Gia tăng ca mắc thủy đậu
Theo CDC Hà Nội, từ đầu năm cho đến ngày 28/3, thành phố đã có 634 ca mắc thủy đậu (trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 6 ca). Số mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non (37,5%) và tiểu học (36,5%). Bệnh nhân phân bố tại 17/30 quận, huyện, dẫn đầu là Chương Mỹ với 241 ca, tiếp đến là Mê Linh với 96 ca, Ba Vì (83 ca), Nam Từ Liêm (58 ca), Mỹ Đức (51 ca). Nếu như những năm trước, bệnh thường lây lan mạnh trong nhóm trẻ nhỏ, nhóm lớp mầm non thì năm nay thủy đậu còn bùng phát ở người lớn.
Nhiều bệnh viện trên địa bàn Thủ đô không chỉ tiếp nhận bệnh nhân thủy đậu vào điều trị tăng đột biến mà còn xuất hiện các chùm ca bệnh người lớn sống chung trong một nhà trọ. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, có trường hợp 8 bệnh nhân thủy đậu điều trị, tất cả đều sống cùng một địa chỉ. Được biết, tại nơi các bệnh nhân ở có 30 người cùng sử dụng một phòng rộng, có giường tầng và sinh hoạt chung.
Theo bệnh nhân A.Giàng (Hà Giang), cách đây 2 tuần, một người trong phòng có dấu hiệu của thủy đậu là mệt mỏi, sốt, nổi mụn nước. Cùng thời điểm đó, 3 người trong phòng cũng có biểu hiện tương tự nên tất cả được đưa đến Bệnh viện Thanh Nhàn thăm khám. Sau khi 4 người cùng phòng trọ điều trị khỏi bệnh xuất viện, anh Giàng và 3 người khác cũng có biểu hiện bệnh và phải nhập viện. Hiện một số người sinh sống cùng anh Giàng và những bệnh nhân trên cũng có triệu chứng tương tự.
Nguy cơ bùng phát dịch
Thường trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5, vào vụ cuối xuân đầu hè, thời tiết chuyển từ lạnh sang nóng, những virus gây bệnh như thủy đậu, sởi, quai bị... dễ dàng sinh sôi, phát triển và xâm nhập vào cơ thể người.
Gia tăng ca mắc thủy đậu tại Hà Nội. (Ảnh - vtv.vn) |
Theo nhiều chuyên gia, thời điểm hiện tại, bệnh thủy đậu diễn ra trong đợt này cùng nhóm bệnh nhân đều là người lớn là điều khác thường. Đặc biệt sau COVID-19, số người mắc bệnh thủy đậu đang cao hơn trước rất nhiều, trong khi mọi năm chỉ có lác đác bệnh nhân thủy đậu nhập viện.
Đáng lưu ý còn là những trường hợp tái mắc bệnh, có những người ngày nhỏ đã bị thủy đậu, giờ mắc lại. Thông thường sau khi mắc bệnh, cơ thể đã tự tạo miễn dịch với bệnh. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, đây là điều bình thường bởi miễn dịch thủy đậu không phải trọn đời, vẫn xảy ra tái mắc bệnh với một số bệnh nhân miễn dịch không bền vững.
Đặc biệt, đối với những bệnh đã có vaccine phòng ngừa như thủy đậu thì việc bùng phát bệnh còn phụ thuộc vào việc tiêm chủng của người dân. Nếu không tiêm vaccine phòng bệnh, nguy cơ mắc bệnh và lây lan trong cộng đồng cao. Theo các bác sĩ, phụ nữ mang thai nếu mắc thủy đậu trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể xảy ra những biến chứng gây dị tật thai nhi. Tuy biến chứng hiếm gặp, nhưng để phòng ngừa tốt nhất nên tiêm phòng vaccine trước khi mang thai.
Còn đối với trẻ nhỏ, những bé có sức đề kháng kém, trẻ và người lớn có nguy cơ cao (bị suy giảm miễn dịch, đang sử dụng hoá chất, dùng corticoid liều cao) rất dễ biến chứng và rất nặng nề. Vì vậy, để phòng ngừa thủy đậu đối với các đối tượng nói trên, các bác sĩ khuyến cáo trẻ em từ 12 tháng tuổi nên tiêm vaccine thủy đậu và tiêm đủ liều. Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm phòng vaccine thủy đậu, để tránh khi mang thai nhiễm bệnh có thể truyền cho con.
Theo các chuyên gia, thời gian tới bệnh thủy đậu có nguy cơ tăng cao và bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Người dân đi đến nơi đông người cần đeo khẩu trang, khi có dấu hiệu sốt, nổi nốt phỏng cần đến cơ sở y tế gần nhất thăm khám để được bác sĩ tư vấn. Nếu có biểu hiện mắc bệnh, cần tránh tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh để tránh lây lan dịch bệnh.