Hà Nội thủ đô – 68 năm lịch sử hào hùng

(PLVN) - 68 năm về trước, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết. Ngay sau đó, Chính phủ đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị việc tiếp quản thành phố...

Trong những ngày se lạnh của mùa thu, trên những góc phố nồng nàn mùi hoa sữa, nằm ngoài sự ồn ào náo nhiệt của xe cộ, có một Hà Nội vẫn âm thầm chuyển mình trong suốt 68 năm, từ một thủ đô bị kẻ thù chiếm đóng đã vươn lên trở thành trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Ngày hôm nay, trong không khí mùa thu dịu mát, hãy cùng lắng nghe ca khúc “Tiến về Thủ đô” của cố nhạc sĩ Văn Cao để cùng hoài niệm về những ngày tháng huy hoàng, cột mốc chói lọi trong lịch sử Thủ đô và của dân tộc.

(nhạc)

68 năm về trước, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết. Ngay sau đó, Chính phủ đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị việc tiếp quản thành phố.

Theo nghị quyết ngày 17/9/1954 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội được thành lập do thiếu tướng Vương Thừa Vũ, tư lệnh sư đoàn Quân Tiên phong làm Chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch Ủy ban quân chính có nhiệm vụ tiếp thu và quản lý thành phố.

Bộ Tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị vào tiếp quản Hà Nội phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật của Chính phủ đề ra, phải luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại.

Sư đoàn Quân Tiên phong đã được Trung ương Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội. Theo kế hoạch đã định, sáng 8/10/1954 các đơn vị quân đội chia nhiều đường tiến vào ngoại thành Hà Nội. Đến 16 giờ 30 thì tiến đến đường đê La Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy và Nhật Tân.

6 giờ sáng ngày 9/10/1954, bộ đội ta theo nhiều đường từ ngoại thành tiến vào nội thành chia làm nhiều cánh quân tiến vào 5 cửa ô chính rồi từ đó tỏa đi các nơi.

Lần lượt bộ đội tiếp thu nhà Ga, phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, phủ Thống sứ. 16 giờ, quân đội Liên hiệp Pháp rời khỏi thành phố, lặng lẽ rút sang phía Bắc cầu Long Biên. 16h30, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát thành phố Hà Nội, tiếp thu thành phố gọn gàng và trật tự.

Ngày 10/10/1954, chưa bao giờ Hà Nội lộng lẫy đến như thế, người dân Hà Nội hân hoan đến như thế. Bộ đội tiến đến đâu, nhân dân ta đổ ra hai bên đường, phất cờ tung hoa, reo mừng không ngớt. Cổng chào, khẩu hiệu dựng lên khắp các đường phố, cờ đỏ sao vàng rực rỡ trên khắp các tầng nhà. Hàng vạn người dân tràn ra đường, rạo rực trong ngày hội lớn, chào đón đoàn quân chiến thắng trở về sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau khúc khải hoàn, cùng lá cờ đỏ sao vàng, Hà Nội tiếp tục tiến về phía trước, làm tốt vai trò xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc lại vừa làm hậu phương vững chắc cho công cuộc giải phóng miền Nam, góp sức vào công cuộc thống nhất đất nước, với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, là một cánh én kiên cường dệt lên mùa xuân đại thắng của dân tộc.

Như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta, nên Thủ đô ta phải phấn đấu để trở thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”, từ khi nền hoà bình lập lại, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô đã luôn phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến, tranh thủ thời cơ, vận hội, vượt qua khó khăn, thách thức để vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng là trái tim của đất nước, là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước Việt Nam.

Vẫn là một mùa thu sáng trong, với hương hoa sữa phảng phất, cột mốc son chói lọi của lịch sử năm 1954 vẫn tiếp tục được kế nhiệm. Đến mùa thu năm 2022, Hà Nội và người dân Hà Nội vẫn không ngừng đi lên, phát triển từng ngày để trở thành Thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.