tất niên để đón các anh về ăn tết. Lễ cúng đầu năm, hóa vàng mã xong mọi người sẽ tỏa đi đốt nén hương chúc tết và mời các anh tụ hội về khu khánh tiết trang nghiêm để quây quần ấm cúng bên nhau, để thân nhân của các liệt sĩ an lòng gửi gắm lại trên đất Quảng Trị”.

… trọn vẹn nghĩa đồng bào
Ngót nghét 8 năm nay, lệ thường chiều 29 tết, một nhóm hơn chục người lặng lẽ mang theo những bó hoa cúc, hoa huệ trắng tinh khôi, giấy áo lên Trường Sơn quét dọn, nhang khói cho hương hồn các liệt sĩ. Đây là nhóm bạn của ông Lê Đức Minh, trú cùng huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

“Ban đầu chỉ một, hai nhà cùng đi, nay có 8 gia đình. Các anh đã hiến thân để Tổ quốc nở hoa độc lập. Dù mình không họ hàng thân thích nhưng hầu hết thân nhân các anh ở xa, tết đến xuân về mình ở gần, chẳng lý gì lại không lên thăm viếng, ngưỡng vọng cho linh hồn các anh thêm ấm cúng mỗi độ xuân về…” – ông Minh quả quyết.

Xong phần lễ viếng ở Đài tưởng niệm, họ chia nhau tỏa ra cầm những bó nhang to, đi giữa bạt ngàn cây, bạt ngàn mộ, bạt ngàn hương khói tỏa mờ, lặng lẽ và linh thiêng…

Ở giữa lòng đất và người Quảng Trị dù đầy bão bùng, nắng gió và khốn khó này, những tấm lòng trắc ẩn, ắp đầy thơm thảo của nhóm bạn ông Minh, của những người quản trang không hề hiếm. Phía sau con số 10.333 mộ phần ở Trường Sơn không chỉ có bản tráng ca bất diệt của hơn 1 vạn người con quả cảm của dân tộc Việt, không chỉ là câu chuyện của hơn 1 vạn gia đình, bà mẹ Việt Nam anh hùng mà ở đó chứa đựng cả muôn vàn câu chuyện cảm động khiến tôi nể phục về nghĩa tình tri ân của người đang sống với người nằm xuống để Tổ quốc quyết sinh.
Hoàng hôn chiều cuối năm đã chạm dưới chân những mộ phần, tôi trách mình đã không đủ sức dâng lên mỗi liệt sĩ riêng một nén tâm hương, làm sao tỏ hết lòng thành kính, không để tủi phận những người nằm dưới cỏ, thắp cho ai thì cũng chẳng đành? Tôi đành lên vạt đồi cao, cắm nơi đầu gió như lời thơ “Thăm mộ chiều cuối năm” của nhà thơ Nguyễn Thái Sơn:
Vạt đồi yên nghỉ bao đồng đội
Nhang trầm một thẻ - biết làm sao...
Thắp lên, đành cắm nơi đầu gió
Hương khói đừng quên nấm mộ nào…
Đứng trên đồi cao Trường Sơn nhìn về hướng những xóm làng dung dị, cánh đồng quê yên bình lúa đơm bông. Tôi tự hỏi: Phải chăng, một phần máu thịt của những người con bất tử của dân tộc Việt đã hòa theo phù sa những dòng sông, về tưới tắm cho những mùa màng phong nẫm, những làng quê đổi mới, nở hoa?

Đọc thêm