Hạ tầng giao thông 2021 - 2025: Ưu tiên phát triển hệ thống cao tốc

(PLVN) - Các dự án phát triển đường cao tốc đang được Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện. Đây là lĩnh vực hạ tầng được ngành Giao thông đầu tư lớn trong năm 2021 cũng như những năm tiếp theo.
Ngành Giao thông đang ưu tiên phát triển hệ thống đường cao tốc.

Mục tiêu hàng nghìn km cao tốc

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, ngành Giao thông đang tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc. Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Cũng theo “tư lệnh” ngành Giao thông, giai đoạn 2016-2020, ngành Giao thông đã hoàn thành nhiều công trình, dự án cao tốc quan trọng như tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Bắc Giang - Lạng Sơn; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Hải Phòng - Quảng Ninh, Hạ Long - Vân Đồn; La Sơn - Túy Loan, Trung Lương - Mỹ Thuận với tổng số khoảng 468km. Tuy nhiên, kết quả này vẫn còn khiêm tốn.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, nước ta đạt khoảng 2.000km đường cao tốc; con số này đến năm 2030 là 5.000km. Nhưng đến nay chiều dài đường cao tốc mới đạt được khoảng 1.200km. Như vậy, trong 10 năm tới, cần phải hoàn thành thêm khoảng 3.800km đường cao tốc. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề nhưng không phải là không khả thi.

Hiện, dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đang được Bộ GTVT triển khai khẩn trương. Trong số 11 dự án thành phần, đã có 7 dự án được đầu tư công, 2 dự án đang làm thủ tục để chuyển sang đầu tư công và 3 dự án, còn lại đã tìm được nhà đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP). 

Thời gian qua, nhiều gói thầu của các dự án thành phần này đã được khởi công, nhiều gói thầu đang được nhà thầu miệt mài ngày đêm thi công. Theo dự kiến, đến năm 2025, tất cả các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng hơn 600km đường cao tốc.

Kêu gọi hợp tác công - tư

Phấn đấu 80% các địa phương có cao tốc

Theo Bộ GTVT, mục tiêu đến năm 2030, cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế, các hành lang kinh tế chính, phấn đấu đến năm 2030 có trên 80% các địa phương có cao tốc kết nối và xây dựng hoàn thành trên 5.000km (bao gồm cả cao tốc phân kỳ quy mô đầu tư), trong đó tập trung ưu tiên hệ thống cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số tuyến cao tốc hướng tâm khu vực phía Bắc và phía Nam. Nâng cấp, cải tạo hệ thống quốc lộ đặc biệt ưu tiên một số tuyến quốc lộ trọng yếu kết nối tới các địa phương chưa có đường cao tốc…

Bộ GTVT hiện đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài việc bố trí vốn để hoàn thành các dự án cao tốc đang triển khai dở dang, Bộ GTVT đề xuất đầu tư mới giai đoạn phân kỳ của 7 dự án với chiều dài khoảng 774km, tổng vốn đầu tư hơn 64.000 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn giai đoạn 2021-2025 khoảng 37.272 tỷ đồng, bao gồm các đoạn cao tốc: Cần Thơ - Cà Mau, Chơn Thành - Đức Hòa, Đức Hòa - Mỹ An, Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.

Ngoài ra, theo quy hoạch, ở khu vực phía Bắc, thời gian tới nhiều tuyến cao tốc khác cũng được xây dựng như tuyến Lạng Sơn – Cao Bằng, Hòa Bình – Mộc Châu…

Về nguồn vốn thực hiện, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng ở Việt Nam từ trước đến nay chủ yếu bằng nguồn ngân sách nhà nước (NSNN).

Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là rất lớn, trong khi nguồn NSNN rất hạn hẹp, không đáp ứng nhu cầu. Do đó, ngoài vốn NSNN thì cần đẩy mạnh hợp tác công - tư nhằm huy động nguồn lực xã hội. 

Để thu hút đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật, để có chính sách pháp luật ổn định và hoàn chỉnh; các dự án đầu tư theo phương thức PPP cần được cân nhắc kỹ lưỡng, bảo đảm dự án khả thi về hiệu quả tài chính...

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong kế hoạch 5 năm 2021-2025 tới đây, dự báo sẽ còn khó khăn về huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, Bộ GTVT đã xác định ưu tiên, tập trung đầu tư các dự án như hoàn thiện đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn tới Cà Mau và tuyến đường Hồ Chí Minh, coi đây là các dự án tạo ra "đột phá", thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của vùng, quốc gia. 

Đọc thêm