Cảm nhận tích cực của người trả lời nhờ nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ ở Việt Nam là một yếu tố then chốt. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát tiếp tục cho thấy tham nhũng vặt đã giảm dựa trên cảm nhận hoặc trải nghiệm của người dân khi sử dụng một số dịch vụ công.
Tình trạng đưa và nhận hối lộ ở bệnh viện công tuyến huyện đã giảm xuống gần với mức 0%. Tuy nhiên, mặc dù có một số cải thiện, khoảng 20% đến 40% người dân tiếp tục cho rằng tham nhũng vẫn tồn tại trong nhiều hoạt động của khu vực công.
Trải nghiệm của người dân với việc phải đưa "lót tay" khi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2019 hầu như không khác so với một vài năm trước, với 36,48% người trả lời cho biết người dân phải chi thêm tiền để được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 35,76% người trả lời cho biết người dân phải chi thêm tiền để nhận được giấy phép xây dựng.
Trong khi đó, 29,95% người trả lời cho biết cán bộ chính quyền dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng; 31,52% người trả lời cho biết người dân phải chi thêm tiền để được quan tâm hơn khi đi khám chữa bệnh; 28,32% người trả lời cho biết phụ huynh học sinh tiểu học phải chi thêm tiền để con em được quan tâm hơn.
Về công bằng trong tuyển dụng vào khu vực công, 48,12% người trả lời cho biết phải đưa tiền "lót tay"để xin được việc làm trong cơ quan nhà nước. Theo đánh giá của những người tham gia khảo sát, mối quan hệ cá nhân với người có chức quyền là không quan trọng khi xin vào làm 1 trong số 5 vị trí được hỏi (với thang đánh giá từ 0=rất quan trọng; 5=không quan trọng chút nào, chỉ số này đạt 1,52).
Với các số liệu trên, cảm nhận và trải nghiệm tích cực hơn của người dân về tham nhũng trong những năm gần đây không có nghĩa là tham nhũng đã được giải quyết triệt để ở tất cả lĩnh vực PAPI đo lường.
Hà Nội, TP HCM thuộc nhóm "cuối bảng" trong kiểm soát tham nhũng khu vực công
Thống kê của PAPI 2019 cho thấy, trong Chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, 23 tỉnh/TP đạt mức tăng trưởng điểm có ý nghĩa thống kê so với kết quả năm 2018, trong đó ấn tượng nhất là Hà Nam, Hậu Giang và Kiên Giang.
2 "đầu tàu" Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thuộc nhóm có chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công thấp nhất, cùng với các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc.
12 trong số 16 tỉnh thuộc nhóm tỉnh đạt điểm cao nhất là các địa phương phía Nam (bao gồm Ninh Thuận, Đồng Nai và 10 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long). Bến Tre vẫn là tỉnh nằm trong nhóm đạt điểm cao nhất qua nhiều năm, và năm 2019 tiếp tục tăng trưởng so với kết quả của tỉnh năm 2018 ở Chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công.
Chỉ có 4 tỉnh (gồm Bắc Ninh, Lai Châu, Đắk Nông và Tây Ninh) có mức sụt giảm điểm đáng kể so với năm 2018. Yên Bái và Lâm Đồng là hai tỉnh thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất ở cả bốn nội dung thành phần (Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền; Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công; Công bằng trong tuyển dụng vào khu vực công; Quyết tâm chống tham nhũng)
Báo cáo PAPI 2019 chỉ rõ: Mức biến chuyển rõ rệt nhất quan sát được ở chỉ số nội dung "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" và "Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định". Đây là sự ghi nhận kết quả của nhiều nỗ lực đổi mới đã được nhiều báo cáo đề cập, trong đó có nỗ lực giải quyết các vụ việc tham nhũng lớn và việc ban hành và thực hiện Luật Tiếp cận thông tin 2016 và Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.