Hai bệnh viện Hà Nội phối hợp cứu bé gái sơ sinh mắc bệnh hiếm gặp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trẻ sơ sinh mắc bệnh tim phức tạp được Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội phối hợp cứu sống ngay tại phòng sinh.
Nhịp tim của bé M.A đã ổn định nhờ có sự hỗ trợ của máy tạo nhịp tim tạm thời.
Nhịp tim của bé M.A đã ổn định nhờ có sự hỗ trợ của máy tạo nhịp tim tạm thời.

Sản phụ T.L (33 tuổi, Hà Nội), tiền sử Lupus ban đỏ 6 năm nay. Khi mang thai, chị khám thai tại phòng khám tư, đến tuần 22 phát hiện em bé có tình trạng rối loạn nhịp tim thai (thông thường, tim thai dao động từ 120 – 160 lần/phút nhưng thai nhi lại có nhịp tim rất chậm, dao động 50 – 60 lần/phút).

Chị L đến khám tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và được chẩn đoán thai nhi có tiên lượng nặng, chậm phát triển trong tử cung, tim to, tràn dịch màng ngoài tim số lượng nhiều, có tình trạng Block nhĩ thất cấp độ III. Chị được chỉ định tiếp tục điều trị Lupus ban đỏ và nhập viện ngay để theo dõi tình trạng thai nhi. Đồng thời, các bác sĩ của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã liên hệ hội chẩn cùng các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương để tìm ra phương án điều trị tốt nhất cho cả mẹ và bé.

Khi thai kỳ ở tuần thứ 35, tình trạng chức năng tim thai diễn biến xấu rất nhanh, thai chậm tăng trưởng trong tử cung ngày càng nặng. Do đó, ngay lập tức, các bác sĩ đã quyết định mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho thai nhi.

Ngày 10/10, hai cuộc phẫu thuật lấy thai và đặt máy tạo nhịp tim ngay tại phòng sinh đã được các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện nối tiếp nhau.

Bé M.A chào đời, nặng 2.150g, lúc này nhịp tim của em bé rất thấp, khoảng 50 lần/phút, có khi xuống 35 lần/phút. Rất nhanh chóng, trẻ được đặt ống nội khí quản, làm xét nghiệm, siêu âm tim, đánh giá tình trạng nhịp… Tiếp đó, ekip phẫu thuật Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành đặt máy tạo nhịp tim tạm thời để cấp cứu cho bé M.A.

Với tình trạng trẻ đẻ non, cân nặng thấp, suy đa cơ quan, rối loạn đông máu nặng, rất dễ gây chảy máu, các bác sĩ đã phải rất cẩn thận, tỉ mỉ thực hiện các bước đặt máy tạo nhịp tim. Đặc biệt, khâu hồi sức trong khi mổ vô cùng quan trọng, ê-kíp gây mê đã phải hồi sức rất tích cực để giữ cho huyết động bệnh nhi ổn định trong toàn bộ cuộc phẫu thuật.

Rất may mắn, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, quá trình phẫu thuật của bệnh nhi đã diễn ra thuận lợi. Sau khi được đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, nhịp thất lên 120 lần/phút, bé M.A được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục chăm sóc, điều trị tích cực rối loạn chức năng các cơ quan, điều trị nhiễm trùng, thở máy và hỗ trợ vận mạch.

Đọc thêm