Hai bờ sông Hồng bị biến thành… bãi chứa vật liệu

(PLO) - Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có 226 tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu, sông Công với diện tích hơn 238ha. Tuy nhiên, chỉ có 53 bãi chứa đã có thủ tục pháp lý về đất đai với diện tích hơn 92ha, đạt gần 30% diện tích quy hoạch, còn lại đang hoạt động trái phép...
Nhiều bãi chứa vật liệu không phép mọc lên bên những bờ sông tại Hà Nội (Hình minh họa)
Nhiều bãi chứa vật liệu không phép mọc lên bên những bờ sông tại Hà Nội (Hình minh họa)

173 bãi chứa đang hoạt động trái phép

Theo Quyết định số 711/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng cát, sỏi trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội quy hoạch 91 điểm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông, với tổng diện tích hơn 338ha. 

Hơn 3 năm qua, trên cơ sở quy hoạch, UBND thành phố đã cho thuê đất đối với 8 tổ chức, UBND cấp huyện đã cho thuê đất đối với 8 hộ gia đình cá nhân để làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông, với tổng diện tích cho thuê là 23ha (đạt gần 7% tổng diện tích quy hoạch). Còn lại 173 bãi chứa đang hoạt động trái phép với tổng diện tích hơn 148ha.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc rà soát tình hình sử dụng đất đang làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu ven các sông, đồng thời đề xuất những bãi chứa nào cho tiếp tục thực hiện, bãi chứa nào phải giải tỏa, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa đề nghị các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện công việc này. 

Kết quả, tổng số điểm đang tồn tại phù hợp với quy hoạch được phê duyệt là 153 điểm với diện tích gần 190ha. Số điểm đang tồn tại không phù hợp với quy hoạch được phê duyệt là 73 điểm, diện tích gần 49ha; số bãi chứa đề xuất cho tiếp tục thực hiện là 175 bãi với diện tích là 219,73ha.

Như vậy, số bãi chứa phải giải tỏa là 51 điểm với diện tích gần 19ha. Trong đó, bãi chứa phù hợp với quy hoạch, nhưng thực tế lại không phù hợp phải giải tỏa là 7 điểm, diện tích gần 2,7ha; bãi chứa không phù hợp quy hoạch phải giải tỏa 44 điểm, diện tích hơn 16ha.

Tính đến cuối tháng 5/2016, UBND quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo đôn đốc tự giải tỏa và cưỡng chế giải tỏa được tổng số 80 bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép, trong đó, 49 đơn vị, cá nhân tự giải tỏa vật liệu xây dựng trên bãi chứa, tăng 21 bãi chứa so với thời điểm báo cáo tháng 3/2016; đã có 31 đơn vị, cá nhân bị cưỡng chế giải tỏa vật liệu xây dựng trên bãi chứa trái phép. 

Giải tỏa bãi cũ, mọc lên bãi mới

Theo báo cáo của Sở TN&MT, việc giải tỏa có chuyển biến nhưng chậm so với yêu cầu chỉ đạo của UBND thành phố. Số lượng bãi chứa trái phép tự giải tỏa và bị cưỡng chế giải tỏa vật liệu xây dựng trên bãi còn ít so với tổng số bãi chứa vi phạm.

Nhiều bãi chứa hoạt động trái phép vẫn còn duy trì hoạt động, thường là với lưu lượng tập kết và trung chuyển vật liệu xây dựng lên bãi, nhưng nhỏ hơn so với trước. Cá biệt vẫn có bãi chứa trái phép mới tập kết lên bãi khối lượng vật liệu xây dựng lớn như quận Long Biên, các huyện Gia Lâm, Phúc Thọ, Đan Phượng và thị xã Sơn Tây…

Sở TN&MT Hà Nội cho biết, nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong xử lý là nhiều bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép được hình thành từ lâu, mang lại việc làm cho một bộ phận người lao động tại địa phương, việc chấm dứt hoạt động có tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế, xã hội của họ do vậy gây khó khăn trong xử lý vi phạm.

Cùng với đó, việc lập dự án đầu tư, thực hiện thủ tục thuê đất tại địa phương còn nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, liên quan nhiều lĩnh vực đất đai, công trình thủy lợi, giao thông... Song, mấu chốt sự vào cuộc của cấp cơ sở thiếu quyết liệt, để xảy ra tình trạng vi phạm trong việc sử dụng đất ven sông làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép kéo dài, vẫn còn có UBND cấp xã giao cho các tổ chức, cá nhân sử dụng đất bãi ven sông làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng dưới hình thức biên bản tạm giao từng năm, hoặc hợp đồng giao thầu đất để sản xuất nông nghiệp.

Trước thực trạng trên, Sở TN&MT đề nghị xem xét xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND cấp xã trong thời gian vừa qua không tổ chức thực hiện xử lý vi phạm trong hoạt động bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng, để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài. UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố trong việc để xảy ra tình trạng vi phạm trong hoạt động bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn diễn ra nhiều, kéo dài mà không được xử lý theo quy định.

Đọc thêm