Hà Nội: Vi phạm nồng độ cồn vẫn diễn biến phức tạp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong 3 tháng đầu năm 2023, tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giảm cả 3 tiêu chí so với quý liền kề; giảm về số vụ, số người tử vong so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, thực tế vi phạm về nồng độ cồn vẫn diễn biến phức tạp.
 Hà Nội đẩy mạnh xử lý vi phạm về nồng độ cồn. (Ảnh minh họa: VGP)
Hà Nội đẩy mạnh xử lý vi phạm về nồng độ cồn. (Ảnh minh họa: VGP)

Quyết tâm kéo giảm tai nạn giao thông

Thời gian qua, Thủ đô Hà Nội được xem là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp.

Tại Hội nghị sơ kết công tác quý I/2023, Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội cho biết, theo đánh giá sơ bộ, 3 tháng đầu năm 2023, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn thành phố tiếp tục được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí so với quý liền kề; giảm về số vụ, số người chết so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, lực lượng CSGT, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động Công an TP Hà Nội đã xử lý 71.167 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ - đường sắt - đường thủy, phạt tiền trên 148,3 tỷ đồng.

Đáng chú ý, kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn của Hà Nội chiếm 14,1% tổng số xử lý vi phạm nồng độ cồn của cả nước. Theo số liệu thống kê, trong hơn 18 nghìn trường hợp vi phạm, người vi phạm điều khiển ô tô chiếm 16,7%; người điều khiển mô tô chiếm 82,4%; trong đó người điều khiển các phương tiện khác như xe thô sơ, xe máy điện chiếm 0,9%. Tổng số tiền phạt lên tới 106,3 tỷ đồng. Ngoài ra, những trường hợp vi phạm ở mức cao tại Thủ đô còn có vi phạm tốc độ là 2.094 trường hợp; vi phạm quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành thùng là 1.977 trường hợp...

Việc đẩy mạnh, quyết liệt xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt vi phạm về nồng độ cồn đã góp phần giúp TNGT giảm sâu trên địa bàn Thủ đô. Nhận thức của người tham gia giao thông có chuyển biến, ý thức của người dân nâng lên, tính lan tỏa cao; tạo bước tiến mới về văn hóa tham gia giao thông an toàn.

Bên cạnh những mặt tích cực, trên toàn địa bàn thành phố vẫn xảy ra 130 vụ TNGT khiến 56 người chết, 101 người bị thương, trong đó có 01 vụ tai nạn có hậu quả rất nghiêm trọng làm 2 người chết.

Tiếp tục mạnh tay xử lý vi phạm nồng độ cồn

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt vi phạm với người đã uống rượu bia khi đang điều khiển ô tô có mức phạt tiền kịch khung lên tới 40 triệu đồng, bị tước giấy phép lái xe đến 24 tháng, tạm giữ xe đến 10 ngày làm việc. Quy định này đã tác động tích cực đến nhận thức và hành vi của phần đông tài xế ô tô thông qua chính “túi tiền” của họ, từ đó hình thành nếp nghĩ, thói quen thường ngày “đã uống rượu, bia thì không lái xe”.

Tuy nhiên, câu chuyện lại không hề đơn giản với nhóm người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy. Nhiều người dân đã nắm rõ quy định pháp luật nhưng vẫn có tâm lý chủ quan với sự an toàn của chính mình và những người tham gia giao thông khác. Một số người vi phạm thường có lý do chống chế như: “Chỉ di chuyển quãng đường ngắn nên lười bắt xe”, “đi xe máy khó bị phát hiện”, “chỉ say lắm thì mới bắt xe về”, “đi xe máy cho tiện bởi nhiều quán trong ngõ không tiện bắt được xe hoặc phải chờ lâu”…

Đối với vi phạm lỗi nồng độ cồn của người điều khiển xe máy, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 2 - 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 10 - 24 tháng, tạm giữ phương tiện đến 10 ngày làm việc. Dù đây không phải mức phạt thấp, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng đã được thực hiện thường xuyên, nhưng người vi phạm vẫn có muôn kiểu “lách luật”.

Đơn cử, nhiều trường hợp người đã uống rượu bia đang điều khiển xe máy khi thấy CSGT thì xuống xe dắt bộ để “né chốt”. Cũng có những chủ phương tiện khi bị lập biên bản xử lý vi phạm về nồng độ cồn đã bỏ luôn phương tiện để “trốn tránh” ký biên bản. Đây là một trong số những hành vi đối phó, thể hiện thái độ “nhờn luật” của một bộ phận người tham gia giao thông.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, tình trạng vi phạm nồng độ cồn là một trong những vấn nạn “nóng” của giao thông Thủ đô có chiều hướng diễn biến phức tạp trở lại. Do đó, Phòng CSGT đã tham mưu cho Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội tiếp tục triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo các cấp liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trọng tâm là xử lý vi phạm về nồng độ cồn, cùng các vi phạm khác về phương tiện quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành thùng, dừng đỗ sai quy định…

Đọc thêm